vĐồng tin tức tài chính 365

Quản lý cá nhân huy động từ thiện ra sao?

2021-10-05 08:38

Việc cho phép cá nhân huy động từ thiện là một trong những điểm vẫn còn ý kiến khác nhau dù Bộ Tài chính, tháng 12-2020, đã trình khi xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 64/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Nhiều hạn chế, bất cập trong quy định

Ngày 4-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một phó chủ tịch Ủy ban (UB) Trung ương MTTQ Việt Nam cho hay: Từ năm 2018, tức là sau khi được thi hành 10 năm, Nghị định 64/2008 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập do có các hình thức huy động đóng góp tự nguyện mới từ thực tế. Cụ thể là có các cá nhân có uy tín, ảnh hưởng trong xã hội đứng ra kêu gọi từ thiện, quyên góp hỗ trợ những nạn nhân do thiên tai, sự cố.

Quản lý cá nhân huy động từ thiện ra sao? - ảnh 1
Các nhóm thiện nguyện chuyển lương thực cứu trợ người dân miền Trung bị ảnh hưởng mưa lũ hồi tháng 10-2020. Ảnh: TT

Chính vì vậy, UB Trung ương MTTQ Việt Nam từ thời điểm đó đã nêu ý kiến cần phải sửa đổi Nghị định 64/2008 để các quy định của pháp luật về từ thiện, quyên góp… theo kịp thực tế.

Thật vậy, kể từ sự cố Formosa hay thiên tai, bão lụt miền Trung từ năm 2016 đến nay, nhiều cá nhân có ảnh hưởng trong xã hội như MC, ca sĩ… đã đứng ra kêu gọi, vận động đóng góp tự nguyện hỗ trợ cho những vùng thiên tai, sự cố. Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, nhiều nghệ sĩ, ca sĩ đã đứng ra kêu gọi từ thiện, hỗ trợ nạn nhân lũ lụt, dịch bệnh COVID-19.

Đáng nói, có những đợt thiên tai miền Trung, chỉ một nhân vật có ảnh hưởng thôi cũng huy động được số tiền lớn hơn cả những tổ chức được pháp luật cho phép huy động, quyên góp từ thiện.

Nếu chiếu theo Điều 5 Nghị định 64/2008 thì các cá nhân ấy không thuộc đối tượng “được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ”. Thậm chí, ngay cả Thông tư 72/2008 của Bộ Tài chính cũng chỉ quy định các đơn vị như báo, đài… chỉ được tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước chứ không được tổ chức phân phối tiền, hàng cứu trợ đó, trừ những khoản tiền hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo địa chỉ cụ thể.

Như vậy, nếu căn cứ đúng theo quy định nêu trên thì những hoạt động quyên góp, phân phối tiền, hàng cứu trợ trong thời gian qua của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, kể cả báo, đài... đã vi phạm Nghị định 64/2008/NĐ-CP.

Bộ Công an xác minh “lùm xùm về từ thiện”

Chiều 2-10, trả lời báo chí tại cuộc họp báo của Chính phủ, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, xác nhận bộ này nhận được tin báo tố giác tội phạm và đơn tố cáo liên quan đến một số cá nhân hoạt động gây quỹ, quyên góp từ thiện cứu trợ cho nhân dân vùng bão lũ khu vực miền Trung năm 2020. Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự kiểm tra, xác minh. Hiện cục đang phối hợp với các ngân hàng tiến hành rà soát các tài khoản đã huy động từ thiện để làm rõ việc tiếp nhận quyên góp và quá trình giải ngân. 

Khẩn trương xây dựng nghị định thay thế từ 2020

Tháng 10-2020, ông Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính “khẩn trương” sửa Nghị định 64/2008. Lúc này, việc ca sĩ Thủy Tiên huy động được hàng trăm tỉ đồng ủng hộ nạn nhân lũ lụt miền Trung từ hồi giữa năm 2020 đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Yêu cầu của Thủ tướng lúc đó đối với Bộ Tài chính là phải khẩn trương nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi, đầy đủ các bộ, ngành, cơ quan liên quan và đối tượng chịu tác động trực tiếp, xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 64, trình Chính phủ theo quy định của pháp luật.

