Theo TTXVN, Hội nghị Trung ương 4 đã khai mạc sáng nay tại Hà Nội. Ở thời điểm làn sóng COVID-19 thứ tư đang gây nhiều hậu quả về nhân mạng, các Ủy viên Trung ương Đảng đã dành một phút tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hi sinh trong cuộc chiến với virus Sars-Cov-2.
Theo Bộ Y tế, ghi nhận đến ngày 3-10, đã có 19.715 người tử vong, kể từ khi virus này xâm nhập vào Việt Nam. Số ca tử vong những ngày qua đã giảm đáng kể so với trước, nhưng tính trung bình 7 ngày gần nhất, vẫn còn tới 155 bệnh nhân COVID-19 tử vong mỗi ngày.
Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN.
Hội nghị đã thông qua chương trình làm việc. Theo đó, nội dung về tình hình phòng, chống đại dịch và quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch trong tình hình mới là phần đầu tiên của cuộc họp dự kiến kéo dài 4 ngày này.
Cùng với đó là các báo cáo thường niên dành cho Hội nghị Trung ương tổ chức vào tháng 10, cụ thể là tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch 2022; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 2021, dự toán 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm 2022 – 2024. Phần tiếp theo, Trung ương sẽ cho chủ trương lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khoá XII.
Về nội dung về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nối tiếp Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII này sẽ thảo luận, thống nhất quan điểm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.
Cùng với đó là xem xét sửa đổi, bổ sung Quy định số 47-QĐ/TW, mà BCH Trung ương khóa XI ban hành 10 năm trước về những điều đảng viên không được làm…
Trung ương Đảng đã dành một phút tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hi sinh trong cuộc chiến với virus Sars-Cov-2
Dẫn phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, VOV cho biết việc BCH Trung ương xem xét, cho ý kiến chỉ đạo, hoàn thiện các nội dung liên quan đến quan điểm, chủ trương phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước, thời điểm thực hiện chính sách cải cách tiền lương năm nay có ý nghĩa quan trọng đặc biệt.
Đây cũng là những vấn đề hết sức phức tạp do bối cảnh, tình hình diễn biến, biến động bất thường. Bên cạnh thời cơ, thuận lợi, cũng đã xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới, gay gắt và nặng nề hơn so với dự báo.
Người đứng đầu Đảng trong phát biểu khai mạc cũng đề nghị Trung ương dành thời gian nghiên cứu thật kỹ các tài liệu đã gửi và căn cứ vào thực tế tình hình ở các ngành, lĩnh vực, địa phương mình để thảo luận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, dự báo đến hết năm 2021, nhất là dự báo về tình hình đại dịch Covid-19 trên thế giới và ở nước ta trong thời gian tới.
Thời điểm này đã khác rất nhiều so với hồi đầu tháng 7, khi Hội nghị Trung ương 3 nhóm họp. Vì vậy, cần chú ý tổng kết, đánh giá sự cần thiết, đúng đắn, hiệu lực, hiệu quả, cũng như những hạn chế, bất cập trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp mới để xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình vừa phòng, chống dịch bệnh, khắc phục những hậu quả do dịch bệnh gây ra, vừa duy trì, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đề cập về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, chỉ tính riêng 10 năm gần đây, Trung ương đã bàn và ban hành nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một cách ráo riết, quyết liệt, có hiệu quả. Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Hội nghị Trung ương 4 lần này sẽ tiếp tục thảo luận, tạo sự thống nhất cao về các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm "tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ".
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương đi sâu phân tích, mổ xẻ, làm rõ, chỉ ra đúng căn nguyên, đề ra các biện pháp chữa trị hữu hiệu. Cho ý kiến cụ thể đối với việc đề án kiến nghị tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao nhất Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII.
Đồng thời tập trung ưu tiên thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng chính trị, tự phê bình và phê bình.