Với các cổ đông của ngân hàng họ đang cần nhiều hơn một vài phiên xanh điểm bởi quãng thời gian phải "ngậm đắng nuốt cay" đã khá lâu. Từ khi thị trường sụt giảm từ đỉnh 1.420 từ đầu tháng 7, nhiều nhóm ngành đã hồi phục thậm chí lập cả đỉnh mới, cổ phiếu ngân hàng vẫn đi dò đáy.
Làm một thống kê thì từ đỉnh tháng 7, cổ phiếu STB của Sacombank đã giảm hơn 27%. VIB giảm 34% hay TCB - một trong những ngân hàng tư nhân được đánh giá ổn top đầu cũng mất 18%.
Nỗi buồn thậm chí còn thêm đau với những nhà đầu tư đã từng "đồng cam cộng khổ" cùng doanh nghiệp "lăn qua chốt" để nhận cổ tức, cổ phiếu thưởng ngân hàng trong năm nay. Ví dụ ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 7/7, CTG-Vietinbank từ 52.300 đồng điều chỉnh về 37.580 đồng tương ứng với tỷ lệ chia cổ tức gần 29%.
Sau khi điều chỉnh giá, CTG lại liên tiếp giảm. Tính đến thời điểm này những ai đã trót ôm cổ phiếu CTG để nhận cổ tức và chờ giá hồi phục về vùng sau chia hồi tháng 7 còn đang "cách bờ" ít nhất 25 - 30%. Ngoài ra còn là những câu chuyện tương tự ở các cổ phiếu ngân hàng như MBB hay LPB.
Nhiều nhà đầu tư còn nói rằng cổ tức đang làm họ "tức lên tận cổ" còn cổ phiếu thưởng thì như "cổ phiếu phạt". Sắp tới lại có một ngân hàng chia cổ tức, ngày 8/10, VPB của ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng cũng chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức tỷ lệ 62,15% và tăng vốn bằng phát hành từ vốn chủ sở hữu tỷ lệ 17,5%, tổng số lên tới 80%, tức cứ có 10 cổ phiếu lại nhận được thêm 8 cổ phiếu nữa.
Một tỷ lệ tưởng chừng hấp dẫn nhưng có lẽ do bị ám ảnh bởi kịch bản "lăn chốt" rồi "lăn dốc" luôn như đã xảy ra ở nhiều ngân hàng khác mà càng gần ngày chốt quyền, cổ phiếu VPB lại càng bị cổ đông bán ra nhiều, khiến giá VPB giảm từ vùng đỉnh 72.000 đồng xuống chỉ còn quanh 62.000 đồng cổ phiếu trong sáng nay. Kể cả hôm nay khi hầu hết các mã ngân hàng đều hồi, xanh điểm trở lại vì VPB cũng vẫn đỏ.
Kết thúc phiên giao dịch sáng nay, VN-Index tăng hơn 10 điểm trở lại vùng 1.350 điểm.
Ngoài các cổ phiếu ngân hàng, đóng góp cho sắc xanh của thị trường sáng nay còn có sự trở lại của cổ phiếu chứng khoán. Đây là nhóm được đánh giá vẫn "ăn nên làm ra" bất chấp dịch bệnh, tuy nhiên hai tháng trở lại đây cũng điều chỉnh 10 - 20% từ vùng đỉnh.
Nhà đầu tư phải rất lưu ý là quý III có những mã chứng khoán có tỷ trọng doanh thu từ tự doanh nhiều sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể do thị trường chung đi xuống, còn các mã tập trung vào dịch vụ khách hàng được dự báo tăng trưởng lợi nhuận vẫn đáng kể. VCI sáng nay tăng trần, SSI tăng 3,6%, MBS bên sàn Hà Nội cũng bật tới 5,9%.
Áp lực bán lại gia tăng đáng kể ở dòng cổ phiếu tăng nóng thời gian qua là dầu, khí và thép. GAS PVS PVD đều chốt phiên sáng ở mức giá thấp hơn vùng giao dịch đầu phiên. HPG hay NKG sau phiên phá các ngưỡng cản lớn ngày 4/10, hôm nay đang lình xình quanh vùng tham chiếu.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng hơn 10 điểm trở lại vùng 1.350 điểm. HNX- Index tăng 4,10 điểm lên 364,99 điểm. Giao dịch 83,7 triệu cổ phiếu, giá trị đạt 2.008 tỷ đồng.
VTV.vn - Trong phiên giao dịch hôm nay 5/10, áp lực bán tại vùng kháng cự gần 1.340 - 1.345 điểm có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.21831614150011202-meid-01-noh-gnat-xedni-nv-ial-ort-naohk-gnuhc-gnah-nagn-mohn/et-hnik/nv.vtv