Tư vấn xét tuyển đại học - cao đẳng tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: NAM TRẦN
Theo trao đổi của Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và đào tạo), sau quá trình tuyển sinh đợt 1 sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, danh sách thí sinh trúng tuyển của một số trường cho thấy có hiện tượng tuyển vượt chỉ tiêu.
Có trường có thể thông báo số thí sinh trúng tuyển vượt 3-4 lần chỉ tiêu. Nhưng đây không phải số lượng sinh viên tuyển được thực tế.
Qua phân tích thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo, chỉ có các trường trong khối công an, quân đội đảm bảo số thí sinh trúng tuyển sẽ nhập học 100%, còn đa số chấp nhận một tỉ lệ "ảo". Có trường thông báo tuyển vượt chỉ tiêu, nhưng chỉ thực tuyển được 30% so với chỉ tiêu. Nhiều ngành không có thí sinh hoặc rất ít thí sinh trúng tuyển đến nhập học.
Ứng phó với tình trạng "ảo", một số trường thông báo số thí sinh trúng tuyển vượt chỉ tiêu. Bên cạnh đó, năm nay các trường có nhiều phương thức xét tuyển (kết quả học tập THPT, thi đánh giá năng lực, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế) nhưng không đạt được chỉ tiêu như đã định nên đã xem xét điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Vì vậy, các trường thông báo dự phòng một lượng thí sinh nhất định do phải tính đến có tỉ lệ thí sinh sẽ nhập học vào các trường khác (theo các phương thức khác nhau).
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp gây nhiều khó khăn, xáo trộn, nhiều trường xét tuyển bằng các phương thức khác (kết quả học tập THPT, thi đánh giá năng lực...) không đạt được chỉ tiêu như đã xác định, do vậy đã xem xét điều chỉnh chỉ tiêu sang xét kết quả thi tốt nghiệp THPT nên nhìn vào nhóm đối tượng xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ thấy sự vượt trội số lượng so với chỉ tiêu xác định trước đó.
Phân tích của Vụ Giáo dục đại học cũng cho biết có một khả năng nữa dẫn tới tình trạng "tuyển vượt" là nhiều cơ sở đào tạo ấn định chỉ tiêu theo ngành. Nhưng trên thực tế có những ngành không tuyển sinh được. Vì vậy, các trường thực hiện quyền tự chủ sắp xếp điều chỉnh chỉ tiêu sang các khối ngành khác trong lĩnh vực, đảm bảo không vượt quá năng lực đào tạo.
Phần mềm lọc "ảo" của Bộ Giáo dục và đào tạo đảm bảo mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng vào một ngành của 1 cơ sở đào tạo, nhưng không loại trừ được những nguyên nhân "ảo" của các trường do thí sinh có quyền từ chối nhập học khi đã trúng tuyển, vì thế các trường có những cách xử lý khác nhau để đối phó với tình trạng "ảo" nhằm tăng tỉ lệ tuyển sinh so với chỉ tiêu đặt ra.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và đào tạo cũng cho biết không loại trừ có trường hợp một số trường cố tình thực hiện sai quy định trong việc tuyển vượt chỉ tiêu. Bộ khẳng định sẽ thực hiện việc thanh kiểm tra, xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Năm 2020, đã có một số trường bị phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, khấu trừ chỉ tiêu tuyển sinh các năm tiếp theo do tuyển vượt chỉ tiêu.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, số thí sinh chính thức nhập học (xét tất cả các phương thức tuyển sinh) trên toàn hệ thống chưa tới 62% tổng chỉ tiêu, nên chưa thể kết luận những trường có số lượng thí sinh thông báo được trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu là đã tuyển vượt quá chỉ tiêu theo quy định.
Theo quy chế tuyển sinh, các trường tuyển sinh nhiều đợt trong năm, công tác tuyển sinh năm 2021 sẽ được báo cáo đầy đủ vào ngày 31-12-2021 với số lượng thí sinh nhập học chính thức.
TTO - Học sinh, giáo viên và cả phụ huynh đã đưa ra những đề xuất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cũng như tuyển sinh đại học.