Đoàn người từ các tỉnh thành phía Nam về quê qua đèo Hải Vân giữa cơn mưa nặng hạt trưa 6-10 - Ảnh: T.LỰC
Ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh mạnh gây ra các đợt mưa rất lớn kéo dài trên diện rộng tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Trời miền Trung đang đổ mưa dầm dề. Dưới màn mưa trắng xóa, những chiếc xe máy cũ kỹ vẫn nhẫn nại quay bánh đưa những người con tha phương về lại cố hương.
Trẻ thơ trên dặm đường xa
Đèo Hải Vân, TP Đà Nẵng, trưa 6-10 mây mù dày đặc, từng cơn mưa theo gió quất vào dòng người hồi hương lạnh cắt thịt.
Trong đoàn người trở về từ TP.HCM, Bình Dương và các tỉnh phía Nam có nhiều gia đình trẻ. Các cháu bé được cha mẹ quấn áo mưa kín mít, ngồi lọt thỏm phía sau tà áo mưa che trước đầu xe hay được kẹp giữa cha và mẹ.
Chiếc xe máy như bị che khuất bởi 3-4 con người ngồi trên và từng đùm hành lý lỉnh kỉnh treo phía trước, cột phía sau. Dù đã được cha mẹ che chắn thật kín nhưng các em không tránh khỏi ướt lạnh vì những cơn mưa rát mặt suốt hành trình dài dằng dặc qua các tỉnh miền Trung trong mưa bão.
Xe dừng nghỉ giữa đỉnh đèo Hải Vân, bé Mỹ Tiên (3 tuổi) được bà và mẹ dìu vào mái tôn nghỉ lấy sức. Suốt hành trình hơn hai ngày từ TP.HCM trở về em đã thấm mệt vì thiếu ngủ và mưa gió. Mẹ con bé Tiên được nhóm thiện nguyện trên đỉnh đèo tiếp sức một túi thức ăn và sữa cùng 200.000 đồng hỗ trợ lộ phí.
Bé Tiên uống từng ngụm sữa ngon lành trong bộ áo mưa rộng quá cỡ. Dù chỉ còn chừng 30km xuôi đèo Hải Vân là đã về đến quê nhà Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, nhưng chiếc xe máy cũ đã "đình công" sau hành trình quá dài.
Sau phút nghỉ chân, nhóm thiện nguyện đưa mẹ con bé Tiên cùng mấy người khác và chiếc xe máy lên thùng xe bán tải xuôi đèo Hải Vân về quê. "Bây giờ trở về chưa biết sẽ làm gì nhưng phải về quê trước đã. Mấy tháng nay tiền trọ em còn không đóng nổi, ở lại biết bao giờ mới có công ăn việc làm!" - chị Hoàng Thị Thiên Thanh, mẹ bé Mỹ Tiên, tâm sự.
Các cháu nhỏ theo ba mẹ về quê giữa thời tiết mưa gió miền Trung - Ảnh: TẤN LỰC
Tình người không đong đếm
Những ngày này, đi dọc theo miền Trung sẽ thấy những tấm bảng có nội dung thấm đẫm tình người như nước uống, sữa, bánh mì, cháo, xúp miễn phí tặng bà con trên đường về quê.
Còn trên đỉnh đèo Hải Vân lạnh giá, hầu như tất cả các nhóm thiện nguyện của thành phố Đà Nẵng đều có mặt, dầm mưa túc trực, đón từng đoàn người hồi hương từ các tỉnh phía Nam qua đây.
Một nhóm xếp sẵn những hộp xúp, cơm gà nóng, nhóm khác trao áo mưa, khẩu trang. Còn nhóm các bạn sinh viên khẩn trương sửa xe, thay lốp cho bà con… Giữa cái giá lạnh nơi đỉnh đèo, tình người lan tỏa khiến không gian trở nên ấm áp hơn.
Từ cuối buổi sáng 6-10, chị Huỳnh Thị Tiến (36 tuổi, trú quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cùng các anh chị em nhóm thiện nguyện đã đưa xe chở đồ ăn thức uống lên đèo tiếp sức bà con về quê.
Mỗi khi xe dừng, các anh chị lại đưa cơm nước, khăn giấy cho bà con ăn uống dọc đường. Với những gia đình có con nhỏ hay người bị đau ốm, nhóm chị Tiến hỗ trợ thêm cho mỗi hộ 200.000 đồng tiền mặt.
