Mặc dù mưa gió nhưng nhiều người đang phải sử dụng phương tiện cá nhân về quê trong điều kiện đêm tối và nguy hiểm - Ảnh: B.D.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội vừa được phân bổ hơn 60.000 liều vắc xin Pfizer. Ngoài ra, 18 bệnh viện, viện, đơn vị trung ương trên địa bàn Hà Nội được tiếp nhận hơn 77.000 liều vắc xin Pfizer để đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn thủ đô.
Hà Nội sẽ kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vắc xin để trong những tháng tới cơ bản tiêm phủ mũi 2 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1.
Hà Nội sáng 7-10 ghi nhận 2 ca COVID-19 mới đã được cách ly, trong đó 1 bệnh nhân vào chăm mẹ tại Bệnh viện Đức Giang từ ngày 3-9, đến 22-9 xuất hiện triệu chứng và được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
1 bệnh nhân từ TP.HCM về ngày 4-9, được cách ly tập trung, ngày 21-9 chuyển cách ly tại Bệnh viện Đức Giang, hiện cũng có kết quả dương tính.
Tính đến sáng 7-10, Hà Nội đã tiêm được trên 7,78 triệu mũi vắc xin, trong đó có 5,87 triệu người tiêm mũi 1, đạt 97,6% dân số trên 18 tuổi; trên 1,9 triệu người tiêm đủ 2 mũi (31,7% dân số trên 18 tuổi).
Ngày 6-10, Bộ Y tế đã ban hành phác đồ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 bản cập nhật lần thứ 7, trong đó có bổ sung thuốc điều trị mới đưa vào phác đồ, các hướng dẫn vào viện, ra viện cập nhật.
Hiện đã có gần 752.000 bệnh nhân trong tổng số hơn 818.000 bệnh nhân ghi nhận trong đợt dịch này (từ ngày 27-4) được công bố khỏi bệnh, cả nước chỉ còn gần 70.000 bệnh nhân đang tiếp tục điều trị.
Xe tàu nằm không, dân về quê phải tự di chuyển
Nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng đang dừng khai thác để phòng, chống dịch. Xe khách liên tỉnh nhiều nơi dừng hoạt động từ tháng 6-7, cuối tháng 7 các hãng hàng không dừng khai thác. Từ ngày 25-8, đoàn tàu chở khách cuối cùng dừng chạy cho đến nay.
Hiện có hơn 200 máy bay chở khách của các hãng hàng không Việt Nam dừng khai thác dài ngày, toàn bộ các đoàn tàu chở khách, phần lớn xe khách, xe taxi, tàu thủy chở khách ở các địa phương dừng hoạt động. Kéo theo hàng ngàn lao động thất nghiệp, hàng trăm doanh nghiệp vận tải hành khách lâm cảnh nợ nần.
Thời gian qua, một số địa phương thực hiện các chuyến bay, chuyến tàu, xe khách đưa công dân từ các tỉnh phía Nam về quê. Tuy nhiên, những chuyến đi này phần lớn có chi phí do nhà hảo tâm, hội đồng hương, doanh nghiệp ở những tỉnh có điều kiện kinh tế hỗ trợ để đón những người thuộc diện ưu tiên như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ về quê.
Số lượng các chuyến đón công dân như trên không nhiều và muốn thực hiện phải trình qua nhiều cấp, nhiều cơ quan chấp thuận, phê duyệt.
Canada bắt buộc tiêm vắc xin, Anh dỡ bỏ khuyến cáo đi lại
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 7-10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 237,04 triệu ca COVID-19, trong đó có gần 4,84 triệu người không qua khỏi. Số bệnh nhân bình phục hiện đã lên tới 214,178 triệu người.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới đã ghi nhận 446.880 ca mới, trong đó Mỹ chiếm nhiều nhất với 104.880 ca, tiếp theo là Anh 39.851 ca, Thổ Nhĩ Kỳ 30.438 ca, Nga 25.133 ca,...
Mỹ là quốc gia chịu sự tác động nặng nề nhất với 44,91 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 727.000 ca tử vong. Xếp thứ hai thế giới về số ca nhiễm là Ấn Độ với 33,89 triệu ca, trong đó có gần 450.000 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với gần 21,51 triệu ca nhiễm và hơn 599.000 ca tử vong.
Ngày 6-10, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cho biết số ca nhiễm COVID-19 tại khu vực châu Mỹ có xu hướng giảm trong tháng vừa qua, bất chấp thực tế rằng chỉ có 37% dân số Mỹ Latin và Caribê đã hoàn tất phác đồ tiêm vắc xin ngừa căn bệnh này.
Trong nỗ lực tăng tỉ lệ người tiêm vắc xin nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan và đề phòng nguy cơ làn sóng dịch bệnh mới bùng phát liên quan đến các biến thể của virus SARS-CoV-2, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã công bố chính sách tiêm vắc xin COVID-19, yêu cầu các công chức phải tiêm phòng trước cuối tháng này, hoặc buộc phải nghỉ làm không lương.
Những nhân viên không tiêm phòng sẽ bị cấm đi làm, dù làm việc trực tiếp hoặc từ xa, và sẽ bị cho nghỉ việc và không được trả lương. Một quan chức cấp cao cho biết những nhân viên này sẽ không đủ điều kiện để nhận các quyền lợi bảo hiểm việc làm.
Theo quy định mới, từ ngày 30-10, hành khách phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng, trước khi lên máy bay, tàu hỏa hoặc tàu thủy.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 50% các ca COVID-19 hiện tại ở nước này dưới độ tuổi 30. Theo Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, đây là nguyên nhân khiến nước này đang tập trung chương trình tiêm chủng dành cho nhóm người trên 18 tuổi, khi nhóm đối tượng này cũng được xác định dễ khiến dịch COVID-19 lây giữa các thành viên trong gia đình và người trưởng thành.
Tại Anh, chính phủ nước này đã dỡ bỏ khuyến cáo hạn chế đi lại không cần thiết tới 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong một động thái tiếp tục đơn giản hóa quy định đi lại sau khi thế giới đạt được nhiều tiến triển trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Liên quan đến thuốc điều trị COVID-19, ngày 6-10, Quỹ Oswaldo Cruz (Fiocruz) - trung tâm nghiên cứu y khoa lớn nhất Mỹ Latin, thông báo Brazil sẽ tham gia nghiên cứu về hiệu quả của Molnupiravir, loại thuốc điều trị COVID-19 do Hãng Merck & Co của Mỹ sản xuất.
TTO - Trong 24 giờ qua, số ca xuất viện ở TP.HCM tiếp tục cao hơn số ca mắc mới, với 2.768 ca ra viện so với 1.960 ca mắc mới. Số ca tử vong cũng giảm xuống còn 88 ca.