Cờ của Trung Quốc và Đài Loan (bên phải) xuất hiện cạnh nhau trên nền một chiếc máy bay quân sự - Ảnh: REUTERS
Theo thống kê, chỉ trong vòng 4 ngày, gần 150 máy bay Trung Quốc bay vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan, gồm cả máy bay chiến đấu J-16 cũng như máy bay ném bom H-6.
Vì sao là Đài Loan?
Động thái Trung Quốc gây sức ép liên tục lên năng lực phòng thủ cũng như hệ thống phòng không của Đài Loan khiến Washington cho rằng Bắc Kinh đang "gây mất ổn định, có nguy cơ tính toán sai và phá hoại hòa bình, ổn định khu vực". Mỹ cũng kêu gọi Trung Quốc "ngừng gây sức ép và áp lực về quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan".
Hành động của Trung Quốc gây căng thẳng lên Đài Loan có thể hiểu được khi đặt vào cấu trúc an ninh khu vực.
Cùng lúc máy bay Trung Quốc bay vào ADIZ của Đài Loan thì cách Đài Loan hơn 400 dặm về phía Bắc, hai nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan và Carl Vinson của Mỹ, cùng nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh đang tập trận cùng tàu sân bay trực thăng Nhật Bản JS Ise ở ngoài khơi vùng biển đông nam Okinawa, Nhật Bản.
Cuộc tập trận có tổng cộng 17 chiến hạm đến từ 6 nước Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hà Lan, Canada, New Zealand. Dĩ nhiên Trung Quốc không được mời.
Chỉ một tháng sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, một loạt các sáng kiến cấp tập nối kết các đồng minh và đối tác đã được Mỹ tập trung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Có thể kể ra như thỏa thuận an ninh ba bên AUKUS bao gồm Úc, Anh và Mỹ ngày 16-9, Đối thoại an ninh Tứ giác kim cương (Quad) bao gồm: Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ ngày 26-9. Chính quyền Trung Quốc cũng thừa hiểu các thỏa thuận an ninh này nhắm vào mình.
Một trong những cách Trung Quốc phản ứng lại điều đó là cố gắng chứng minh Mỹ sẵn sàng bội ước đồng minh khi lợi ích không còn.
Do đó, việc gia tăng sức ép quân sự lên Đài Loan trong 4 ngày liên tiếp chỉ là một lá bài để Trung Quốc thử sức chịu đựng căng thẳng của hòn đảo, cũng như phản ứng của chính quyền Biden.
Đài Loan được chọn vì đây là mục tiêu an toàn nhất để Trung Quốc cảnh báo các nước nhỏ và vừa khác về độ khả tín của Washington trong việc bảo vệ các nước đồng minh và đối tác.
Trong nhiều năm qua, Mỹ thực hiện một chính sách ngoại giao mơ hồ, không chính thức ủng hộ Đài Loan độc lập, nhưng cũng không ủng hộ Trung Quốc thống nhất Đài Loan bằng biện pháp phi hòa bình.
Sẽ còn nhiều "phép thử"
Trước đó, cuộc rút lui hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan trong tháng 8 được truyền thông Trung Quốc miêu tả rằng Mỹ cũng sẽ lặp lại như vậy với Đài Loan và các đồng minh khác.
Tuy nhiên, vào đầu tháng 8, chính quyền Tổng thống Biden đồng ý bán cho Đài Loan số vũ khí trị giá 750 triệu USD bao gồm 40 khẩu pháo tự hành, một số xe bọc thép, súng máy và gần 1.700 bộ thiết bị dẫn đường chính xác cho đạn pháo.
Trước đó tháng 4-2021, Washington cũng phê duyệt các thủ tục cho phép các nhà thầu quân sự Mỹ chuyển giao công nghệ tàu ngầm cho Đài Loan.
Ngoài việc nâng cấp năng lực quốc phòng cho Đài Loan, tàu chiến Mỹ cũng thường xuyên thực hiện các chuyến đi qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Mỹ về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Do không thể đọ được với Mỹ về các thể chế an ninh, Trung Quốc đã tận dụng mặt trận kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ bỏ rơi. Bằng cách này, Trung Quốc đã khiến các nước nhỏ và vừa trong khu vực phải ngày càng lệ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới với thị trường 1,4 tỉ dân.
Ngày 16-9, Trung Quốc tuyên bố nước này đã chính thức gửi đơn gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nhanh chóng sau đó, Đài Loan cũng nộp đơn.
Do đó, vấn đề căng thẳng mấy ngày qua không chỉ ở eo biển Đài Loan, mà còn là bức tranh rộng lớn hơn về sự cạnh tranh giữa Trung Quốc với Mỹ và các quốc gia đồng minh.
Mỹ và các nước đồng minh đang ngày càng có nhiều hơn các mối quan tâm và lợi ích tương đồng. Tháng 7 năm nay, Nhật công bố sách trắng quốc phòng, trong đó lần đầu tiên đề cập trực tiếp vấn đề an ninh Đài Loan, nhấn mạnh việc "giữ ổn định tình hình quanh đảo Đài Loan đóng vai trò quan trọng với an ninh Nhật Bản và sự ổn định của cộng đồng quốc tế".
Các nước đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Đức cũng đã tuyên bố ủng hộ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Hiện nay, cách đối phó của Trung Quốc với chính sách liên kết đồng minh, đối tác cũng như phòng thủ tích hợp của chính quyền Biden là tăng sức ép với các mắt xích yếu mà Mỹ không có các hiệp ước ràng buộc cụ thể, cũng như đẩy mạnh các chính sách ngoại giao thu hút từ sức mạnh kinh tế. Do đó, sức ép lên Đài Loan mấy ngày qua mới chỉ là một phép thử. Sắp tới, Trung Quốc sẽ còn nhiều phép thử khác để "đo" cam kết của Mỹ với các đồng minh.
Bà Thái Anh Văn cảnh báo hậu quả nếu Đài Loan sụp đổ
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cho rằng việc hòn đảo này rơi vào tay Trung Quốc sẽ gây hậu quả "thảm khốc" cho nền hòa bình ở châu Á, và Đài Loan sẽ làm tất cả để tự vệ nếu bị đe dọa.
Bà Thái đưa ra tuyên bố trên trong bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs của Mỹ ngày 5-10. Trong đó, nhà lãnh đạo Đài Loan cho rằng khi các nước nhận thức rõ hơn mối đe dọa từ Trung Quốc, họ nên hiểu giá trị của việc hợp tác với Đài Loan.
"Và họ nên nhớ là nếu Đài Loan sụp đổ, hậu quả sẽ rất thảm khốc đối với nền hòa bình khu vực và hệ thống liên minh dân chủ" - bà Thái viết.
Bà Thái cho biết Đài Loan không hướng đến đối đầu quân sự mà muốn chung sống hòa bình, ổn định và cùng có lợi với các nước láng giềng. (MINH KHÔI)
TTO - Trong ngày 4-10, Trung Quốc tiếp tục cho 52 máy bay chiến đấu bay đến gần vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Xem thêm: mth.74140033250011202-ym-uht-ed-naol-iad-yav-couq-gnurt/nv.ertiout