Trong ba ngày liên tiếp (1, 2 và 3-10), Không quân Trung Quốc (TQ) đưa gần 100 máy bay áp sát vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) lãnh thổ Đài Loan thiết lập, ngày nhiều nhất lên tới 39 chiếc (ngày 2-10), theo Cơ quan phòng vệ Đài Loan. Phần lớn máy bay trong đợt này là các loại tiêm kích J-16, Su-30 cùng một số ít máy bay săn ngầm Y-8. Lực lượng phòng vệ Đài Loan đáp trả điều động nhiều tiêm kích đối phó, phát cảnh báo vô tuyến và triển khai các hệ thống tên lửa phòng không giám sát hoạt động của máy bay TQ.
TQ thời gian qua vẫn thường xuyên đưa máy bay áp sát Đài Loan nhưng đây là đợt TQ triển khai số lượng kỷ lục máy bay cho hoạt động gây sức ép lên Đài Loan, theo tờ South China Morning Post.
Tiêm kích Đài Loan tiến hành ngăn chặn, xua đuổi trong một đợt máy bay Trung Quốc áp sát lãnh thổ này hồi tháng 3. Ảnh: AFP
Ngày 3-10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã lên tiếng cáo buộc TQ khiêu khích khi điều một lượng lớn máy bay áp sát Đài Loan. Ông nhấn mạnh Washington luôn quan tâm đến hòa bình và ổn định xuyên eo biển Đài Loan và sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan duy trì “khả năng phòng vệ đầy đủ”, theo hãng tin Reuters. |
Giải mã động thái của Trung Quốc
Theo giới chuyên gia, màn “khoe cơ bắp” nói trên của TQ nhìn chung chủ yếu mang dụng ý chính trị. Theo tờ Financial Times, trong tháng 10 có hai ngày lễ lớn liên quan tới cả đại lục và Đài Loan. Ngày 1-10 vừa qua là ngày Quốc khánh thứ 72 của TQ nên dễ hiểu việc Bắc Kinh muốn thể hiện sức mạnh quân sự, nhất là khi giới chức Đài Loan gần đây liên tục có các phát ngôn cứng rắn tỏ ý muốn xích lại gần Mỹ hơn.
Hôm 27-9, hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ đã di chuyển đến gần Đài Loan nhằm công khai thể hiện sự ủng hộ dành cho hòn đảo này. Nhìn từ góc độ TQ, việc cùng lúc hai tàu sân bay Mỹ đi ngang Đài Loan như vậy cũng là sự kiện chưa có tiền lệ, có thể coi là một kỷ lục không kém gì chuyện Bắc Kinh đưa gần 100 máy bay băng ngang eo biển.
Đến ngày 10-10 tới lượt Đài Loan diễn ra lễ Song thập - kỷ niệm ngày nổ ra cách mạng Tân Hợi. Bắc Kinh lo ngại giới chức Đài Loan sẽ nhân lễ này có thêm những phát ngôn khác, làm ảnh hưởng tới chính sách “một TQ” nên cần phải răn đe để đảm bảo không có diễn biến đáng lo ngại nào xảy ra. Hồi năm ngoái, bài phát biểu của lãnh đạo Đài Loan - bà Thái Anh Văn có nhiều nội dung nhấn mạnh sự cần thiết của việc cải thiện năng lực phòng vệ, tự chủ về chính sách phòng vệ và chủ động hơn trong tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Một số ý kiến khác, như TS Wen-Ti Sung thuộc ĐH Quốc gia Úc cho rằng động thái của TQ là phản ứng trước khả năng Đài Loan thời gian tới có thể sẽ có nhiều cơ hội hợp tác với liên minh an ninh AUKUS được thành lập giữa Mỹ - Anh - Úc. Dù hiện tại giữa AUKUS và Đài Loan chưa ký kết hay có động thái cụ thể nào nhưng Mỹ - Anh - Úc đều hiểu rõ muốn kiềm chế TQ bắt buộc phải giành được ảnh hưởng ở hòn đảo này.
