Nhiều ngành như dệt may, da giày, điện tử... ở Việt Nam có nguy cơ khó khăn do thiếu nguyên vật liệu từ Trung Quốc - Ảnh: SƠN LÂM
Điều này có thể ảnh hưởng đến việc khôi phục sản xuất sau khi các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt được tháo gỡ dần.
Lo tăng giá mạnh, khó phục hồi
Ông Nguyễn Quốc Anh, chủ tịch Hội Cao su nhựa TP.HCM, cho biết 80% nguyên liệu của ngành cao su nhựa nhập từ Trung Quốc. Trong ngắn hạn, việc thiếu điện từ Trung Quốc chưa ảnh hưởng lớn đến nguồn cung nguyên liệu trong nước do hàng tồn vẫn còn, hoặc các đơn hàng đặt mua trước đó đang trên đường cập cảng.
"Tuy nhiên, khả năng giá sẽ tăng khi một số nhà cung cấp đã "bắn" thông tin sẽ tăng ít nhất 5% so với giá cũ cho các đơn hàng mua mới, nên tình huống vừa thiếu nguyên liệu vừa chịu giá cao là khó tránh" - ông Quốc Anh nói.
Theo các doanh nghiệp trong ngành cao su - nhựa, phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt mà gần như toàn cầu, bởi Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất cho ngành lớn nhất hiện nay. Nếu buộc phải thay đổi nguồn cung chuyển sang nhập từ Mỹ hay châu Âu vẫn được nhưng khi đó giá sẽ cao hơn rất nhiều.
Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - cho hay thời gian qua việc giãn cách diện rộng khiến không ít doanh nghiệp ngành may phải ngưng sản xuất, nên ảnh hưởng từ Trung Quốc cho vấn đề trên chưa thật sự "ngấm". Nhưng với cơ cấu phụ thuộc rất lớn vào nguồn vải và các loại phụ liệu quan trọng khác, ngành dệt may trong nước tới đây sẽ đối mặt với khó khăn khi tái khôi phục sản xuất.
"Trước đây các doanh nghiệp lo áp lực từ chi phí sản xuất 3 tại chỗ, nếu tiến độ khôi phục sản xuất trở lại sớm hơn, đơn hàng nhiều hơn, khó tránh khỏi thiếu nguyên liệu. Tỉ lệ sử dụng vải và các loại phụ liệu từ các nước trong khối Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU thật sự vẫn còn khoảng cách so với nguồn nhập từ Trung Quốc" - bà Mai chia sẻ.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp trong ngành da giày thừa nhận thời gian giãn cách vừa rồi khiến số doanh nghiệp còn duy trì sản xuất không nhiều nên "chưa thấy sao". Các doanh nghiệp vẫn tổ chức sản xuất cũng chỉ mới hoạt động 30-40% năng lực đều dùng nguyên liệu vẫn còn trước đó.
"Nếu tới đây thực hiện các hợp đồng mới rất lo vì nguyên liệu chúng tôi vẫn phải mua theo chỉ định của nhà đặt hàng, hầu hết là từ Trung Quốc. Nếu mua từ nước khác phải có sự đồng ý của họ. Không dễ dàng nếu muốn thay đổi nhà cung cấp" - phó tổng giám đốc phụ trách sản xuất của một doanh nghiệp liên doanh sản xuất giày xuất khẩu (Bình Dương) thông tin.
Bộ Công thương theo dõi chặt
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Thành - phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) - cho biết giá một số nguyên liệu đầu vào cho ngành điện cũng như việc cắt giảm khí thải của Trung Quốc đã gây ra thiếu điện ở nước này, dẫn đến một số ngành sản xuất công nghiệp, trong đó có nguyên liệu, bị giảm sút.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Bộ Công thương chưa ghi nhận các doanh nghiệp trong nước phản ảnh thiếu nguyên liệu đầu vào. Ông Nguyễn Ngọc Thành công nhận dịch bệnh lần 3, 4 tái diễn trong thời gian qua, năng lực của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước cũng bị giảm sút, nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động. Chính vì vậy, nhu cầu nguyên liệu đầu vào chưa thấy rõ sự thiếu hụt.
Cho hay Bộ Công thương sẽ tiếp tục theo dõi vấn đề này, cũng theo lãnh đạo Cục Công nghiệp, trước đây doanh nghiệp Việt Nam cũng từng đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc, do tác động của dịch COVID-19 hồi đầu năm 2020. Tuy nhiên, với việc đứt gãy nguồn cung nguyên liệu đầu vào từ dệt may, da giày cũng như các sản phẩm cung cấp cho ngành công nghiệp nặng cũng đã được các doanh nghiệp có kinh nghiệm ứng phó và dần thích nghi.
"Về lâu dài, một số mặt hàng như thép xây dựng trong nước hoàn toàn đáp ứng được. Một số ngành khác với những biến động ngắn hạn như vừa qua từ phía Trung Quốc thì trong thời điểm này cũng chưa thể đánh giá việc ảnh hưởng lớn thế nào đến Việt Nam" - ông Thành nói và cho hay Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội thường xuyên trao đổi để xem xét vấn đề nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Thúc đẩy giảm phụ thuộc nguyên liệu từ Trung Quốc
Về giải pháp tự chủ nguyên liệu đầu vào, ông Nguyễn Ngọc Thành cho biết thép xây dựng đã chủ động được, thép chế tạo nhập 50%, các nguyên liệu khác như dệt may, da giày, linh kiện điện tử, nhựa... đang từng bước nâng cao năng lực và không hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bộ Công thương sẽ tập trung hình thành nền tảng bền vững cho công nghiệp theo hướng tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Cụ thể, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng chính sách và giải pháp phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên có tiềm năng, cơ hội phát triển như: công nghiệp ôtô, dệt may, da giày, điện tử, khoáng sản, công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, chú trọng thúc đẩy tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp theo hướng bền vững.
TTO - Giá than tăng trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc. Ít nhất 20 tỉnh thành chiếm hơn 2/3 GDP của Trung Quốc đã áp dụng một số hình thức cắt điện.
Xem thêm: mth.33751431240011202-ol-teiv-peihgn-hnaod-neid-ueiht-couq-gnurt/nv.ertiout