Một số gương mặt trong nội các của tân Thủ tướng Kishida Fumio - Dữ liệu: DUy LiNH - Nguồn: trang web LDP, Japan Times, Asahi Shimbun - Đồ họa: TUấN ANH
Cùng ngày, chính phủ của tân Thủ tướng Kishida đã công bố nội các mới, bao gồm các gương mặt cũ của chính quyền tiền nhiệm.
Bóng dáng ông Abe
Trong cuộc họp báo chiều 4-10 (giờ địa phương), Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu đã công bố danh sách các bộ trưởng của nội các mới. Theo danh sách này, có 2 người trong chính quyền ông Suga được tái bổ nhiệm là Ngoại trưởng Motegi Toshimitsu và Bộ trưởng Quốc phòng Kishi Nobuo - em ruột của cựu thủ tướng Abe Shinzo. Ghế bộ trưởng của những bộ có vai trò quan trọng khác thuộc về các đồng minh của ông Abe và cựu bộ trưởng Tài chính Aso Taro.
Việc tái bổ nhiệm ông Motegi và ông Kishi cho thấy sẽ có sự tiếp nối ổn định trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Nhật Bản. Chính phủ của ông Kishida cũng tạo ra một chức danh mới là bộ trưởng Bộ An ninh kinh tế do ông Kobayashi Takayuki phụ trách. Ông Kobayashi là một đồng minh của Tổng thư ký LDP Amari Akira, người đã tuyên bố vào ngày 3-10 rằng bộ trưởng An ninh kinh tế có quyền huy động tất cả các bộ và cơ quan.
Là một đồng minh của ông Abe, ông Amari được ví như kiến trúc sư các chính sách bảo vệ công nghệ nhạy cảm của Nhật Bản trước sự "soi mói" của Trung Quốc.
Theo tờ Nikkei Asia, việc ông Kobayashi được bổ nhiệm sẽ giúp tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa nội các và LDP trong các chính sách liên quan Trung Quốc, ứng phó với những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. "Ông Kishida đã thắng cử với sự ủng hộ của ông Abe và Aso nên giờ là lúc ông ấy trả ơn, chưa phải lúc để dứt áo với họ", nhà phân tích chính trị Atsuo Ito nói với Reuters.
Một điểm đáng chú ý khác là trong nội các Kishida có 13 người lần đầu được bổ nhiệm làm bộ trưởng, chiếm 65% tổng số thành viên. Điều này phản ánh cam kết của ông Kishida trong lúc tranh cử chức chủ tịch LDP là tạo cơ hội cho người trẻ và mới.
Tận dụng "kỳ trăng mật"
Ông Kishida, người tự nhận có khả năng lắng nghe và sẵn sàng hồi đáp các thắc mắc của người dân, đã đưa ra nhiều thông điệp dân túy sau khi đắc cử chủ tịch LDP hồi tuần trước.
Tân thủ tướng được dự báo sẽ giải tán Hạ viện ngay trong tuần sau để bắt đầu một cuộc tổng tuyển cử mới vào cuối tháng này, một động thái nhằm tranh thủ sự ủng hộ đang ở mức cao của nhân dân.
Sự kỳ vọng và sự tín nhiệm của người dân đối với chính quyền mới thường cao vào đầu nhiệm kỳ, chẳng hạn tỉ lệ ủng hộ dành cho chính phủ ông Suga Yoshihide lên tới 70% khi ông nhậm chức vào tháng 9 năm ngoái.
Theo tờ Nikkei Asia, các cuộc thăm dò cho thấy mức độ tín nhiệm của người dân đối với LDP đã tăng lên nhanh chóng sau khi ông Kishida lên làm chủ tịch đảng này. Tình trạng khẩn cấp vì COVID-19 cũng đã được dỡ bỏ vào tuần trước, tạo nên tâm lý phấn chấn ở một bộ phận người Nhật. "Ông Kishida rõ ràng muốn sử dụng các yếu tố này như một động lực thúc đẩy chiến dịch tranh cử", báo Nikkei Asia nhận xét.
Ngoài việc tận dụng "kỳ trăng mật" giữa cử tri và chính phủ mới, các nhà phân tích còn chỉ ra một lý do khiến ông Kishida bất ngờ kêu gọi tổng tuyển cử sớm. Ông Corey Wallace, một chuyên gia về chính trị Nhật Bản tại Đại học Kanagawa, nhận định tân thủ tướng không muốn mạo hiểm với sự biến đổi khôn lường của COVID-19.
"Mặc dù tiến độ của chiến dịch tiêm chủng rõ ràng đã giúp chặn đứng đợt bùng dịch thứ năm, chúng ta không biết trước được liệu có đợt bùng phát thứ sáu vào mùa đông sắp tới hay không", ông Wallace giải thích với Hãng tin Reuters. Giới chức Tokyo ghi nhận 87 ca mắc mới trong ngày 4-10, mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Một sự tăng vọt về số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 có thể khiến chính phủ của ông Kishida bị mất uy tín như chính phủ của người tiền nhiệm.
Quan hệ đồng minh với Mỹ là nền tảng
Tại cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị thủ tướng tối 4-10, ông Kishida hứa sẽ có các biện pháp "quyết liệt" để tăng thu nhập cho lao động "tuyến đầu", hỗ trợ tài chính người bị ảnh hưởng nặng vì đại dịch.
Về đối ngoại, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh quan hệ đồng minh với Mỹ là "nền tảng của chính sách đối ngoại Nhật Bản". Ông khẳng định sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un mà không có điều kiện tiên quyết.
Tân thủ tướng Nhật cũng nhắc đến Trung Quốc, quốc gia mà ông cho là "đang cố thay đổi hiện trạng ở một số khu vực bằng vũ lực". Ông Kishida cũng thừa nhận Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Nhật Bản nên cần thiết phải tiếp tục đối thoại. Cũng trong cuộc họp báo ngày 4-10, tân thủ tướng Nhật cho biết Bộ An ninh kinh tế vừa mới thành lập nhằm ngăn chặn các vụ rò rỉ và đánh cắp bí mật công nghệ, điều mà giới quan sát cho là nhắm vào Trung Quốc.
TTO - Ngày 4-10, tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết ông sẽ kêu gọi tổng tuyển cử vào ngày 31-10 và tuyên bố sẽ thúc đẩy cuộc chiến chống COVID-19 ở nước này.
Xem thêm: mth.93522458050011202-tam-ar-tahn-auc-iom-cac-ion/nv.ertiout