Theo tờ Nikkei Asia ngày 3-10, liên minh an ninh ba bên AUKUS giữa Mỹ-Anh-Úc đã báo hiệu một sự chuyển hướng của Mỹ khỏi châu Âu trong nỗ lực ngăn chặn tham vọng toàn cầu của Trung Quốc.
Tờ báo dẫn nhận định của ông Frederic Grare - chuyên gia chính sách cấp cao tại Chương trình châu Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu – rằng: “Việc Mỹ mất đi sự quan tâm đối với châu Âu không phải là một hiện tượng mới”.
"Nếu ông Donald Trump sẽ được nhớ đến vì sự coi thường rõ ràng của ông ấy đối với Liên minh châu Âu (EU) hay sự vô tư trước cuộc bầu cử của ông ấy ... Sự cạnh tranh với Trung Quốc hiện là mối quan tâm đầu tiên của Mỹ và Washington sẽ hành động theo đó. Điều đó không có gì ngạc nhiên cả" – ông Grare nhận định.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AP, EPA/JIJI, REUTERS
Mỹ gạt EU ra khỏi nỗ lực ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc?
Sau bốn năm Mỹ áp dụng cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, cách tiếp cận "Nước Mỹ trở lại" của Tổng thống Joe Biden dường như là một luồng gió mới.
Chỉ vài tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói đùa bằng tiếng Pháp ở Paris và nói về việc hồi sinh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, hy vọng về mối quan hệ bền chặt hơn giữa Mỹ và châu Âu đã nhanh chóng tan vỡ sau cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan, với sự phối hợp hạn chế với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngoài ra, hiệp ước AUKUS đã làm rõ thực tế tại châu Âu rằng các quốc gia EU không phải là đối tác được Washington lựa chọn trong các thỏa thuận cụ thể.
Ông Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng châu Âu - cho rằng AUKUS cho thấy ông Biden thiếu niềm tin vào châu Âu, nói thêm rằng dưới thời chính quyền ông Trump, "ít nhất là về giọng điệu, nội dung và từ ngữ, rõ ràng EU không phải là đối tác, không phải là đồng minh không thể thay thế".
Đối với một số nhà hoạch định của Mỹ, việc xử lý quan hệ với một thực thể tập thể như EU đòi hỏi nhiều thời gian và họ có thể cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc với Anh và Úc.
Theo Nikkei Asia, nhiều quốc gia thành viên EU có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc và sẽ không dễ dàng hy sinh lợi ích kinh tế của họ vì lợi ích của Mỹ - đặc biệt là tại thời điểm hiện tại khi họ cảm thấy mình bị "đâm sau lưng".
Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha đã nhiều lần từ chối lời kêu gọi của ông Biden về việc liên minh đối phó Bắc Kinh.
Tuần trước, ông Josep Borrell - Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU - cho biết kế hoạch của khối là nhằm "hợp tác chứ không phải đối đầu" với Trung Quốc.
Quan điểm khác nhau về Trung Quốc trong khối EU
Trao đổi với Nikkei Asia, ông Plamen Tonchev - trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại Viện Nghiên cứu quan hệ kinh tế quốc tế ở Athens – cho biết: "Đúng là 27 quốc gia thành viên EU có 27 quan điểm khác nhau về Trung Quốc".
“Triển vọng Chiến lược năm 2019 do Ủy ban châu Âu và Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu công bố đã đưa ra một định nghĩa phức tạp về Trung Quốc là ‘đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ’” – ông Tonchev cho hay.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian. Ảnh: REUTERS
"Trong khi Mỹ chủ yếu coi Trung Quốc là đối thủ, EU có thái độ thoải mái hơn một chút. Ngay cả khi thái độ thay đổi, châu Âu vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận lập trường đối đầu của Washington đối với Trung Quốc" – ông Tonchev nói thêm.
"Tuy có các quan điểm khác nhau trong khối, song các bên đều nhất trí về một số lĩnh vực chính sách khó khăn, chẳng hạn trừng phạt các quan chức Trung Quốc liên quan vấn đề Tân Cương" – ông Andrew Small - thành viên cấp cao tại Quỹ Marshall của Mỹ nói với Nikkei Asia.
"Tương tự, có sự đồng thuận về việc đại tu các công cụ kinh tế của EU để đối mặt thách thức từ các hoạt động phi thị trường của Trung Quốc" – ông Small nói thêm.
