Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã ký văn bản về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động (NLĐ) di chuyển, khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn. Văn bản này được UBND TP.HCM gửi UBND các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, đề nghị các tỉnh xem xét thống nhất phương án thực hiện nhằm tạo điều kiện cho khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn. Trong đó có phương án cho xe cá nhân (ô tô, mô tô, xe gắn máy) được phép đi lại giữa năm tỉnh, TP trên từ ngày 4-10.
Điều kiện để người lao động đi liên tỉnh bằng xe đưa rước Đối với trường hợp NLĐ là công nhân, chuyên gia do các doanh nghiệp tổ chức đưa đón từ các tỉnh (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh) đến cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn TP.HCM và ngược lại thì khi di chuyển, vận chuyển phải đáp ứng điều kiện đi lại giống như xe cá nhân. Theo đó, các đơn vị có trụ sở đóng trên địa bàn TP xây dựng phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia, thông qua đơn vị đầu mối là Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ cao, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện. Các đơn vị đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động, gửi đến Sở GTVT TP để cấp giấy tạo điều kiện lưu thông liên tỉnh. |
Thiếu giấy tờ buộc phải quay đầu
Ghi nhận của PV ngày 4-10, ngày đầu tiên NLĐ từ TP.HCM được di chuyển bằng xe cá nhân qua các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và ngược lại, đã có rất nhiều người không được qua chốt, buộc phải quay trở lại.
Cụ thể, tại chốt kiểm soát khu vực cầu tỉnh lộ 9 (huyện Hóc Môn, TP.HCM), nơi giáp ranh với huyện Đức Hòa (Long An), mặc dù đã có hàng trăm người di chuyển được qua địa phận tỉnh Long An nhưng vẫn còn nhiều người không qua được vì thiếu các giấy tờ theo quy định. Ở chiều ngược lại, tại chốt kiểm soát của tỉnh Long An kiểm soát người qua TP.HCM cũng thực hiện kiểm tra giấy tờ của người dân, như kiểm soát người đến và đi ở phía TP.HCM.
Người dân di chuyển qua chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên quốc lộ 13, giáp ranh TP.HCM với tỉnh Bình Dương ngày 4-10. Ảnh: NGUYỆT NHI
Tương tự, tại chốt kiểm soát cầu Vĩnh Bình (quốc lộ 13, TP Thủ Đức), nơi giáp ranh với tỉnh Bình Dương, lực lượng chức năng cũng kiểm soát chặt chẽ. Tại đây, NLĐ thiếu một trong ba giấy tờ sẽ buộc phải quay đầu và không được phép di chuyển qua địa phận tỉnh khác.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thiếu tá Hoàng Minh Cường, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Trưởng chốt G7 (khu vực cầu Vĩnh Bình), cho biết người dân muốn được qua chốt cần có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19; xác nhận đã tiêm vaccine phòng COVID-19 (ít nhất một mũi đối với loại vaccine tiêm hai mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng sáu tháng và cần phải khai báo y tế.
Theo Thiếu tá Cường, trường hợp người dân chưa có xét giấy nghiệm âm tính thì buộc quay đầu lại để xét nghiệm, bởi nếu thiếu các giấy tờ trên thì tỉnh Bình Dương cũng không cho phép NLĐ vào địa phận tỉnh.
Xem xét lại phương án lưu thông
Về vấn đề tạo điều kiện lưu thông bốn tỉnh liền kề TP.HCM, ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cho biết cơ bản tỉnh Long An thống nhất với văn bản của UBND TP.HCM. Trái lại, một số tỉnh khác như Tây Ninh, Bình Dương cho biết vẫn còn nhiều ý kiến cần đóng góp với TP.HCM.
Ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, cho biết hiện nay sở đã tham mưu UBND tỉnh và sẽ phản hồi văn bản của UBND TP.HCM. Đồng thời, căn cứ vào hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế ban hành ngày 3-10 về việc xét nghiệm, cách ly phòng chống dịch COVID-19 với người di chuyển giữa các vùng nguy cơ, tỉnh Tây Ninh sẽ có một số điều chỉnh, kiến nghị việc đi lại giữa TP.HCM - Tây Ninh cho phù hợp.
Theo ông Tài, việc quản lý người đi làm không đơn giản. NLĐ khi đi làm cần phải thực hiện theo phương án sản xuất của các khu công nghiệp, các công ty, tránh trường hợp là người dân đi lại bình thường sẽ khó kiểm soát. Các công ty hoạt động trở lại phải quản lý theo phương án sản xuất “ba tại chỗ” hay “một cung đường - hai điểm đến”…, tránh tình trạng lợi dụng việc đi làm để đi lại dễ gây lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, NLĐ khi đi làm cần có thêm giấy chứng nhận của doanh nghiệp, chính quyền cấp xã để quản lý chặt chẽ. Hiện Tây Ninh đang tiếp tục rà soát và sẽ có kiến nghị.
Theo Văn bản 3403 của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành ngày 3-10 về việc quản lý người đi, về từ Tây Ninh và các tỉnh, TP thuộc vùng có dịch đã quy định nhóm đối tượng khác nhau. Theo đó, đối với trường hợp người ngoài tỉnh đến Tây Ninh đi lại trong ngày cần phải quét mã QR tại các trạm kiểm soát dịch khi ra vào cửa ngõ của tỉnh; có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ (test nhanh hoặc PCR). Bộ phận trực tại các cửa ngõ vào tỉnh sẽ giữ giấy tờ tùy thân và trả lại khi ra khỏi tỉnh.
Tương tự, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh vẫn đang xem xét đề xuất của TP.HCM vì hiện còn nhiều vấn đề phát sinh. Hiện Sở GTVT đang tham mưu cho UBND tỉnh và chờ ý kiến chính thức của UBND tỉnh.•
Đồng Nai chưa nhận được văn bản đề nghị phối hợp Trao đổi với PV, ông Dương Mạnh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cho biết đến nay Sở GTVT tỉnh vẫn chưa nhận được văn bản đề nghị phối hợp từ Sở GTVT TP.HCM. “Họ nói xin ý kiến nhưng thực sự họ chưa gửi văn bản xin ý kiến, hiện Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đang họp các đơn vị toàn ngành để xin ý kiến tổng hợp báo cáo lên UBND tỉnh” - ông Hưng nhấn mạnh. Ông Hưng cho biết ngày 2-10, UBND tỉnh Đồng Nai gửi Văn bản 3252 của UBND TP.HCM đề nghị Sở GTVT tỉnh phối hợp với các đơn vị để tổng hợp báo cáo tham mưu UBND tỉnh. Trong hôm nay, Sở GTVT cùng với các sở, ban, ngành có liên quan tiến hành họp lấy ý kiến để có thể chiều cùng ngày tham mưu cho UBND tỉnh ban hành sớm kế hoạch đi lại liên tỉnh. “Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cũng chưa thống nhất về phương án đi lại liên tỉnh nhưng hôm nay đã có tình trạng người dân đi liên tỉnh” - ông Hưng cho biết thêm. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng yêu cầu Sở GTVT phối hợp với các sở, ngành để có phương án thống nhất. Ông Dũng lưu ý phải thận trọng, vì Đồng Nai đang ở vùng đỏ nên phải bàn cho kỹ. VŨ HỘI |