Mức độ quan hệ giữa các nước CPTPP với Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan là khác nhau, trong khi đó ứng viên cần nhận được sự đồng thuận (11/11 thành viên) để được kết nạp - Ảnh minh họa: Global Times
Phát ngôn mới nhất mang tính ủng hộ Đài Bắc là từ bà Takaichi Sanae - tân chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách của Đảng Dân chủ tự do (LDP) đang cầm quyền. "Tôi sẽ ủng hộ những nỗ lực của Đài Loan với tư cách là một đối tác cùng chia sẻ các giá trị với Nhật" - bà Takaichi nêu quan điểm trong một cuộc họp với các nghị sĩ LDP hôm 5-10.
Quan hệ nồng ấm
Vào cuối tháng trước, sau khi Đài Loan nộp đơn xin gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), bà Takaichi đã nói chuyện với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
"Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện hướng tới việc mở rộng và làm sâu sắc hơn các trao đổi thực tế giữa Nhật Bản và Đài Loan, bao gồm cả vấn đề an ninh" - bà Takaichi thông báo trên Twitter sau điện đàm.
Sự ủng hộ của chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách LDP là điều đáng chú ý bởi đây là một cơ quan quyền lực, có ảnh hưởng lớn đến quá trình ra quyết định của Chính phủ Nhật Bản. Trước bà Takaichi, ghế chủ tịch hội đồng thuộc về ông Kishida Fumio - người vừa trở thành tân chủ tịch LDP và thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản.
Tại cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị thủ tướng hôm 4-10, ông Kishida không nói thẳng ông ủng hộ Đài Bắc, đồng thời bày tỏ hoài nghi về khả năng Trung Quốc đáp ứng được các tiêu chí cao của CPTPP. "Tôi vẫn chưa rõ liệu họ (Trung Quốc) có làm được điều đó" - ông Kishida nêu.
Nhiều quan chức cấp cao khác của Nhật Bản cũng có thiện cảm với Đài Loan, trong đó có Ngoại trưởng Motegi Toshimitsu.
Quan hệ giữa Nhật và Đài Loan đã trở nên nồng ấm khi bà Thái Anh Văn lên cầm quyền, bất chấp tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Senkaku mà Đài Loan gọi là Điếu Ngư Đài.
Đài Loan là một mắt xích quan trọng trong chiến lược chuỗi đảo thứ nhất có điểm đầu xuất phát từ Nhật Bản. Như Bộ trưởng Quốc phòng Kishi Nobuo của Nhật Bản đã nhiều lần nhấn mạnh, an ninh của Đài Loan có ý nghĩa quan trọng đối với nước này.
Trung Quốc đã tính kỹ
Vào tháng 11-2020, khi Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo Trung Quốc cân nhắc gia nhập CPTPP, chính quyền Nhật Bản đã nghĩ rằng động thái này sẽ diễn ra vào năm 2022, năm Singapore làm chủ tịch ủy ban CPTPP.
Câu hỏi đặt ra là vì sao Bắc Kinh lại xin gia nhập vào năm Nhật Bản làm chủ tịch? Trung Quốc chắc hẳn thừa biết có những khó khăn và nghi ngờ từ phía Tokyo. Theo một số nhà phân tích, Bắc Kinh không đột ngột xin gia nhập mà đã tính toán suốt 300 ngày.
Hãy xem thời điểm mà Trung Quốc gửi đơn gia nhập (ngày 16-9). Vào ngày 1-9, ủy ban CPTPP đã kết thúc một cuộc họp và đưa ra tuyên bố chung cho biết "cuộc họp tiếp theo sẽ do Singapore chủ trì vào năm 2022". Theo tờ Nikkei Asia, đây là một sự thừa nhận của Tokyo rằng nhiệm kỳ chủ tịch của họ đã kết thúc và là điều Trung Quốc muốn nghe nhất.
Không lâu sau cuộc họp trên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Singapore và dò hỏi về quan điểm của quốc gia này. Vài ngày sau đó, Bắc Kinh nộp đơn xin gia nhập CPTPP.
Việc Bắc Kinh chọn thời điểm này dường như cũng xuất phát từ các diễn biến chính trị tại Nhật Bản và Đài Loan. Tại Nhật Bản là mùa bầu cử. Sau cuộc bầu cử chức chủ tịch LDP là cuộc tổng tuyển cử (31-10) sẽ quyết định đảng nào giữ đa số tại Hạ viện và ai sẽ là thủ tướng.
Cuộc tổng tuyển cử buộc các chính trị gia tốn nhiều thời gian cho cử tri và chương trình nghị sự trong nước hơn CPTPP. Giai đoạn này cũng sẽ chứng kiến các phát ngôn dân túy hơn và sẽ không có chỗ cho sự thỏa hiệp nếu liên quan đến lợi ích quốc gia, nhân dân.
Mặc dù khả năng cao ông Kishida và LDP sẽ tiếp tục giành chiến thắng, sớm nhất phải đến trung tuần tháng 11 các chính trị gia Nhật mới ổn định được công việc trong nước và dành thời gian cho vấn đề quốc tế. Khi đó chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết năm 2021.
Trong khi đó, tại Đài Loan, vùng lãnh thổ này chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân dự kiến diễn ra tháng 12-2021. Trong đó nổi bật là dự án điện hạt nhân, vốn đã bị đình trệ sau thảm họa Fukushima năm 2011. Đài Loan đã ngừng nhập khẩu nông sản từ các vùng Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi phóng xạ sau thảm họa.
Sau khi nộp đơn gia nhập CPTPP, giới chức Đài Bắc thừa nhận có thể phải bãi bỏ lệnh cấm này. Điều được cho là có lợi cho quá trình gia nhập CPTPP nhưng lại gây bất lợi cho đảng cầm quyền trong cuộc trưng cầu ý dân do người Đài Loan vẫn rất cảnh giác với năng lượng hạt nhân.
Như vậy, có thể thấy việc Trung Quốc đã suy tính rất kỹ khi chọn thời điểm nộp đơn gia nhập CPTPP.
Vấn đề hóc búa với Nhật
Việc Trung Quốc và Đài Loan nộp đơn xin gia nhập là một vấn đề hóc búa, thách thức khả năng lãnh đạo của Nhật Bản trong CPTPP.
Theo Nikkei Asia, trong thời gian còn lại của năm 2021, Nhật Bản cần tổ chức một cuộc họp trong nội bộ CPTPP để đánh giá quan điểm và đưa ra lập trường thống nhất cho cả nhóm. Điều quan trọng, theo Nikkei Asia, là Nhật Bản phải tách bạch vấn đề chính trị và duy trì nguyên tắc chủ đạo là chỉ các ứng viên đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn cao của CPTPP mới có thể gia nhập.
TTO - Tân chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền Nhật Bản Sanae Takaichi ủng hộ Đài Loan gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Xem thêm: mth.75294357070011202-pptpc-pahn-aig-naol-iad-oh-gnu-tahn/nv.ertiout