VỚI '3 TẠI CHỖ', KHÔNG CÓ DOANH NGHIỆP NÀO CÓ LÃI
"Tôi lớn lên trong một gia đình nhà nông, trình độ có giới hạn, không được đi học nhiều, được cha mẹ truyền dạy cho công việc kinh doanh. 16 tuổi, tôi được má giao lại cho gánh trứng, để làm việc nuôi em. Để đi đến được như ngày hôm nay, tôi đã vượt qua nhiều chông gai – khó khăn.
Thêm nữa, trình độ mình có giới hạn, làm ngành sang mình không làm được, nên phải làm nghề buôn bán trứng. Bởi vậy, khi tôi thành đạt rồi, thỉnh thoảng đi chung với các đại gia, tôi hay nói vui: tôi với mấy chị đều cùng buôn bán hột, nhưng mấy chị là hột xoàn, còn tôi chỉ là hột vịt – hột gà. Có chị lãnh đạo đáp lại: hột xoàn khi đói thì không ăn được, chứ hột vịt – hột gà khi đói ăn được.
Vào năm 2003 khi dịch cúm gia cầm bùng phát, tôi đã mất 6 tỷ bạc – một số tiền rất lớn thời điểm đó. Để có được số tiền đó, tôi đã phải chắc chiu cần mẩn, hao tốn của cải vật chất, nên lúc đó còn nghĩ là mình sẽ bỏ ngành trứng. Nhưng nhìn bà con nông dân và nhìn lại bản thân mình, cuối cùng tôi không bỏ.
Năm 2003 là cú sốc rất lớn, song mình cũng đã bình tĩnh để tính toán, tìm ra được phương hướng dẫn dắt công ty đi lên. Trong năm 2021, vì mình có cú sốc 2003, lấy kinh nghiệm đó làm hành trang chuẩn bị cho đại dịch", cô Ba Huân – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Ba Huân bày tỏ trong Talk Show Ngay và Cơ do VnExpress và S-World tổ chức.
Trong cao trào đợt 1, Ba Huân có tổn thất, nhưng lúc đó còn bán được. Rồi đợt 2, liên khúc tới đợt 3, rồi đợt gần nhất là thứ tư – Ba Huân gặp rất nhiều khó khăn với mô hình sản xuất ‘3 tại chỗ’.
Các nhà máy – trang trại của Ba Huân nằm chủ yếu ở các tỉnh quanh TP.HCM và đều dính dịch nặng. Ba Huân có 1 trang trại ở Bình Dương và 1 trang trại – 1 nhà máy tại Long An, đều nằm trong vùng dịch nặng. Còn TP.HCM là thị trường tiêu thụ chính, dính dịch nặng nhất nước.
Chỗ ở của một bộ phận CBCNV của Ba Huân trong '3 tại chỗ'. Ảnh: Bizc
"Vậy nên, tình hình của doanh nghiệp rất căng thẳng, nhưng không vì vậy mà mình buông xuôi, mà mình phải tìm cách làm sao cho người tiêu dùng có sản phẩm an toàn để sử dụng, bằng mọi cách đừng để đứt gãy chuỗi sản xuất, động viên anh em nhân công thực hiện ‘3 tại chỗ’.
Theo đó, Ba Huân phải tính chỗ ăn, chỗ ở tại nhà xưởng cho nhân viên. Tôi cũng phải họp online rất nhiều để kịp thời chỉ đạo sản xuất – kinh doanh và chia sẻ khó khăn với CBCNV. Tới ngày hôm nay, chúng tôi vẫn còn giữ vững được 3 tại chỗ.
Sản lượng đôi khi dư thừa lắm lúc lại thiếu hụt. Như mấy hôm nay, sức mua chậm lại thì mình dư thừa. Còn như ngày 23 tháng trước, sức mua rất lớn, cái gì cũng hết", cô Ba Huân kể.
Với mô hình ‘3 tại chỗ’, công nhân nếu bị ‘nhốt’ họ lâu quá, nhiều người cũng uể oải, nên Ba Huân buộc phải thay đổi cách: một tháng hoặc nửa tháng cho nhóm công nhân này về, rồi để nhóm kia vô thay. Ba Huân xét nghiệm 1 lần/3ngày, tất nhiên những chi phí đó công ty phải lo liệu hết. Ngoài ra, Ba Huân còn lo cơm nước ngày 3 đến 4 cử, bồi dưỡng anh em ăn uống để có thể chất khoẻ mạnh liên tục làm việc.