Là thợ sửa xe máy, hai hôm nay ông Trương Văn Thái (57 tuổi) tự nguyện túc trực tại đây để sửa miễn phí cho khá nhiều xe hư hỏng dọc đường. Ngoài vá xe, bơm lốp, những xe nào cần thay nhớt, thay săm cũng được ông Thái làm miễn phí giúp bà con với mong ước đường về của họ bớt nhọc nhằn.
Tình người không đong đếm dường như đã giúp chặng đường về quê xa xôi trở nên gần hơn...
Mưa lớn, đi lại rất khó khăn - Ảnh: L.TRUNG
Thủy điện phải hạ mực nước, cấm tàu thuyền ra khơi
Tại Đà Nẵng, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố và Đài thông tin duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, khẩn trương vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.
Chiều 6-10, hàng ngàn tàu cá được tổ chức hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại âu thuyền Thọ Quang và các điểm neo đậu trú tránh bão đã được quy hoạch, bảo đảm phòng chống COVID-19.
Tại Thừa Thiên Huế, tỉnh đã ban hành lệnh cấm tàu thuyền ra khơi từ chiều 6-10, đồng thời cảnh báo các vị trí dễ xảy ra trượt lở đất tại các huyện A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông... Tỉnh đề nghị các địa phương lên phương án di dời dân cư ở những nơi dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo phương án "4 tại chỗ".
Còn tại Quảng Nam trong ngày 6-10, các huyện miền núi có mưa to, dự báo đến ngày 8-10, các địa phương trong tỉnh có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến 150 - 250mm, có nơi trên 300mm.
Cùng ngày, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Công ty CP Thủy điện Đăk Mi, Công ty Thủy điện Sông Bung tổ chức vận hành nhằm hạ dần mực nước các hồ chứa thủy điện Đăk Mi 4, Sông Bung 2 về mực nước đón lũ thấp nhất. Đồng thời yêu cầu Công ty Thủy điện Sông Tranh tổ chức vận hành đảm bảo mực nước hồ thủy điện Sông Bung 4, A Vương, Sông Tranh 2 không vượt cao trình mực nước đón lũ thấp nhất.
HỮU KHÁ - LÊ TRUNG - NHẬT LINH
Biển Đông khả năng xuất hiện liên tiếp 2 cơn bão
Tại cuộc họp trực tuyến với các bộ ngành và các tỉnh thành từ Thanh Hóa đến Phú Yên, ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ do Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức chiều 6-10, ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết áp thấp nhiệt đới đang cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300km về phía đông nam.
Ông Khiêm cảnh báo từ nay đến ngày 8-10, mưa rất to tập trung ở Quảng Bình đến Phú Yên và bắc Tây Nguyên, riêng ở khu vực Huế - Quảng Ngãi có nơi mưa đặc biệt to. Tổng lượng mưa ở Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum phổ biến 300-500mm/đợt, có nơi trên 600mm/đợt.
Dự báo từ ngày 9 đến 12-10, mưa lớn mở rộng ra các tỉnh Bắc Trung Bộ và Đồng bằng Bắc Bộ do tác động của không khí lạnh kết hợp với cơn bão số 7. Riêng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có dấu hiệu xuất hiện một đợt mưa đặc biệt lớn.
Ông Trần Hồng Thái, tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, cho biết dự báo khoảng ngày 10 đến 11-10, một đợt không khí lạnh mạnh có khả năng ảnh hưởng đến nước ta và tương tác với cơn áp thấp nhiệt đới/bão nên trong những ngày tới diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão được dự báo còn rất phức tạp, khả năng gây mưa lớn ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ.
Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhấn mạnh đợt thiên tai này hết sức nguy hiểm bởi áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có thể mạnh lên thành bão. Trong khi đó, trên vùng biển Thái Bình Dương tiếp tục có một hình thái thời tiết nguy hiểm, đang hướng vào Biển Đông, nguy cơ thành cơn bão tiếp theo. Đồng thời không khí lạnh tràn về tương tác với bão sẽ gây ra đợt mưa lũ rất lớn.
CHÍ TUỆ
TTO - Sau nghĩa cử lo hậu sự, nhang khói cho đồng bào không may mắn qua đời vì COVID-19, Bộ tư lệnh TP.HCM tiếp tục là lực lượng tham gia đưa người dân tại TP có nhu cầu về quê.
Xem thêm: mth.86582158070011202-med-gnod-gnohk-iougn-hnit-coud-yaht-euq-ev-mad-nav/nv.ertiout