Sáng nay (7/10), theo đúng lịch trình, lúc 7h51 giờ Việt Nam (tức 9h51 giờ Nhật Bản), vệ tinh NanoDragon - vệ tinh thứ ba sau PicoDragon (2013) và MicroDragon (2019) do Việt Nam tự chế tạo và sản xuất, sẽ chính thức được đưa lên quỹ đạo tại địa điểm phóng là Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima, Nhật Bản.
Trước đó, sáng 1/10, lịch trình phóng tên lửa này cũng đã bị huỷ do còn tồn tại một số vấn đề kỹ thuật. Sau đó đã được phía JAXA Nhật Bản thông báo rời ngày sang sáng 7/10.
Tuy nhiên, thông tin nhận được từ buổi phát trực tiếp của JAXA vào 7h40 sáng 7/10, buổi phóng tiếp tục chưa thành công và sẽ rời ngày, lịch trình cụ thể vẫn chưa được JAXA thông báo rõ ràng.
Lý do lần này có thể đến từ điều kiện thời tiết, mức gió tại tỉnh Kagoshima hôm nay là quá lớn so với điều kiện lý tưởng để đưa tên lửa lên không gian.
Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản, tham gia phóng cùng vệ tinh của Việt Nam có tất cả 9 vệ tinh, bao gồm: vệ tinh chính là vệ tinh RAISE-2 của Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản; 4 vệ tinh lớp micro; 4 vệ tinh lớp cubesat (vệ tinh nhỏ), trong đó bao gồm NanoDragon (3,8kg) của VNSC phối hợp cùng Công ty TNHH điện tử Meisei, cùng 3 vệ tinh khác của Nhật Bản.
Về thứ tự phóng các vệ tinh ở tên lửa Epsilon 5 trên không gian, vệ tinh NanoDragon của Việt Nam sẽ là lớp tách thứ 11 - lớp tách cuối cùng của tên lửa khi đạt tới độ cao 576km với vận tốc 7,6km/s, thời gian ước tính để tới quá trình hoạt động của chính thức của NanoDragon trong lần phóng này là 1 giờ 11 phút 38 giây.
Vệ tinh là sản phẩm của Đề tài "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano" thuộc "Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016-2020" do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, nhằm thực hiện "Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 4/2/2021.
Vệ tinh có hai nhiệm vụ, trong đó thứ nhất là để chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System – AIS) sử dụng với mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển.
Thứ hai, vệ tinh NanoDragon cũng được thiết kế để nhằm xác minh chất lượng của hệ thống điều khiển, xác định tư thế vệ tinh và một máy tính tiên tiến mới được phát triển riêng dành cho vệ tinh cỡ nhỏ.
Sau 4 năm nghiên cứu và sản xuất, các nhà khoa học Việt Nam hy vọng vệ tinh NanoDragon có thể thực thi tốt nhiệm vụ thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy, giao tiếp tốt và cung cấp dữ liệu này xuống trạm mặt đất.
Từ các dữ liệu này, nếu triển khai một mạng lưới nhiều vệ tinh hơn trong thời gian tới, có thể mang lại những ứng dụng thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.