Nhưng đôi khi cũng có một vài công nhân bị bệnh vặt hoặc nhớ nhà, nếu có chồng ốm con đau hay người thân bị lây bệnh dịch, thì buộc phải cho họ về, chứ doanh nghiệp đâu giữ người ta mãi được! Như vậy, lãnh đạo doanh nghiệp phải động viên những người còn lại gánh việc cho những người về vì chuyện gia đình. Trong Covid-19 này, nhân viên nào gặp khó khăn, mình chỗ trợ vật chất- bằng tiền; để họ có niềm tin để cùng đồng hành với công ty.
"Với ‘3 tại chỗ’, tôi nghĩ không có doanh nghiệp nào có lãi hết và cũng không có doanh nghiệp nào ham làm ‘3 tại chỗ’ đâu!", Chủ tịch công ty Ba Huân khẳng định.
NHỮNG LỢI ÍCH KHÔNG NGỜ MÀ BA HUÂN THU NHẬN ĐƯỢC SAU NGHĨA CỬ ĐẸP
Cô Ba Huân - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công trứng gia cầm Ba Huân.
Về giá trứng, trước ngày giãn cách, Sở Công thương TP.HCM có nói với cô Ba Huân: "Vì áp dụng 3 tại chỗ vất vả – chi phí cao quá, nên chúng tôi cho chị tăng giá lên 2.000 đồng/chục trứng".
Cô Ba Huân trả lời: "Thôi, tôi không nhận cái đó", vì cô thấy nhiều doanh nghiệp bỏ tiền ra ủng hộ mua vaccine, mua khẩu trang với hàng tỷ đồng, còn doanh nghiệp cô làm trong ngành nông nghiệp, không thể huy động 1 lúc được nhiều tiền như 5, 7 đến 10 tỷ; nên muốn góp cho Thành phố bằng công sức và bằng không tăng giá trứng.
Hơn nữa, vì dân nghèo mới xài trứng nhiều - đi từ thiện người ta toàn mua trứng, nên Ba Huân quyết giữ hỗ trợ bán giá bình ổn. Có những người đi từ thiện mua 1.000 đến 2.000 hộp cho các khu cách ly hoặc khu dân nghèo, Ba Huân cũng bán giá bình ổn như trong các siêu thị. Lúc đó, bên ngoài có người bán 40.000 đồng/chục trứng, nhưng doanh nghiệp này vẫn giữ giá 28.000 đồng/chục. Đó là tấm lòng của Ba Huân với bà con nghèo và người dân TP.HCM.
"Kinh doanh thì ai cũng cần lợi nhuận, bởi nếu ‘hy sinh’ suốt thì tiền đâu để chúng ta trả ngân hàng, tiền đâu lo cho công nhân. Nhưng do Ba Huân cũng có một số trang trại riêng và mình ký hợp đồng với một số bà con nông dân trước đó, mình chan hòa 2 nguồn trứng này nên mới có thể tham gia bình ổn giá.
Thêm nữa, tôi nghĩ: mình làm nghề này đã hơn 50 năm – tức nửa thế kỷ, kinh doanh là công việc cả đời chứ đâu phải 1 đến 2 tháng như trong giai đoạn cao trào. Thành phố đang khó khăn như thế, mà mình ‘té nước theo mưa’ thì đâu có đặng!", Chủ tịch Ba Huân giải thích.
Nếu lúc đó chớp thời cơ tăng giá, 1 ngày Ba Huân bán ra 1 triệu trứng, nếu thêm 2.000 đồng/chục trứng, tức mỗi ngày họ kiếm được thêm 200 triệu. Nếu tích luỹ từ từ, số tiền đó cũng thành 10 tỷ hay 5 tỷ, 7 tỷ.
Thoạt trông, hành động nói trên của Ba Huân thiếu sáng suốt, vì họ mất cơ hội kiếm thêm 6 tỷ/tháng. Nhưng nhìn toàn cục, đây có thể xem là quyết định khôn ngoan nhất, vì nhờ thế họ được cả xã hội lẫn cơ quan công quyền toàn lực ủng hộ công việc kinh doanh, giá trị của thương hiệu Ba Huân cũng tăng cao hơn bao giờ hết. Đây đều là những việc mà tiền không mua được!
