Dù đã chuyển hướng chiến lược chống dịch sang thích ứng, an toàn được hơn 1 tháng nay, nhưng trên thực tế nhiều tỉnh, thành vẫn đang loay hoay để vừa đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19, vừa đưa cuộc sống của người dân và sản xuất kinh doanh về trạng thái bình thường mới. Những nhu cầu cơ bản là đi lại giữa các địa phương, vùng miền cũng như vận chuyển hàng hóa vẫn còn bị gián đoạn.
Hiện nhiều địa phương đang tiếp tục từng bước nới lỏng giãn cách, ưu tiên cho hoạt động vận tải hàng hóa để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. Tuy nhiên một số địa phương vẫn còn lo ngại dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nên chưa cho phép các phương tiện vận tải được hoạt động trở lại.
Tháo gỡ khó khăn cho vận chuyển hàng hóa
Vẫn những chuyến hàng như trước đây, nhưng hơn 2 tháng nay, ngoài giấy tờ liên quan đến phương tiện như: bằng lái xe, hóa đơn hàng hóa..., lái xe còn phải có thêm giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Nhiều địa phương yêu cầu thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm chỉ là 48 giờ, thay vì 72 giờ như quy định của Bộ Y tế; hay có nơi lái xe chỉ cần test nhanh COVID-19, nơi lại yêu cầu phải có giấy xét nghiệm PCR.
Hiện nhiều địa phương đang tiếp tục từng bước nới lỏng giãn cách, ưu tiên cho hoạt động vận tải hàng hóa để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Nếu xét nghiệm nhanh thì khoảng 30 phút đến 1 tiếng là có kết quả, kịp trả hàng, nhưng nếu phải xét nghiệm PCR thì phải chờ 7 - 8 tiếng mới có kết quả, có thể mất thêm một ngày", lái xe Lưu Quang Định chia sẻ.
Lái xe phải mất thời gian chờ đợi còn doanh nghiệp vận tải sẽ tốn thêm chi phí khá lớn nhất là khi có nhiều đầu xe. Cụ thể với Công ty Cổ phần Tiếp vận Hòa Phát, để đảm bảo cho khoảng 300 phương tiện hoạt động, mỗi ngày chi phí cho xét nghiệm khoảng 30 triệu đồng. Đó là với phương thức test nhanh, còn nếu thực hiện xét nghiệm PCR thì chi phí tăng lên gấp 2 - 3 lần.
"Rất mong các đại phương thực hiện đồng nhất theo sự chỉ đạo của Chính phủ, bởi vì trong thời gian diễn ra dịch bệnh, các doanh nghiệp đã phát sinh nhiều chi phí", ông Hoàng Cao Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiếp vận Hòa Phát bày tỏ.
Lái xe sẽ còn chán nản, bỏ nghề do mỏi mệt vì mất thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm. Có những thời điểm, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã thiếu hụt từ 40 - 50% lái xe vận tải hàng hóa.
Xe chở hàng khó lưu thông không chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp vận tải, ở phía sau đó còn là hàng hóa bị ứ đọng, người nông dân mất thu nhập, nhà máy đình trệ sản xuất, người tiêu dùng phải chịu chi phí hàng hóa cao lên khi nguồn cung khan hiếm… Những thiệt hại về kinh tế xã hội là mang tính dây chuyền và vô cùng lớn. Đó là chưa kể vận tải hành khách hiện mới chỉ hoạt động khoảng 20% công suất, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân. Để tháo gỡ, cả 2 Bộ là Giao thông vận tải và Y tế đều đã có văn bản hướng dẫn, nội dung cơ bản như sau:
Ngày 30/9, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Hướng dẫn về tổ chức hoạt động vận tải hành khách. Theo đó:
- Tại các địa phương có nguy cơ rất cao: Dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng;
- Tại địa phương có nguy cơ cao: Các phương tiện giao thông công cộng hoạt động dưới hoặc bằng 50% công suất;
- Tại địa phương có nguy cơ thấp và trung bình: Các phương tiện giao thông được hoạt động bình thường.
Ngày 3/10, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn xét nghiệm, cách ly với người di chuyển giữa các vùng nguy cơ như sau:
- Với người đi từ khu vực nguy cơ cao và rất cao đến vùng tương đương hoặc thấp hơn: Phải xét nghiệm có hiệu lực trong vòng 72h; người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi COVID-19 thì theo dõi tại nơi lưu trú 7 ngày, chưa tiêm đủ liều vaccine thì theo dõi 14 ngày; ai chưa tiêm đủ liều vaccine thì phải xét nghiệm tại nhà theo quy định;
- Người đi từ khu vực nguy cơ thấp đến khu vực nguy cơ cao hơn: Không có yêu cầu đặc biệt. Sở Y tế theo dõi, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm trong trường hợp cần thiết.