“Chưa bao giờ Úc và Anh có bước can dự sâu vào tình hình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như cùng với AUKUS hiện nay. Điều này làm TQ lo ngại và phải phát tín hiệu cảnh cáo rằng nếu AUKUS có bất kỳ ý định gì với Đài Loan thì họ sẽ sẵn sàng leo thang quân sự để phản kháng” - đài ABC dẫn nhận định của ông Wen-Ti Sung.
Liệu có gia tăng nguy cơ xung đột?
Theo tờ The Nikkei, các đợt TQ triển khai máy bay quân sự đến Đài Loan gần đây đều chọn đường bay băng ngang qua quần đảo Đông Sa, phía bắc Biển Đông. Đông Sa (hiện do Đài Loan kiểm soát) có vị thế chiến lược quan trọng, nằm trong chiến lược vành đai bảo vệ mà Đài Bắc xây dựng nhằm ngăn chặn từ xa lực lượng quân sự của TQ đại lục trong trường hợp hai bên nổ ra chiến tranh. Ngược lại, với Bắc Kinh thì Đông Sa là bàn đạp có thể dùng để đổ bộ lên phía Nam Đài Loan. Hòn đảo này về khoảng cách cũng rất gần với Hong Kong.
Do đó, The Nikkei cảnh báo nếu Bắc Kinh thực tâm muốn leo thang tình hình trong thời gian tới thì động thái đầu tiên sẽ tìm cách kiểm soát Đông Sa, bởi lực lượng Đài Loan hiện diện trên quần đảo này tương đối hạn chế.
Hồi tháng 8-2020, tờ South China Morning Post từng cho biết Đài Loan có động thái điều khẩn cấp 200 binh sĩ thủy quân lục chiến tới Đông Sa sau khi có thông tin TQ dự định tập trận đánh chiếm quần đảo này vào khoảng thời gian đó.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của đài CNN, chuyên gia Derek Grossman thuộc Viện Rand Corporation (Viện Nghiên cứu chính sách của chính phủ Mỹ) nhận định dù tình hình eo biển Đài Loan hiện nay đang tương đối căng thẳng, song khả năng nổ ra chiến tranh lúc này vẫn ở mức thấp.
“Quân đội TQ vẫn chưa đủ khả năng thực chiến. Hơn nữa, họ vẫn chưa khắc chế được khả năng bị quân đội Mỹ phối hợp với Nhật và Úc tấn công đáp trả trong trường hợp muốn thu hồi Đài Loan. Tôi nghĩ họ vẫn chờ xem thêm tình hình” - ông Grossman nói.
Trả lời phỏng vấn của tạp chí The National Interest, chuyên gia J. Michael Cole thuộc Viện Chính sách TQ của ĐH Nottingham (Canada) cũng cho rằng trước mắt, khả năng TQ xung đột vũ trang với Đài Loan vẫn còn rất thấp và nước này sẽ tiếp tục sử dụng chiến thuật “lát cắt salami”, tức thực hiện các hành động gây hấn nhỏ và tăng dần. Các hành động này quá nhỏ để có thể khơi mào chiến tranh, song tích lũy theo thời gian có thể đạt được thay đổi chiến lược đáng kể.
Mục tiêu quân sự của Trung Quốc Theo chuyên gia Derek Grossman thuộc Viện Rand Corporation (Mỹ), đợt triển khai máy bay quân sự của TQ lần này không chỉ nhằm mục đích thị uy với Đài Loan, mà TQ đã thực hiện được một số mục tiêu quân sự nhất định là cung cấp cho giới chỉ huy quân đội TQ những thông tin cần thiết về Đài Loan. Đó là về công tác bố phòng phòng không, mức độ cải tiến của lực lượng phòng vệ và đánh giá xem có thể thọc sâu đến đâu mà vẫn không bị Đài Loan bắn trả. Dĩ nhiên, phía TQ cần phải cân nhắc và cân bằng kỹ lưỡng giá trị của các thông tin, chi phí bỏ ra bởi mỗi đợt triển khai máy bay quân sự đều tốn kém cả về nguồn lực, nhân lực lẫn thời gian lên kế hoạch. |