Thật ra, từ năm 2019, bộ trưởng Bộ Tài chính khi đó là ông Đinh Tiến Dũng đã ký tờ trình về việc sửa Nghị định 64/2008. Tuy vậy, lúc đó vấn đề cá nhân đứng ra kêu gọi, huy động quyên góp từ xã hội chưa được đề cập.

Sau thời điểm ông Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình dự thảo sửa đổi Nghị định 64/2008, ngày 25-12-2020, Bộ Tài chính đã công khai bản dự thảo trên cổng thông tin của bộ để lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật.

Dự thảo này đã bổ sung thêm quy định cho phép các cơ sở y tế, quỹ xã hội, quỹ từ thiện và cá nhân được vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động trợ giúp người mắc bệnh hiểm nghèo, theo từng trường hợp cụ thể. Đồng thời, dự thảo cũng đã đề cao tính công khai, minh bạch đối với cả tổ chức và cá nhân trong việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước đối với các tổ chức. 

Tuy vậy, mọi chuyện vẫn dừng ở đó cho đến nay khi chưa có một nghị định chính thức nào được ban hành để thay thế Nghị định 64/2008.

Khuyến khích tổ chức, cá nhân vận động từ thiện

Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay hồi tháng 5, cơ quan này đã trình Chính phủ ban hành nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Đây là nghị định mới thay thế chứ không phải để sửa đổi Nghị định 64/2008 như trước đây.

Hồi tháng 8, Bộ Tài chính cũng có văn bản giải trình về đối tượng áp dụng của nghị định theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái từ tháng 6. Khi đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính phải hoàn thiện dự thảo nghị định theo hướng khuyến khích tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện; cần có quy định cụ thể để triển khai thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả, đáp ứng mục đích, ý nghĩa và yêu cầu quản lý nhà nước.

Có nghĩa là việc vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện được mở ra cho toàn xã hội theo các quy định chặt chẽ.

Bộ Tài chính đến nay đã hoàn thiện hồ sơ xây dựng nghị định và trong dự thảo đã bổ sung đối tượng là các tổ chức có tư cách pháp nhân (doanh nghiệp, hợp tác xã, hội...), cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện. Theo Bộ Tài chính, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định 64/2008, một số hạn chế từ việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện đã bất cập. Việc sửa đổi nghị định đó là cần thiết.

Dự thảo nghị định mới sẽ quy định rõ ràng, cụ thể các nội dung từ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, cơ quan kêu gọi vận động, thời gian vận động, tiếp nhận, đến các nội dung chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương và người dân, tránh chồng chéo trong việc triển khai thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn lực này.

Cạnh đó, dự thảo nghị định cũng sẽ quy định để thực hiện công khai, minh bạch, sử dụng hiệu quả nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân.

Một nguồn tin từ UB Trung ương MTTQ Việt Nam cho hay tuần trước, Ban Thường trực cơ quan này đã họp thảo luận xung quanh dự thảo thay thế Nghị định 64/2008. Một nguồn tin ở Bộ Tài chính cũng cho hay chiều 4-10, cơ quan này đã cùng với UB Trung ương MTTQ Việt Nam dự họp rà soát nội dung dự thảo nghị định thay thế Nghị định 64/2008 nói trên.

Tuy vậy, vẫn theo nguồn tin từ Bộ Tài chính, đây chỉ là một trong các vấn đề cần thiết phải tiến hành. Bởi từ đầu tháng 9 đến nay, Bộ Tài chính vẫn đang chờ ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành, cơ quan liên quan để tổng hợp, giải trình và trình Chính phủ.

Nghiêm cấm quyên góp từ thiện để trục lợi

Theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 64/2008, cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Một trong những điều bị nghiêm cấm là lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, thực hiện công khai trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi cư trú để niêm yết công khai trong 30 ngày… 

Xem thêm: lmth.2369101-oas-ar-neiht-ut-gnod-yuh-nahn-ac-yl-nauq/taul-pahp/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Quản lý cá nhân huy động từ thiện ra sao?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools