Xe buýt ở Cần Giờ tuyến số 90 (phà Bình Khánh - Cần Thạnh) hoạt động trở lại sáng 5-10 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
4 tuyến xe buýt ở huyện Cần Giờ sáng 5-10 đã lăn bánh, tài xế, người dân đều vui mừng.
Người dân vui mừng
Để chuẩn bị cho hoạt động xe buýt phù hợp với tình hình chống dịch của thành phố, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã làm việc, lấy ý kiến UBND huyện Cần Giờ và được sự đồng thuận trong việc tổ chức 4 tuyến xe buýt tại khu vực bình thường mới.
4 tuyến này gồm: tuyến 77 (Đồng Hòa - Cần Thạnh), tuyến 90 (phà Bình Khánh - Cần Thạnh), tuyến 127 (An Thới Đông - ngã ba Bà Xán), tuyến 128 (Tân Điền - An Nghĩa). Các xe buýt chạy từ 5h đến 18h mỗi ngày.
"Sở dĩ chọn các tuyến này bởi lộ trình đi qua khu vực vùng xanh từ nhiều ngày nay, người dân chuộng đi xe buýt", đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho hay.
Theo ghi nhận, từ sáng 5-10, hình ảnh những chuyến xe buýt bắt đầu xuất hiện lại tại khu vực bến phà Bình Khánh (huyện Cần Giờ).
Chuyến phà từ từ cập bến, người dân men theo phần đường dành cho người đi bộ đến khu vực chiếc xe buýt số 90 (chạy tuyến phà Bình Khánh - thị trấn Cần Thạnh) đang đợi sẵn.
Tay xách nách mang lỉnh kỉnh đồ đạc sau 4 tháng mắc kẹt không về nhà được, chị Nguyễn Hoài Thương (ngụ huyện Cần Giờ) vui vẻ chia sẻ khi sắp được về nhà thăm ba mẹ.
Chị Thương lên TP làm giáo viên mầm non tại quận 4 nhưng ở trọ tại quận 10, khi chưa dịch mỗi tuần chị về thăm ba mẹ một lần bằng xe buýt.
"Sáng nay, tôi nhờ bạn chở từ quận 10 ra bến phà rồi đón xe buýt, tôi vui lắm vì chưa bao giờ xa nhà lâu như vậy. Xe buýt chạy lại người dân đi lại cũng thuận tiện hơn, tôi về nhà ở với ba mẹ tới khi học sinh trở lại trường sẽ lên lại", chị Thương khấp khởi bày tỏ.
Những chuyến xe buýt chạy lại, không ai vui mừng bằng những tài xế mỗi ngày ôm vôlăng lấy kế sinh nhai.
Anh Võ Đăng Khoa (tài xế ngụ thị trấn Cần Thạnh) cho biết những tháng qua anh về nhà ở, không có thu nhập nên cuộc sống khó khăn. Nay TP cho xe buýt tuyến Cần Giờ chạy lại, cánh tài xế như anh phấn khởi quét dọn xe, đi xét nghiệm để phục vụ bà con đi lại.
Còn anh Nguyễn Văn Tửng (ngụ xã Tam Thôn Hiệp) cho biết anh mua xe trả góp rồi gia nhập hợp tác xã, bình thường chạy trừ hết chi phí mỗi tháng kiếm được hơn 10 triệu lo cho gia đình. Những tháng rồi xe nằm nhà, thu nhập không có nên gồng gánh chi phí rất mệt.
"Nay TP cho xe chạy lại tui mừng lắm, lượng khách chưa đông nhưng có việc làm là chúng tôi vui rồi. Sáng nay chạy hai chuyến, mỗi chuyến khoảng 5 - 7 khách, trước đây mỗi chuyến khoảng 15 - 20 khách. Tôi mong sớm khống chế được dịch để chúng tôi làm ăn sinh sống", anh Tửng nói.
