Tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, dịch COVID-19 đang từng bước được kiểm soát.
Các biện pháp giãn cách xã hội theo đó cũng dần nới lỏng để tạo đà cho các hoạt động khôi phục sản xuất, kinh doanh gắn với đảm bảo an toàn, phòng dịch. Thế nhưng sau một thời gian dài sản xuất bị đình trệ, nhà máy đóng cửa hoặc hoạt động một phần để chống dịch, lực lượng lao động cũng bị phân tán, không dễ để hồi phục…
Trước ngày 1/10, các khu công nghiệp, khu chế xuất TP Hồ Chí Minh có khoảng 288.000 lao động. Hiện chỉ còn 135.000 lao động, nghĩa là chưa đến một nửa. Nhưng đây mới chỉ là con số so sánh trong điêu kiện dịch bệnh, chưa tính đến điều kiện lao động lý tưởng để hoạt động bình thường.
Với tỉnh Bình Dương, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, dự báo tỉnh có thể thiếu hụt tới 40.000 - 50.000 lao động.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, có khoảng 630.000 người lao động làm việc trong các khu công nghiệp. Hiện chỉ còn 1/5, thức là khoảng hơn 134.000 người lao động đang làm việc theo phương án "3 tại chỗ". Còn lại là lao động tạm nghỉ chờ việc tại các địa phương trong tỉnh hoặc đã trở về các tỉnh, thành khác.
Nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh thành phía Nam đang đối diện thách thức thiếu hụt lao động sau khi nới lỏng giãn cách (Ảnh minh hoạ)
Theo quy định của TP Hồ Chí Minh, doanh nghiệp muốn khôi phục sản xuất thì phải đáp ứng 9 tiêu chí của Bộ tiêu chí an toàn COVID-19. Trong đó doanh nghiệp phải đảm bảo 100% người lao động có "thẻ xanh COVID", doanh nghiệp phải tổ chức xét nghiệm định kỳ cho người lao động từ 3 - 7 ngày/lần, thực hiện giữ khoảng cách giữa 2 người lao động tối thiểu 2m. Doanh nghiệp phải có khả năng xử lý, chăm sóc ca nhiễm.
“Những lao động trở lại làm việc phải thực hiện tốt 5K theo hướng dẫn của ngành Y tế. Trong đó nếu chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine để đảm bảo điều kiện làm việc an toàn khi quay trở lại TP Hồ Chí Minh thì TP tiếp tục tiêm cho đủ”, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết
Cũng theo ông Tấn, còn với con em của người lao động thì tới đây sẽ đề nghị ngành Giáo dục tới nơi họ sinh sống, tạm trú bố trí vào các lớp học. Rồi hỗ trợ các phương tiện, dụng cụ học tập cũng như tiêm vaccine cho trẻ em khi có hướng dẫn của Bộ Y tế.
"Ngoài ra, các quận huyện của TP Thủ Đức chủ động làm việc với các chủ nhà trọ để tiếp tục giảm tiền thuê phòng cho người lao động. Cùng với đó là cơ cấu lại các phòng trọ cho khang trang sạch đẹp hơn, bảo đảm vệ sinh môi trường hơn", ông Tấn cho biết.
Còn với những lao động đã về quê có nhu cầu trở lại làm việc ở các doanh nghiệp, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết TP sẽ kết nối với các tỉnh thành, Sở GTVT các tỉnh thành để đưa đón công nhân trở lại một cách an toàn, cũng như hỗ trợ đưa đón cho phù hợp.
“Đây là một bài toàn rất khó lúc này cho TP Hồ Chí Minh bởi dư chấn dịch bệnh đang còn ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm lý, tinh thần của đội ngũ công nhân. Lần này TP Hồ Chí Minh sẽ tạo ra môi trường an tâm cho họ quay lại làm việc, nhất là làm việc trong các khu công nghiệp, chế xuất, khu công nghệ cao trước để ổn định hơn", ông Tấn nhấn mạnh.
Các chính sách hỗ trợ người lao động rất quan trọng ở thời điểm hiện tại
Đối với tỉnh Bình Dương, thiếu lao động đang là vấn đề rất lớn khi mà khoảng 85% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp đã hoạt động trở lại. Hiện tỉnh xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ người lao động an tâm tiếp tục... hoặc quay trở lại làm việc.
Trong đó giao quyền quyết định đảm bảo an toàn sản xuất cho doanh nghiệp để đảm bảo giữ chân được người lao động. Hay là tăng cường thông tin về thị trường lao động, đa dạng hình thức kết nối cung - cầu nhân lực gắn với tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp giai đoạn "bình thường mới".
“Chúng tôi cũng chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm để qua cái kênh này kết nối lại điều tiết những người mất việc và doanh nghiệp cần lao động để có sự kết nối phù hợp nhất giúp người lao động nhanh chóng tìm việc”, ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương thông tin.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng dự kiến có thêm hàng loạt chính sách an sinh xã hội để giữ chân và thu hút người lao động trong tình hình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
"Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh các chính sách của công đoàn hỗ trợ F0, F1, F2. Đồng thời cũng sẽ có chính sách cho công nhân hoạt động theo mô hình "3 tại chỗ"", bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết.
Để các doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh thì có đủ lực lượng lao động là quan trọng nhất. Vì thế lúc này, chính quyền các địa phương vừa phải lo phòng chống dịch nhưng cũng phải có giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp giữ được chân người lao động, thông qua các giải pháp về hỗ trợ đời sống cho người lao động. Có như vậy, việc khôi phục lại sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế mới thành công.
Để hiểu rõ hơn về các chính sách hỗ trợ người lao động, cũng như những giải pháp khôi phục lại thị trường lao động tại các tỉnh thành phía Nam, quý vị khán giả có thể theo dõi trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 6/10
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.3535645070011202-91-divoc-uah-gnod-oal-naot-iab-iaig-iol-hneb-hcid-uas-nahc-ud/et-hnik/nv.vtv