Sáng 4-10, Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII long trọng khai mạc tại Hà Nội.
Tưởng niệm đồng bào tử vong trong đại dịch
Ngay khi bắt đầu hội nghị, các đại biểu đã dành một phút tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19.
Theo Bộ Y tế, ghi nhận đến ngày 3-10, đã có 19.715 người tử vong kể từ khi virus này xâm nhập vào Việt Nam. Số ca tử vong những ngày qua đã giảm đáng kể so với trước nhưng tính trung bình bảy ngày gần nhất, vẫn còn tới 155 bệnh nhân COVID-19 tử vong mỗi ngày. Vì vậy, nội dung về tình hình phòng chống đại dịch và quan điểm, chủ trương về phòng chống dịch trong tình hình mới là phần đầu tiên của cuộc họp dự kiến kéo dài bốn ngày.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TTXVN
Phát biểu khai mạc hội nghị của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy ở mảng nội dung kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch COVID-19, ảnh hưởng của đại dịch với đời sống, người dân, doanh nghiệp chi phối lớn tới thảo luận của Trung ương Đảng.
Trước đó, ở Hội nghị Trung ương 3 vào đầu tháng 7, các đại biểu đã thảo luận, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội được Đại hội XIII định hướng. Tại thời điểm ấy, GDP sáu tháng đầu năm tăng trưởng khá tích cực, dương 5,64% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Trung ương cũng dự báo khó khăn, thách thức do dịch COVID-19 gây ra sẽ là “những khó khăn, thách thức mới và lớn, thậm chí gay gắt hơn”, dịch bệnh “có thể còn tiếp tục lan rộng, kéo dài, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội”.
Thực tế diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch thứ tư với chủng virus Delta nguy hiểm, đến giờ đã mang lại những hệ quả tiêu cực. Chỉ số tăng trưởng quý III, tức từ tháng 6 đến tháng 9, lần đầu tiên tụt xuống rất sâu, âm 6,17% so với cùng kỳ năm trước.
Làn sóng lây nhiễm này “rất nhanh, hết sức nguy hiểm, khó kiểm soát đã ảnh hưởng lớn, hết sức tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội nước ta; đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân ta và tâm lý, tâm trạng xã hội; đặc biệt là đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn đồng bào ta, trong đó có cả cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các y bác sĩ, nhân viên y tế và cán bộ cơ sở nơi tuyến đầu chống dịch” - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu.
Đây chính là bối cảnh, là dữ liệu để Ban cán sự đảng Chính phủ, theo phân công của Bộ Chính trị, xây dựng các báo cáo về tình hình phòng chống dịch, quan điểm, chủ trương, giải pháp trong tình hình mới, về phát triển kinh tế - xã hội, về tài chính - ngân sách, cũng như đề xuất lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương mà Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã quyết định cách đây ba năm, tháng 5-2018.
Phân tích khả năng hoàn thành các mục tiêu kinh tế
Trong báo cáo, Ban cán sự đảng Chính phủ phân tích tình hình kinh tế thế giới và khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, đại dịch toàn cầu đang và tiếp tục làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị, tổ chức hoạt động kinh tế và đời sống xã hội toàn cầu. Nhiều nước phải điều chỉnh định hướng, chiến lược phòng chống dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Xu hướng là nâng cao nội lực, chú trọng phát triển thị trường trong nước, phát triển kinh tế số, xã hội số, thương mại điện tử...
Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng trở lại nhưng còn chậm, không đồng đều, chưa thật sự vững chắc, còn tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh và khả năng phòng chống, thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Nợ công toàn cầu tăng mạnh, thị trường tài chính - tiền tệ thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong nước, công tác phòng chống đại dịch của cả nước được dẫn dắt chủ yếu bởi các chính sách do Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, các chỉ đạo, điều hành từ Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan.
Tuy nhiên, thực thi và triển khai trên thực tế được phân cấp mạnh cho địa phương. Các ủy viên Trung ương Đảng trong Hội nghị Trung ương 4 này cũng là những tư lệnh ngành hoặc là người đứng đầu cấp ủy địa phương, nắm sát thực tiễn nhất.
Vậy nên thảo luận ở Hội nghị Trung ương 4 này tập trung vào tổng kết, đánh giá sự cần thiết, đúng đắn, hiệu lực, hiệu quả, cũng như những hạn chế, bất cập trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách vừa qua; những hạn chế, yếu kém cần khắc phục; phân tích làm rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.
Trung ương cũng đối chiếu, phân tích khả năng hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đã dự kiến cho năm 2021, nhất là mục tiêu, nhiệm vụ “sớm kiểm soát được dịch bệnh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; giữ vững môi trường hòa bình và ổn định để phát triển đất nước trong tình hình mới”.
Nhìn thẳng vào sự thật
Trên cơ sở đó, Ban chấp hành Trung ương xác định quan điểm, chủ trương về phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất; các định hướng, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp và kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện cụ thể cho năm 2022…
Trước tình hình phức tạp, khó lường của đại dịch, quan điểm của Hội nghị Trung ương lần này là “nhìn thẳng vào sự thật, thực sự khách quan, công tâm, không né tránh, không bi quan nhưng cũng không tô hồng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ nay đến cuối năm 2021 và trong cả năm 2022”.
Trong ngày làm việc đầu tiên, nhờ cải tiến cách tổ chức, Hội nghị Trung ương 4 tiết kiệm được một buổi làm việc, mà như trước đây thường dành cho việc đọc các tờ trình. Các ủy viên Trung ương, trong buổi sáng, sau phiên khai mạc bước ngay vào thảo luận về các tờ trình của Bộ Chính trị, được tổ chức cả ngày dưới hình thức họp tổ. Phát biểu của các ủy viên Trung ương là bí thư các tỉnh, là bộ trưởng, lãnh đạo các ngành đang đứng mũi chịu sào phòng chống dịch, tổ chức đời sống kinh tế - xã hội trong khó khăn do dịch COVID-19 gây ra nhận được nhiều sự quan tâm.
Đây sẽ là chất liệu để Bộ Chính trị, Ban cán sự đảng Chính phủ hoàn thiện các chủ trương, giải pháp. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ ban hành các văn bản mới, chuyển hướng công tác phòng chống dịch từ chiến lược “zero COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch”, cũng có thể gọi là sống chung với dịch COVID-19. Ngoài ra, Quốc hội trong kỳ họp tháng 10 này cũng sẽ bàn sâu để ra quyết sách lớn cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.