Vận tải khách công cộng chưa được hoạt động trở lại
Không chỉ vận tải liên tỉnh, mà ngay cả nội tỉnh cũng mỗi nơi ứng xử một khác. Chẳng hạn như ở Hà Nội, các hiệp hội và các đơn vị vận tải hành khách công cộng liên tục đề xuất với thành phố cho hoạt động trở lại để đảm bảo hoạt động đi lại của người dân, cũng như giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng đến giờ này tất cả cũng vẫn phải tiếp tục chờ đợi.
Ngoài việc trả tiền thuê bãi để xe vài trăm triệu đồng, hãng taxi này vẫn phải trả đều tiền lãi vay mua xe trong suốt hơn 2 tháng qua. Đây chỉ là 1 trong hơn 70 đơn vị kinh doanh taxi đang gặp khó khăn khi xe nằm yên, mà vẫn phải chi trả nhiều chi phí.
"Gần 2 vạn xe taxi đang dừng không hoạt động. Các doanh nghiệp phải đi thuê bãi đỗ xe. Chúng tôi chỉ tính đơn giản là 30.000 đồng một ngày một xe, con số đó cũng lên tới hàng tỷ đồng. Trong khi đến các cái kỳ gốc lãi ngân hàng, chúng tôi vẫn phải thanh toán", Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết.
Khôi phục vận tải là vấn đề sống còn lúc này đối với nỗ lực khôi phục sản xuất và kinh doanh. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Taxi xin phép hoạt động trở lại 50% số lượng xe của mỗi hãng và lái xe được tiêm vaccine, xe được lắp tấm chắn ngăn cách giữa lái xe với hành khách...
"Đã giao rồi, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm thì phải để cho chúng tôi tự chịu trách nhiệm, chúng tôi đưa ra hoạt động, vì đến lúc này doanh nghiệp cũng rất khó khăn. Không nên cầu toàn quá, chúng ta phải mở rộng ra để cho người dân có nhu cầu hoạt động, có phương tiện để đi", Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng nhận định.
Những ngày qua, công chúng đã được chứng kiến 2 luồng ý kiến. Một là mở lại có kiểm soát các hoạt động giao thông vận tải, bao gồm cả giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không. Một luồng ý kiến khác của các tỉnh, thành lại thận trọng, với lo ngại dịch bệnh có thể bùng phát trở lại. Giao thông giống như mạch máu trên một cơ thể, chỉ cần tắc nghẽn một vài điểm, cả hệ thống cũng trì trệ theo. Vận tải có đi thì phải có đến, không thể một bên mở, một bên đóng.
Khôi phục vận tải, trong đó có hàng không, là vấn đề sống còn lúc này đối với nỗ lực khôi phục sản xuất và kinh doanh; cần sự thống nhất xuyên suốt giữa các địa phương và ngay cả giữa chỉ đạo của các bộ ngành để sớm phục hồi nền kinh tế, đúng với tinh thần thích ứng an toàn với COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã nhiều lần yêu cầu các địa phương không tự đề ra những quy định riêng làm khó doanh nghiệp vận tải, nhưng vì sao tình hình vẫn chưa được cải thiện triệt để?
Đã 1 tuần trôi qua từ khi Bộ Giao thông Vận tải ban hành hướng dẫn, tuy nhiên cho đến nay, các địa phương vẫn tỏ ra rất thận trọng và hầu như chưa có thay đổi gì so với trước khi có hướng dẫn, phải chăng có tâm lý "sợ chịu trách nhiệm" khi cho phép các hoạt động vận tải được hoạt động trở lại khiến dịch COVID-19 có thể bùng phát trở lại?
Chỉ riêng trong vận tải đường bộ, vận chuyển hàng hóa mới hồi phục khoảng 70%, còn vận tải hành khách gần như bất động. Đâu là nguyên nhân? Cần khơi thông vận tải đường bộ như thế nào?
Câu trả lời phần sẽ được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay (8/10) với sự tham gia của ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.
VTV.vn - Theo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam có những thời điểm tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã thiếu hụt từ 40 - 50% lái xe vận tải hàng hoá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.18702403270011202-gnouhp-aid-cac-auig-tahn-gnoht-us-nac-iat-nav-gnoht-iohk/et-hnik/nv.vtv