Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng qua vẫn tăng tới 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy nỗ lực vượt qua khó khăn của xuất khẩu Việt Nam. Đây cũng là lĩnh vực được kỳ vọng sẽ tiếp tục vượt lên trong quý IV này.
Trong 9 tháng qua, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và chiếm tới 92,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm hơn 63%.
Dù 9 tháng qua, Việt Nam nhập siêu hơn 2,1 tỷ USD nhưng xuất siêu đã quay trở lại trong tháng 9 với mức 500 triệu USD. Tín hiệu này mang đến kỳ vọng, đến cuối năm nay, cán cân thương mại có thể cân bằng và thậm chí có thể xuất siêu nhờ sản xuất được phục hồi và xuất khẩu tăng mạnh.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng qua vẫn tăng tới 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa.
Nỗ lực đàm phán đơn hàng xuất khẩu mới
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành trên cả nước phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch thì kết quả xuất khẩu 9 tháng qua được xem là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những tháng cuối năm cũng đang còn rất nhiều thách thức đó là doanh nghiệp vừa phải dồn sức cho các đơn hàng cuối năm, vừa phải chuẩn bị cho năm sau. Vì vậy, lúc này, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu phải nỗ lực để có đơn hàng mới cho một quý, nửa năm, thậm chí là cả năm sau.
Từng doanh nghiệp với những cách thức riêng đang nỗ lực mỗi ngày để giữ đơn hàng, tìm kiếm thêm các hợp đồng. Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Đầu tư.
Công ty TNHH AAB vừa đưa vào hoạt động 30.000m2 nhà xưởng mới. Đây là một phần trong kế hoạch phát triển dài hạn của doanh nghiệp.
Giữa dịch bệnh, chi phí vật liệu tăng, doanh thu ít nhiều bị ảnh hưởng, nhưng để giữ chân các khách hàng thân quen từ cả chục năm qua, doanh nghiệp vẫn quyết định bỏ vốn đầu tư. Thậm chí, doanh nghiệp còn nắm bắt cơ hội ở ngành hàng mới khi thấy tiềm năng xuất khẩu.
Ông Ong Jian Ernest - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH AAB cho hay: "Khi thị trường và các nhu cầu của thế giới trở lại bình thường, chúng tôi sẽ phục vụ nhu cầu ngày một tăng cao của khách hàng. Đây là cơ hội để chúng tôi tìm kiếm đơn hàng mới, vì các khách hàng sẽ nhìn vào các cam kết sản xuất cũng như trả hàng để tiếp tục ký kết các hợp đồng mới trong các năm tiếp theo".
Đầu tư vào thị trường Việt Nam từ cách đây gần 2 năm, Hayat là nhà sản xuất tã giấy lớn thứ 5 trên thế giới. Mục tiêu doanh nghiệp vào lúc này là thúc đẩy hoạt động nhà máy ở Việt Nam đạt 40% tổng công suất để đảm bảo hàng xuất khẩu cho các thị trường ở khu vực châu Á.
"Chúng tôi chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất của khu vực Đông Nam Á bởi một một số sản phẩm được thiết kế đặc biệt cho thị trường này. Chúng tôi cũng bắt đầu xuất khẩu sang Thái Lan và Malaysia. Đây là các sản phẩm rất cạnh tranh với các thương hiệu mạnh để nâng cao hơn nữa năng lực xuất khẩu của chúng tôi và cả Việt Nam. Mục tiêu của chúng tôi là tìm thêm các hợp đồng và các bạn hàng mới ở Campuchia, Phillipines, Lào và Indonesia", ông Ugur Hasan Tahsin - Phó Chủ tịch Hayat, Phụ trách thị trường châu Á cho hay.
Ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi tin tưởng vào tình hình chống dịch của Việt Nam với nhiều tín hiệu khả quan từ tháng 10 khi hoạt động sản xuất kinh doanh đang được nối lại. Nhiều doanh nghiệp châu Âu đã chuẩn bị kế hoạch kinh doanh và mở rộng đầu tư. Các doanh nghiệp chúng tôi không rời thị trường mà chỉ là chậm lại để tính toán các bước đi tiếp theo. Sự kiên cường cùng nhau sẽ là chìa khoá chiến thắng dịch bệnh, phục hồi sản xuất".
Từng doanh nghiệp với những cách thức riêng đang nỗ lực mỗi ngày để giữ đơn hàng, tìm kiếm thêm các hợp đồng. Có đơn hàng, có sản xuất là có phát triển và đây cũng là động lực để cả nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trong thời gian tới.
Linh hoạt để sản xuất an toàn, hiệu quả
Có được đơn hàng nhưng tổ chức sản xuất ra sao để hiệu quả và an toàn trong bối cảnh dịch bệnh vẫn có nguy cơ trở lại là bài toán không dễ. Lúc này, sự linh hoạt của doanh nghiệp chính là yếu tố quan trọng nhất để vượt qua khó khăn, khắc phục những thách thức. Câu chuyện từ ngành chế biến gỗ là một ví dụ với kết quả xuất khẩu khả quan gần 12 tỷ USD trong 9 tháng qua, tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từng phải dừng hoạt động khi khu vực có dịch, khiến đơn hàng xuất khẩu bị dồn lại nhưng ngay khi sản xuất trở lại, các doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ đã cơ cấu lại đơn hàng. Đơn hàng nào đến hạn được ưu tiên, đơn hàng nào còn thời gian sẽ được sắp xếp theo lượt.
Các khâu sản xuất cũng được tính toán sao cho hợp lý nhất để cũng bằng đó thời gian, nhưng sức lực và kết quả đạt được phải cao hơn, hiệu quả hơn. Chỉ có tinh thần sẵn sàng ứng biến mới giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong bối cảnh khó lường như vậy. Tuy nhiên, để có thể ứng biến hiệu quả đòi hỏi phải có nền tảng đồng lòng của cả doanh nghiệp.
Nỗ lực sản xuất, chắt chiu từng cơ hội, các doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ đã chủ động xây dựng các kịch bản để không bị động do dịch bệnh.
Sự linh hoạt của doanh nghiệp chính là yếu tố quan trọng nhất để vượt qua khó khăn, khắc phục những thách thức. Ảnh minh họa.
"Cái khó bó cái khôn" hay cái "khó ló cái khôn" thường được dùng trong những trường hợp khó khăn, nhưng với các doanh nghiệp chủ động và linh hoạt sẽ khiến cái khôn, cái khéo bộc lộ trong những lúc như thế này.
Trên cơ sở đánh giá sơ bộ tình hình xuất khẩu những tháng đầu năm, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất sớm được khôi phục trở lại, Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt khoảng hơn 300 tỷ USD, tăng khoảng gần 11% so với năm 2020, vượt mục tiêu Chính phủ giao 4 - 5%.
Chỉ còn vài tháng để các doanh nghiệp nỗ lực cố gắng vượt qua một năm khó khăn như năm nay. Để làm được như vậy, cần có sự đồng sức đồng lòng từ người lao động, doanh nghiệp đến các cấp chính quyền, giúp doanh nghiệp dồn sức để giữ được cơ hội cho mình và cho tăng trưởng chung của nền kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.36813720250011202-nahk-ohk-gnort-gnourt-gnat-uahk-taux/et-hnik/nv.vtv