Trong tháng 8, sau khi có Chỉ thị 16 và 16 cộng, các kênh thương mại đóng cửa rất nhiều, bù lại có các kênh đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc tìm đến đặt hàng để mua tặng các khu cách ly. Tức, với Ba Huân, kênh này đóng thì kênh mua mở, nên hàng cũng bán hết. Hơn nữa, vì Ba Huân luôn bán với giá bình ổn đã cam kết, nên rất đắt khách.
Một mạnh thường quân đang mua trứng gà ở cửa hàng Ba Huân để đi làm từ thiện.
Theo đó, trong khoảng 2 tháng qua, xe mua hàng xếp hàng từ nhà máy Ba Huân kéo dài 1 cây số để nhận hàng. Bình thường, Ba Huân phải đi giao cho hệ thống phân phối, còn lúc cao trào thì hệ thống lại xuống tận nhà máy của họ lấy hàng. Tức là Ba Huân không phải đi giao hàng khắp nơi, tiết giảm nhân lực và chi phí logistic rất nhiều.
Tất nhiên, các nhà máy của Ba Huân buộc phải chạy 24/24, để xử lý sản phẩm trứng và trại gà/vịt cũng phải làm việc tất bật. Hơn nữa, vì gà chỉ đẻ 1 ngày/1 trứng, chứ không thể 2 trứng, nên họ cũng phải cố gắng điều tiết để làm hài lòng tất cả khách hàng.
"Theo tôi, vậy là trời thương Ba Huân! Vậy nên để những quả trứng có thể đến tay mọi người ngay cả trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, tôi không nề hà chuyện mệt mỏi. Nói dịch ở nhà không được ra ngoài, chứ tâm trí của tôi – tất cả đều ở các chỗ sản xuất chứ không ở nhà. Hai máy điện thoại của tôi đã phải hoạt động liên tục, để chuỗi sản xuất- cung ứng của mình không bị đứt gãy", cô Ba Huân hồi tưởng.
Ngoài người dân, thì Ba Huân cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan chính quyền trong suốt 2 tháng qua, nhờ thế chuỗi cung ứng của họ mới không bị đứt gãy và hoàn thành được trách nhiệm đã hứa.
Cô Ba Huẩn kể tiếp: lúc mới ra Chỉ thị 16, xe cộ đi lại rất khó khăn, nhưng đối với cô và Ba Huân thì không có gì gọi là khó hết! Bởi rối tới đâu, cô sẽ gọi điện đến bộ ngành và nhờ họ giải quyết tới đó. Điều này có tiền cũng không mua được! Và sở dĩ cô có thể làm vậy là nhờ những cống hiến của mình với các thành phố. Đó là tài sản vô giá của cô!
Ví dụ: có một hôm, xe của Ba Huân đi Cần Thơ lấy bao bì, đậu qua 1 đêm và xe bị kẹt ở đó. Do mấy người em của cô giải quyết không được, nên mới gọi điện báo: "Chị Ba ơi, xe mình bị kẹt 2 ngày nay ở đây, mà tụi em giải quyết không được. Nếu không chở được bao bì về nhà máy, thì mình lấy cái gì đựng trứng?!".
Vậy là cô gọi điện cho người cần thiết. Bữa sau, Bộ trưởng – Thứ trưởng Giao thông vận tải đã yêu cầu Cần Thơ mở trạm, gỡ rối cho doanh nghiệp Ba Huân cũng các doanh nghiệp khác.
Một ví dụ khác: ngành trứng thuộc ngành thực phẩm thiết yếu, nên Ba Huân được mở cửa sản xuất, nhưng ngành bao bì lại không phải thiết yếu, hơn nữa áp dụng 3 tại chỗ thì tốn kém quá nên doanh nghiệp không làm, thành ra Ba Huân không có bao bì đựng đứng.
"Tôi đã phải gọi điện năn nỉ các nhà sản xuất bao bì giúp tôi đi, để mình cùng bình ổn giá. Nếu mình đã ký trách nhiệm với thành phố rồi, mà mình không làm tròn trách nhiệm thì mất uy tín. Nên mấy anh thương giùm, sản xuất giùm và giao giùm. Nếu mấy anh có chỗ nào khó khăn thì tôi sẽ nhờ hiệp hội can thiệp, để các anh được sản xuất, rồi giao hàng cho công ty chúng tôi.
Có thể nói, việc Ba Huân có thể sản xuất – kinh doanh trong suốt 2 tháng vừa qua là một nỗ lực thật sự lớn của Ba Huân và các doanh nghiệp khác trong đại dịch", Chủ tịch Ba Huân nhận định.
Quỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị