Theo số liệu mới nhất, các nhà máy nhiệt điện than chỉ có lượng nhiên liệu dự trữ trung bình trong 4 ngày và hơn một nửa số nhà máy đã ở trong tình trạng mất điện. Bộ trưởng Điện lực Ấn Độ Raj Kumar Singh cảnh báo rằng quốc gia này có thể phải đối diện với việc nguồn cung bị thắt chặt trong 6 tháng.
Tình trạng thiếu điện đang gia tăng và sự chênh lệch giữa nguồn cung điện sẵn có và nhu cầu khi cao điểm đã lên đến hơn 6 gigawatt vào hôm 4/10. Trong khi tình trạng thiếu than ở Trung Quốc và cuộc khủng hoảng năng lượng khiến nhiều người chú ý, thì chính Ấn Độ lại đang phải đối mặt với viễn cảnh tồi tệ hơn nhiều.
Khối lượng tiêu thụ điện của lĩnh vực công nghiệp và nội địa của Ấn Độ thường đạt đỉnh khi quốc gia này bước vào mùa lễ hội từ cuối tháng 10. Do đó, tình trạng thiếu điện có nguy cơ ngăn cản đà hồi phục của nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á, vốn đang nỗ lực tăng trưởng sau mức giảm 7,3% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3.
Nguồn cung điện dự trữ ở Trung Quốc và Ấn Độ sụt giảm mạnh.
Công ty Coal India Ltd. thuộc sở hữu nhà nước - nhà sản xuất than hàng đầu thế giới, đang tìm cách tăng nguồn cung than hàng ngày từ 1,7 triệu tấn hiện tại lên 1,9 triệu tấn vào giữa tháng 10. Song, mức tăng này cũng không thể giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt hay chênh lệch giữa cung và cầu. Theo Anil Kumar Jain - cố vấn năng lượng của Chính phủ Ấn Độ, khối lượng than được giao đến các nhà máy điện hiện đang thiếu từ 60.000 đến 80.000 tấn/ngày.
Hoạt động sản xuất than tại quốc gia châu Á này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt ở các bang miền đông và miền trung, các mỏ và tuyến đường vận chuyển chính đều bị gián đoạn hoạt động. Sự hồi phục của lĩnh vực này sẽ phụ thuộc vào thời tiết. Nếu không còn mưa, các mỏ có thể tăng cường hoạt động và xe chở than tiếp tục giao hàng.
Dù lượng than dự trữ tại các nhà máy điện đang ở mức thấp, nhưng nhiều khả năng các hoạt động vận hành tại đó sẽ không ngừng lại vì hết nhiên liệu. Các bộ và ngành của chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực giám sát chặt chẽ nguồn dự trữ và có thể giảm nguồn cung đối với các nhà máy công nghiệp như các nhà sản xuất nhôm và xi măng, để ưu tiên phát điện. Điều này sẽ khiến các ngành công nghiệp phải đối mặt với tình thế khó khăn: giảm sản lượng hoặc trả nhiều tiền hơn để nhập khẩu than.
Việc siết chặt nguồn cung điện trong nước - đặc biệt các khu vực nông thông và bán thành thị, có thể không phải là vấn đề khó khăn với Ấn Độ. Song, điều này sẽ đặt ra một thách thức khác cho Thủ tướng Narendra Modi.
Các nhà phân phối điện ở Ấn Độ thường cắt điện luân phiên đối với một số khu vực nhất định khi sản lượng thấp hơn nhu cầu. Việc kéo dài thời gian siết chặt nguồn cung có thể được cân nhắc nếu các nhà máy điện chịu ảnh hưởng nhiều hơn.
Tuy nhiên, hành động này có nguy cơ tạo rủi ro cho đà hồi phục vốn đã mong manh của Ấn Độ. Trong khi đó, chính phủ của ông Modi đang phải đối mặt với những lời chỉ trích vì không tạo thêm đủ việc làm mới.
Giá điện tăng cao có thể khiến một số nhà máy ven biển phải nhập khẩu than dù có mức giá "trên trời" và việc này sẽ giảm gánh nặng cho các công ty khai thác trong nước. Quốc gia này đáp ứng khoảng 3/4 nhu cầu điện nhờ sản xuất than trong nước và phần lớn phần còn lại được nhập khẩu từ các nước như Indonesia, Nam Phi và Australia.
Giá bán điện trên Indian Energy Exchange đã tăng hơn 63% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức trung bình 4,4 rupee (0,06 USD)/kilowatt giờ và lên tới 13,95 rupee vào ngày 5/10. Do đó, một số nhà máy có thể tìm cách nhanh chóng "gom hàng" than vận chuyển bằng đường biển, dù giá than chạm mức kỷ lục.
Dù mưa kéo dài khiến các mỏ than ngập trong nước, nhưng Ấn Độ có thể tận dụng để thúc đẩy sản xuất thủy điện. Các dự án lớn trên các con đập là nguồn điện chính của Ấn Độ sau than. Lĩnh vực này đẩy mạnh hoạt động vào khoảng mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10.
Trong khi đó, các dự án này chiếm khoảng 14% tổng sản lượng của Ấn Độ trong 6 tháng tính đến ngày 30/9 và có thể tăng lên nếu các nhà máy hoạt động với cường độ cao hơn. Dữ liệu gần đây cũng cho thấy sản lượng thủy điện đã vượt mục tiêu và các công ty bắt đầu tăng sản xuất.
Ngoài ra, trong bối cảnh khí tự nhiên toàn cầu tăng giá mạnh, thì Ấn Độ có thể tận dụng lợi thế này. Quốc gia châu Á có gần 25 gigawatt công suất sản xuất khí đốt, dù gần 80% vẫn chưa được sử dụng do giá nhiên liệu cao.
Tham khảo Bloomberg