Tròn một năm sau Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các doanh nghiệp công nghệ, số doanh nghiệp công nghệ mới xuất hiện thêm là gần 13.000 doanh nghiệp, tương đương với 28% của suốt 30 năm qua.
Tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam diễn ra sáng 23/12, thông điệp "Make in Việt Nam" đã một lần nữa được khẳng định, Việt Nam sẽ không chọn làm đại công xưởng của thế giới, sẽ không phải thị trường 100 triệu người làm thuê, là gia công, là lắp ráp…, mà Việt Nam sẽ vươn lên gia nhập nhóm người dẫn đầu.
Năm 2020 là một năm khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, tuy nhiên, Việt Nam là một trong những điểm sáng khi vẫn duy trì tăng trưởng dương. Mọi hoạt động kinh tế, xã hội chỉ gián đoạn trong thời gian ngắn, nhưng nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới, nhất là có bước tiến của các doanh nghiệp công nghệ.
Để bắt kịp và đưa những công nghệ hàng đầu vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam cần huy động nguồn lực toàn xã hội. (Ảnh minh họa: Dân trí)
"Khát vọng của người Việt Nam là tự bước, làm chủ công nghệ, quan trọng là chủ động sáng tạo ra các giải pháp mới, chủ động thiết kế và làm ra những sản phẩm mới có chứa hàm lượng, trí tuệ của người Việt Nam", Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định.
Sau 1 năm, "Make in Viet Nam" không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành kim chỉ nam cho hành động của cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ số. Các doanh nghiệp lớn đều lần lượt chuyển đổi mô hình, tiếp cận và làm chủ các công nghệ lõi.
Ngay trong năm 2020, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã dần làm chủ các công nghệ mới nhất trên thế giới như: 5G, Big Data, AI... Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, các doanh nghiệp công nghệ số sẽ tiếp tục là đội tiên phong, là nòng cốt trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể sớm đạt được vào năm 2025.
Huy động nguồn lực toàn xã hội để chuyển đổi số
Trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19 và chuyển đổi cuộc sống sang trạng thái bình thường mới, gần 40 nền tảng chuyển đổi số quốc gia đã ra đời, có thể kể đến như: Bluezone, NcoV hay nền tảng dữ liệu quốc gia Datagov... Việt Nam thuộc nhóm quốc gia dẫn đầu trong chuyển đổi số thời COVID-19.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nếu không làm chủ công nghệ, nếu không "Make in Viet Nam" thì khó có thể làm được như vậy, bởi ngày nay phản ứng nhanh là yếu tố sống còn. COVID-19 vừa là khó khăn, vừa là cú hích đưa các doanh nghiệp Việt Nam thoát khỏi quán tính cũ và đẩy nhanh chuyển đổi số.
Các công ty công nghệ lớn trên thế giới đều đã đi trước 20 năm phát triển những công nghệ hàng đầu, tích lũy dữ liệu và ứng dụng máy học.
Các doanh nghiệp lớn đều lần lượt chuyển đổi mô hình, tiếp cận và làm chủ các công nghệ lõi. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Theo các chuyên gia, để bắt kịp và đưa những công nghệ hàng đầu vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam sẽ cần huy động nguồn lực toàn xã hội.
Hợp tác, bắt tay giữa các doanh nghiệp trở thành một xu thế. Mỗi doanh nghiệp một giải pháp để cùng giải một bài toán chung của xã hội, của quốc gia.
"Đây là thời điểm lịch sử để các doanh nghiệp Việt Nam bắt tay nhau đưa ra các sản phẩm, các nền tảng, các ứng dụng để chuyển đổi số", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh an toàn thông tin để bảo vệ người Việt trên không gian số cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Đến nay, Việc Nam đã làm chủ 90% sản phẩm trong lĩnh vực an ninh mạng. Có những sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn quốc tế tuyệt đối với số điểm 100%.
Chiều 23/12, trong các phiên thảo luận mở, nhiều chuyên gia đầu ngành về công nghệ số đã hiến kế để Việt Nam bứt phá nhanh hơn nữa, tranh thủ bước đà chuyển đổi số trong xã hội để tiếp tục thay đổi và tạo ra nhiều giá trị mới. Chính phủ cũng đặt niềm tin lớn vào cộng đồng công nghệ số, mục tiêu trong những năm tiếp theo tăng trưởng công nghệ số sẽ phải gấp đôi tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Nỗ lực ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh và chăm sóc khách hàng, ngành điện Việt Nam đang dần hiện thực hóa mục tiêu là tập đoàn hàng đầu khu vực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.15444013232210202-cuc-hcit-na-uad-ueihn-man-teiv-os-iod-neyuhc-man-tom/et-hnik/nv.vtv