Một ngày sau khi AUKUS được công bố, EU đã công bố Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, một tài liệu cho thấy nỗ lực của Brussels trong việc mở rộng ảnh hưởng ở châu Á.
Tuy nhiên, chiến lược mới này khó có thể thúc đẩy đáng kể ảnh hưởng của EU trong khu vực, vốn là mối quan tâm tương đối mới của khối, theo Nikkei Asia.
"Về mặt thực tế, một số quốc gia châu Âu (gồm cả Anh) đã sẵn sàng triển khai sức mạnh quân sự trong khu vực" – ông Tonchev nói.
"Cách tiếp cận của EU về 'kết nối' với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhẹ nhàng hơn, dựa trên các mối quan hệ và hợp tác kinh tế, ngay cả khi an ninh đang trở thành ưu tiên của EU" – ông Tonchev nói thêm.
Tuy nhiên, ông Tonchev nhận định: "Ý tưởng về một phản ứng quân sự tập thể của EU đối với những gì đang xảy ra, chẳng hạn Biển Đông, sẽ trở nên kỳ lạ ở giai đoạn này".
Trong khi đó, ông Grare cho rằng thông điệp AUKUS do Mỹ đưa ra là mâu thuẫn.
"Một mặt, họ bảo EU phải làm nhiều hơn ở châu Á, nhưng mặt khác, họ đe dọa sẽ gạt châu Âu ra rìa khi họ thực hiện một bước tiến” – ông Grare cho hay.
“Điều đó có thể khiến EU do dự về lập trường ở châu Á và cũng không chắc chắn về ý nghĩa của việc trở thành đồng minh của Mỹ” – ông Grare nói thêm.
EU sẽ giành quyền tự chủ chiến lược lớn hơn
Theo Nikkei Asia, khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn còn mới mẻ đối với châu Âu, nhưng các lợi ích của châu Âu ở Nam Á, tây Ấn Độ Dương và Đông Á đã có từ lâu.
Ví dụ, Pháp coi khu vực này có tầm quan trọng chiến lược và kinh tế, với 1,65 triệu công dân Pháp trên các đảo, gồm La Reunion, New Caledonia, Mayotte và Polynesia thuộc Pháp.
Thủ tướng Úc Scott Morrison trong lễ công bố liên minh ba bên AUKUS. Ảnh: EPA
Hầu hết các quốc gia châu Âu tiếp tục dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh và coi đây là một cam kết vững chắc hơn những gì họ có thể mong đợi từ các quốc gia châu Âu.
Tuy nhiên, sự ác cảm đối với AUKUS đã cảm nhận được trên khắp châu lục này, cùng với việc các nhà lãnh đạo nói rằng châu Âu phải bắt đầu suy nghĩ khác về quốc phòng và đứng lên vì lợi ích của mình.
"Chắc chắn, EU cần có nhiều năng lực hơn để tác động đến tình hình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vốn rất quan trọng đối với lợi ích của châu Âu trong những thập niên tới" – ông Small nói.
"Tuy nhiên, trên thực tế, có những hạn chế đối với vai trò quân sự mà châu Âu có thể thực hiện. Vì vậy, rất nhiều khả năng châu Âu sẽ thúc đẩy năng lực liên quan khía cạnh địa kinh tế" – ông Small nói thêm.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã sử dụng bài phát biểu hàng năm của EU để kêu gọi giành quyền tự chủ chiến lược lớn hơn cho khối. Trong khi điều này đã được Pháp ủng hộ trong nhiều năm, các nước thành viên khác, cũng như một số quan chức hàng đầu của EU, đã phản đối lập trường này.
“Lời kêu gọi giành quyền tự chủ chiến lược không bao giờ là lời kêu gọi tự lực chiến lược mà đúng hơn, là lời kêu gọi về sự chủ động và tham gia nhiều hơn của EU vào các vấn đề chiến lược thế giới” – ông Grare nói.
Một ví dụ tiềm năng về khả năng tự lực đó là thỏa thuận quốc phòng được ký hôm 28-9 giữa Pháp và Hy Lạp, theo đó Hy Lạp dự định mua ba khinh hạm do Pháp chế tạo. Đây được coi là "bước đầu tiên táo bạo hướng tới quyền tự chủ chiến lược của châu Âu".