Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng ban Quan hệ lao động- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay: “Hiện chúng tôi chưa có thông kê chính thức về số lao động mất việc làm cũng như những trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế tại nhiều khu công nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề”.
Theo đánh giá của bà Kim Ngân, trong làn sóng người dân ồ ạt về quê, số lượng lớn vẫn là lao động tự do. Họ chủ yếu muốn về nhà sau một thời gian đã tổn thương nhiều về tinh thần.
Theo ghi nhận của PV, sau nhiều tháng chống chọi với dịch bệnh, hàng nghìn lao động rời khỏi Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… trở về quê trong bối cảnh cảnh cạn kiệt và không còn thu nhập.
“Tôi tin rằng, nếu các doanh nghiệp vẫn tuyển dụng và có phương án sản xuất thì chắc chắn họ không bỏ về. Phần lớn những người trở về quê do không có việc làm hoặc mức lương không đủ sống, không thể bám trụ lại thành phố. Về lâu dài, người lao động phải đi tìm những nơi có việc làm phù hợp và phương án về quê chỉ là giải pháp tạm thời”, bà Kim Ngân nhận định.
Theo số liệu từ Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Tp.HCM cho thấy, 5 tháng qua, số lượng lao động nhận bảo hiểm thất nghiệp là trên 100.000 người. Số công nhân dừng hoạt động khoảng 500.000 người. Những người này đã có thời gian dài bám trụ tại thành phố nhưng hiện nhu cầu bà con xin về quê rất nhiều.
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, hiện có 4 nhóm lực lượng lao động bị ảnh hưởng nặng nề do dịch gồm: Lao động làm cho các doanh nghiệp FDI; lao động làm cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; lao động làm ngoài các khu công nghiệp; lao động tự do.
Đặc biệt, những người lao động tự do và lao động ngoài khu công nghiệp không được tiếp cận thông tin cụ thể về cuộc sống trong điều kiện “bình thường mới”. Chủ sử dụng lao động không thể cam kết chính xác khi nào sẽ được quay lại làm việc, hưởng lương bình thường. Từ đó, người lao động nhìn về quê hương- nơi họ cảm thấy an toàn, bình an.
Cũng theo bà Kim Ngân, khi hàng nghìn lao động ồ ạt trở về quê cũng phát sinh tình huống “dở khóc, dở cười”- liệu người lao động có tìm được việc làm ở quê hay không? Họ chỉ có thể ở quê 2 tuần đến 1 tháng chứ không thể chịu cảnh thất thất nghiệp dai dẳng. Khi đó, chắc chắn sẽ xuất hiện làm sóng tìm việc làm mới.
“Sở dĩ nhiều lao động chọn phương án trở về quê là do mất việc làm trong khi phương án hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp cũng chưa rõ. Nếu các doanh nghiệp công bố phương án cụ thể, minh bạch thông tin tuyển dụng tại các khu công nghiệp, tôi tin doanh nghiệp chắc chắn thu hút được người lao động, giúp họ cân nhắc quyết định đi hay ở”, bà Kim Ngân nêu quan điểm.
Cũng theo vị này, nếu muốn giữ chân người lao động, cơ quan quản lý cần có phương án, lộ trình cho doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất trở lại. Nếu doanh nghiệp đủ điều kiện thì cần công khai thông tin tuyển dụng cho người lao động nắm được.
“Doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, khó khăn trong trả lương cũng như đảm bảo việc làm cho người lao động thì khó có thể níu chân người lao động. Hơn nữa, nhiều người lao động rời khỏi Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai vì lo ngại rủi ro còn tiềm ẩn khi chưa đảm bảo mức độ an toàn về dịch bệnh”, bà Kim Ngân nhìn nhận.
Hiến kế cho các doanh nghiệp, bà Kim Ngân cho rằng, các doanh nghiệp phải thông tin thường xuyên tới người lao động, khuyến khích họ quay về. Khi quay về thì cần sự liên thông giữa các địa phương, phải mở cửa để không làm khó người lao động. Chính quyền và doanh nghiệp phối hợp giữ chân người lao động ở lại thành phố bằng cách minh bạch thông tin. Ví dụ, công nhân tiêm vắc-xin sẽ được đi làm bình thường; nhà máy, xí nghiệp đủ điều kiện trong phòng chống dịch khiến lao động an tâm khi làm việc…
“Điều dễ nhận ra trong đại dịch Covid-19 là lao động không an cư lạc nghiệp. Theo đó về lâu dài, muốn duy trì lao động ngoại tỉnh, địa phương cần bắt tay với doanh nghiệp, xây các khu nhà ở cho người lao động theo đúng chuẩn môi trường sống và an toàn sức khỏe”, một chuyên gia nêu quan điểm.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách Pháp luật- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã chủ động lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới và liên lạc nhân sự cũ đang tạm nghỉ, ưu tiên số một vẫn là thực hiện tiêm vắc-xin đầy đủ cho công nhân. Công đoàn của doanh nghiệp kết nối với tổ chức công đoàn tại nơi cư trú, đảm bảo sự an toàn trong việc đưa đón công nhân quay lại thành phố.
“Các doanh nghiệp cần quan tâm về tiền lương, phúc lợi, để người lao động thấy thu nhập cao hơn, cuộc sống tốt hơn khi làm việc trên thành phố”, ông Quảng nhấn mạnh.
Để kết nối cung – cầu lao động, hạn chế mất cân đối cung cầu lao động cục bộ, theo ông Quảng cần tổ chức nắm chắc nguồn lao động để kịp thời có những chính sách hỗ trợ đào tạo. Từ đó, nhanh chóng thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động, đưa ra dự báo, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác.
Cũng theo ông Quảng, trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, việc đề xuất tăng thời gian làm thêm là cần thiết để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, giúp chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. Tuy nhiên việc tăng giờ làm thêm phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, chế độ đãi ngộ làm thêm giờ và sức khoẻ của người lao động.
Bên cạnh việc tìm phương án hỗ trợ, giữ chân người lao động, ông Lê Đình Quảng cho rằng, chính sách hoãn, giãn các loại thuế cho doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn tạm thời để quay vòng, phục vụ sản xuất kinh doanh.
Theo Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc di chuyển lao động cho thấy nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn trong và sau dịch. Đặc biệt là sự thiếu hụt lao động phổ thông làm việc trong các doanh nghiệp gia công ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử…
Người lao động mất việc kéo dài nên việc di chuyển ồ ạt về quê như thời gian qua sẽ tạo thêm những khó khăn cho thị trường lao động. Dự kiến số lao động về quê quay trở lại làm việc chỉ còn khoảng 60-70% nên nguy cơ thiếu hụt lao động để phục hồi trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát sẽ xảy ra ở các thành phố nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất.