Những con cá mập xanh Blahaj của Ikea rất nổi tiếng ở châu Á - Ảnh: WEIBO
Tập đoàn bán lẻ đồ nội thất Ikea đã đăng trên tài khoản Twitter rằng họ sẽ ngừng sản xuất đồ chơi thú nhồi bông cá mập xanh Blahaj từ tháng 4-2022.
Cùng lúc này, đồ chơi cá mập xanh Blahaj đã hết hàng tại các cửa hàng trực tuyến của Ikea ở Singapore, Hong Kong và Đài Loan, cũng không còn được niêm yết trên cửa hàng Trung Quốc. Tuy nhiên nó vẫn còn bán trên các trang của Ikea ở Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo tạp chí Business Insider, dân mạng Trung Quốc đang hết sức lo lắng về khả năng Blahaj có thể bị dừng bán vĩnh viễn trên các kệ hàng của Ikea.
Con cá mập nhồi bông xanh dài khoảng 1m trở nên phổ biến vào năm 2019 khi mọi người bắt đầu đăng ảnh chế cá mập đang làm "những việc của con người", như tận hưởng một chuyến dã ngoại mùa thu thú vị hoặc làm việc trên máy tính xách tay.
"Xin đừng bắt cá mập Blahaj xa tôi", một người dùng Weibo có tên Ni De Tiao Tang viết và đăng một bức ảnh cá mập Blahaj nghiêng ra khỏi máy giặt với chú thích: "Cá của tôi ở nhà hơi rách, tôi chưa có cơ hội mua con mới".
"Tôi đã đi đến Ikea mua thêm đồ chơi vào mùa hè này nhưng bây giờ tôi hối tiếc vì đã không lấy thêm một con Blahaj", một người dùng khác có nickname ListterLe than thở.
Khách hàng may mắn mua được Blahaj khoe hình ảnh trên mạng xã hội ngày 4-10 - Ảnh: WEIBO
Một số người dùng Weibo may mắn mua được Blahaj thì khoe: "Tôi đang mang cá mập của tôi về nhà! Tôi ngây ngất!".
Ý định rút Blahaj khỏi kệ hàng của Ikea có thể không áp dụng cho tất cả khu vực bán lẻ của hãng. Hôm 27-9, Ikea Mỹ cho biết trên Twitter rằng họ không có kế hoạch ngừng sản xuất thú nhồi bông cá mập xanh tại các cửa hàng ở Mỹ và Canada.
Hiện trên mạng xã hội Reddit có nhiều lời kêu gọi tạm dừng kế hoạch ngừng sản xuất Blahaj, trong khi một bản kiến nghị trên trang web Change.org yêu cầu Ikea tiếp tục bán con cá mập cho đến nay đã nhận được hơn 4.000 chữ ký.
Tập đoàn Ikea đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ tạp chí Business Insider.
TTO - Giá than tăng trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc. Ít nhất 20 tỉnh thành chiếm hơn 2/3 GDP của Trung Quốc đã áp dụng một số hình thức cắt điện.