Luật sư tư vấn
Nhà đất của bạn thuộc sở hữu chung của các thành viên gia đình gồm vợ chồng và con gái. Căn cứ khoản 2 Điều 218 Bộ luật Dân sự 2015, việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật. Do đó, khi bán nhà đất các thành viên hộ gia đình phải cùng ký vào hợp đồng chuyển nhượng hoặc văn bản thỏa thuận về việc định đoạt tài sản chung.
Trường hợp con gái bạn không thể về Việt Nam thì có thể làm giấy ủy quyền cho cha mẹ toàn quyền định đoạt nhà đất nếu đồng ý.
Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013 và Luật Công chứng 2014 không có điều khoản nào bắt buộc việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng. Tuy nhiên, để tránh xảy ra tranh chấp khi ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở, các bên nên công chứng hợp đồng ủy quyền.
Theo Điều 78, Luật Công chứng 2014, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thẩm quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch theo quy định của luật này và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao, trừ hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp bất động sản, hợp đồng góp vốn bằng bất động sản, văn bản thoả thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản là bất động sản.
Như vậy, con gái của bạn đang ở nước ngoài có thể làm văn bản ủy quyền có công chứng tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước cháu đang ở để vợ chồng bạn có toàn quyền định đoạt tài sản chung và có thể thay mặt con gái ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng.
Luật sư Võ Đan Mạch
Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha
Xem thêm: lmth.1236634-gnuhc-uuh-os-uhc-gnav-ihk-ahn-coud-nab-oan-eht-mal/ten.sserpxenv