Cần gỡ khó cho doanh nghiệp
Đại diện Trung tâm Giao thông công cộng TP.HCM cho biết sáng 5-10, lượng khách của 4 tuyến mới hoạt động ở Cần Giờ chưa đông lắm do người dân ít ra đường để phòng dịch COVID-19. Tín hiệu đáng mừng là hầu hết hợp tác xã, tài xế, tiếp viên... đều rất phấn khởi khi xe buýt chạy trở lại.
Theo vị này, từ mấy hôm nay, bà con xã viên, tài xế cùng với tiếp viên tích cực chuẩn bị xe, công tác phòng dịch, đón chờ chuyến đi sáng nay.
Sau 4 tuyến này, trung tâm tiếp tục rà soát nhu cầu người dân, tình hình phòng chống dịch để đề xuất Sở Giao thông vận tải TP.HCM chạy lại thêm nhiều tuyến nội ngoại thành khác trong thời gian tới đây.
Đặc biệt, ưu tiên các tuyến hoạt động trong vùng xanh và khu vực hoạt động nhà máy, xí nghiệp, bến xe liên tỉnh... Thời gian tới, trung tâm sẽ cử người đi khảo sát cụ thể, làm việc với UBND quận, huyện trước khi đề xuất.
Trong khi đó, để chuẩn bị cho các tuyến xe buýt hoạt động trở lại, nhiều đơn vị hợp tác xã vận tải xe buýt cho biết đã có góp ý về 10 tiêu chí phòng chống dịch trong lĩnh vực vận tải hành khách mà TP ban hành, đa số các đơn vị đều cơ bản đảm bảo các tiêu chí.
Riêng 2 tiêu chí về phương thức thanh toán không sử dụng tiền mặt và xét nghiệm COVID-19, một số doanh nghiệp kiến nghị hiện nay đa số nhân viên xe buýt đã tiêm đủ 2 liều vắc xin.
Việc quy định thời gian kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ đối với nhân viên đi xe buýt sẽ gây tốn kém cho doanh nghiệp, tốn thời gian đi test, khó tìm địa điểm test.
Do đó, các đơn vị kiến nghị tạm thời đề xuất áp dụng phương pháp test nhanh cho nhân viên do đơn vị xe buýt tự thực hiện dưới sự giám sát của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Chi phí test nhanh kiến nghị TP hỗ trợ.
Ngoài ra, đối với tiêu chí thanh toán không sử dụng tiền mặt triển khai ngay trong giai đoạn này rất khó khả thi, do cần thời gian để đầu tư, hoàn thiện thiết bị, thử nghiệm... Người dân vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt hằng ngày.
Trả lời doanh nghiệp, đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết TP khuyến khích người dân thanh toán không tiền mặt để hạn chế tiếp xúc, tạo thói quen và tiền đề để sử dụng hệ thống thanh toán thông minh trên xe buýt sau này.
Người dân vẫn có thể thanh toán bằng các hình thức mua vé, sử dụng vé tập... nên doanh nghiệp không cần lo lắng về vấn đề này. Phía trung tâm cũng đang tích cực nghiên cứu, tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp ngành xe buýt.
Các tiêu chí để xe buýt hoạt động trở lại
Các tiêu chí gồm: người lái xe buýt, nhân viên đi cùng đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin đủ 14 ngày hoặc có xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 còn hiệu lực.
Đồng thời luôn thực hiện nguyên tắc 5K, nhắc nhở hành khách tuân thủ quy định về phòng dịch...
Ngoài ra, trên xe cần giữ thông thoáng, không dùng máy lạnh, không đóng kín cửa hoặc sử dụng máy lạnh trên 260C, không chở quá 50% sức chứa.
Tài xế, nhân viên sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, vệ sinh, khử khuẩn phương tiện khi kết thúc hành trình. Giữa tài xế và hành khách có vách ngăn cách.
TTO - Sau 4 tháng tạm ngưng do tình hình dịch COVID-19, các tuyến xe buýt ở huyện Cần Giờ, TP.HCM sẽ hoạt động trở lại từ ngày 5-10 sau khi đáp ứng các tiêu chí về phòng chống dịch trong lĩnh vực vận tải.
Xem thêm: mth.37930549060011202-ial-ort-gnod-taoh-nad-mchpt-tyub-ex/nv.ertiout