Các doanh nghiệp chấn chỉnh nội bộ sau khi nhận chỉ trích gay gắt
Thời gian vừa qua, mạng xã hội Trung Quốc dậy sóng bởi thông tin việc Erine - nhân viên của hãng gọi xe Trung Quốc Didi - đăng ảnh chụp mắt trái và miệng bị sưng (những vết thương do bị khách hàng tấn công tình dục) lên mạng xã hội.
Người phụ nữ này cáo buộc cô bị ép tham gia cuộc nhậu từ nhà hàng này sang nhà hàng khác. Sau đó là việc khách hàng sàm sỡ cô ấy trên ghế sau của một chiếc xe hơi, rồi một lần nữa trong phòng khách sạn.
Vào tháng 8/2021, một nhân viên của Alibaba Group Holding Ltd. đã công khai tố cáo người quản lý của mình quấy rối tình dục sau một đêm uống rượu say. Alibaba đã sa thải người quản lý bị tố cáo. Ngoài ra, hai giám đốc điều hành cấp cao đã từ chức do liên quan đến tình huống này.
Khi sự việc đó lan truyền trên mạng, Erine bắt đầu chia sẻ lại sự việc của mình trên Weibo. Lần này, người dùng mạng xã hội đã truy cập vào tài khoản của cô và đăng lại các cập nhật của cô ấy.
Trường hợp của Alibaba, Didi đang kích hoạt sự phản ứng dữ dội với văn hóa doanh nghiệp được xây dựng xung quanh việc rượu chè bê bối và hành vi lạm dụng.
Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tung ra một loạt chỉ trích liên quan đến việc quấy rối nhân viên nữ với quan hệ tiệc rượu của công ty.
"Văn hóa bàn rượu đã trở thành lá chắn cho việc quấy rối tình dục nơi công sở, biến bàn tiệc thành nơi mà các cấp trên có thể sử dụng quyền lực của mình để sàm sỡ người khác, và thậm chí gây ra các vụ việc tồi tệ một cách bất hợp pháp", hãng thông tấn quốc doanh China News Service viết trong một bài bình luận hồi tháng 8.
Bloomberg News đã tiếp cận được các tài liệu, bao gồm báo cáo của cảnh sát, báo cáo của công tố viên địa phương và báo cáo của bệnh viện mô tả những vết thương của những nhân viên nữ. Trong đoạn ghi âm cuộc trò chuyện giữa một nhân viên và khách hàng tại đồn cảnh sát mà Bloomberg News sở hữu, vị khách hàng này dường như phủ nhận hành vi sai trái, nói rằng cô ta bị ngã và anh này đã bế cô ấy lên phòng khách sạn của mình.
Sau khi vụ việc của Alibaba được lan truyền rộng rãi, Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương (cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc) đã chỉ trích Alibaba có văn hóa làm việc tồi tệ.
Vào tháng 8/2021, Alibaba đã bắt đầu một cuộc điều tra nội bộ, thiết lập đường dây nóng về các khiếu nại quấy rối tình dục và thành lập một ủy ban cấp cao để giải quyết các tranh chấp trong tương lai.
Nhưng kể từ khi các cáo buộc của Alibaba xuất hiện trên các mặt báo, nhiều phụ nữ đã cùng nhau xuất hiện trên mạng xã hội để chỉ ra sự phân biệt giới tính mà họ cho là đặc trưng của giới kinh doanh Trung Quốc và đặc biệt là đối với ngành công nghệ của nước này.
Công ty công nghệ Sina Corp ở Bắc Kinh (công ty kiểm soát Weibo), cho biết họ đã bổ sung các điều khoản mới chống quấy rối tình dục. Vào ngày 13/8/2021, IQiyi Inc. cũng làm điều tương tự.
Ban lãnh đạo tập đoàn Dalian Wanda Group Co. đã tổ chức cuộc họp để công bố các chính sách mới vài ngày sau khi có tin tức về vụ việc Alibaba, họ nói rằng nhân viên nữ không nên đi cùng khách hàng để uống rượu, cũng như nhân viên nam và nữ không nên đi công tác với nhau. Mục đích là để tránh các vụ bê bối mặc dù công ty không có văn hóa uống rượu bắt buộc.
Văn hóa nội bộ thâm căn cố đế
Tuy nhiên, thay đổi khó có thể xảy ra trong một sớm một chiều. Văn hóa nội bộ dung túng cho người quản lý sử dụng quyền lực để yêu cầu nhân viên nữ chấp thuận các hành vi liên quan đến lạm dụng. Nếu từ chối, những người này không được gia hạn hợp đồng, với lý do hiệu suất kém. Khi tìm việc, một nhà tuyển dụng sẽ hỏi nữ ứng viên uống rượu giỏi như thế nào và không giấu giếm lời nhận xét về ngoại hình của cô ấy.
Các công tố viên từng bác bỏ cáo buộc chống lại cựu giám đốc Alibaba, người bị cáo buộc quấy rối vào đầu tháng 9, nói rằng họ không thể chứng minh hành vi của anh ta có đủ để phạm tội hình sự hay không. Cũng trong tháng 9, một tòa án ở Bắc Kinh đã bác bỏ đơn kiện của một cựu thực tập sinh tại đài truyền hình nhà nước Trung Quốc, người nói rằng một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng đã quấy rối tình dục cô ấy vào năm 2014.
Mặc dù có cơ sở pháp lý nhưng các quy tắc nội bộ không đảm bảo các công ty có chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra tại địa điểm tiếp đón khách hàng hay không.
Erine, người phụ nữ đưa ra cáo buộc chống lại khách hàng Didi, cho biết ngay sau khi cảnh sát bỏ cuộc điều tra, sếp của cô ấy bắt đầu thường xuyên yêu cầu cô ấy đi công tác một mình với anh ta và đề nghị các cuộc họp trong phòng khách sạn của anh ta. Hiện cô đã rời công ty ba tháng sau khi tố cáo bị quấy rối và vẫn chưa tìm việc.
Mặc dù vậy, các cựu nhân viên sử dụng mạng xã hội cáo buộc quấy rối tình dục đã dẫn đến phản ứng dữ dội từ cư dân mạng Trung Quốc và tạo hiệu ứng cho các phương tiện truyền thông nhà nước chống lại văn hóa ép uống rượu tại nơi làm việc, buộc các công ty phải hành động.
Ứng Minh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị