Vậy đâu là giải pháp? Rất đơn giản: Hãy tạo ra thói quen liên hệ mọi công việc với một mục tiêu. Bất cứ khi nào bạn bắt đầu một việc gì đó, hãy tự hỏi bản thân liệu công việc đó có phù hợp với kế hoạch dài hạn của bạn không. Nếu nó liên quan trực tiếp đến một mục tiêu đã được viết ra, thì bạn hãy dành thời gian để thực hiện nó. Song, nếu nó không hề liên quan đến một mục tiêu cụ thể nào, thì đừng ngần ngại ủy quyền hay bỏ qua nó hoàn toàn.
Bạn có thể áp dụng thói quen này bằng cách thường xuyên đặt ra những mục tiêu S.M.A.R.T., là viết tắt của: Cụ thể (Specific), Đo lường được (Measurable), Có thể đạt được (Attainable), Liên quan (Relevant) và Giới hạn thời gian (Time-bound).
Đây là cách nó vận hành:
Cụ thể
Bạn có 6 câu hỏi: Ai, Cái gì, Ở đâu, Khi nào, Cái nào và Tại sao. Việc trả lời những câu hỏi trên sẽ cung cấp cho bạn cách nhanh nhất để tạo ra một mục đích rõ ràng với một kết quả có thể đo lường được:
* Ai: Ai có liên quan?
* Cái gì: Bạn muốn đạt được cái gì?
* Ở đâu: Bạn sẽ hoàn thành mục tiêu ở đâu?
* Khi nào: Khi nào bạn muốn thực hiện nó?
* Cái nào: Những yêu cầu và hạn chế nào có thể xuất hiện khi bạn thực hiện nhiệm vụ? * Tại sao: Tại sao bạn làm nó?
Đây là một ví dụ điển hình về một mục đích cụ thể:
“Vào ngày 16 tháng 5, tôi sẽ gửi đến cấp trên của tôi một bài thuyết trình vô cùng ấn tượng kéo dài 15 phút, trong đó cập nhật về dự án Nexus.”
Ví dụ này cực kỳ rõ ràng. Đến cuối ngày 16, bạn sẽ biết bạn có đạt được nó hay không. Đo lường được.
Khía cạnh thứ hai trong việc đặt ra mục tiêu S.M.A.R.T. là tạo ra một kết quả có thể đo lường được. Một lúc nào đó, bạn muốn biết – mà không hề nghi ngờ – rằng bạn đã đạt được mục tiêu.
Ví dụ, “Thuyết trình” không phải là một kết quả có thể đo lường được. Trong khi đó, “Thuyết trình 15 phút” lại có thể đo lường.
Hãy cụ thể hóa hết mức có thể những mục tiêu của bạn. Đừng chỉ nói bạn sẽ “học cách nói trước đám đông.” Thay vào đó, hãy tạo ra hàng loạt thước đo mà tập trung vào sự cải thiện liên tục.
Có thể đạt được
Hãy chắc rằng những mục tiêu của bạn là những mục tiêu có thể đạt được. Hãy đặt ra những mục tiêu mang tính thách thức, nhưng có thể được hoàn thành nếu nỗ lực. Với ví dụ trên, bạn không nên đặt ra mục tiêu thuyết trình tại một hội nghị quốc gia trong một khoảng thời gian quá ngắn nếu bạn chưa bao giờ diễn thuyết trước đám đông. Một mục tiêu khả quan hơn đó là hãy trình bày thật tốt trước một lượng khán giả nhỏ hoặc trong một sự kiện nhỏ tại địa phương.
Điều đó không có nghĩa là bạn nên tránh theo đuổi những mục tiêu lớn. Mỗi khi hoàn thành một
nhiệm vụ gì đó, hãy tạo ra mục tiêu mới, thách thức hơn. Hãy liên tục thúc đẩy bản thân bằng những việc mà bạn nghĩ rằng nó khả thi với cuộc sống của bạn. Có thể chỉ một năm, bạn sẽ thấy bản thân mình đang đứng trên bục diễn giả của một hội nghị quốc gia ấy chứ.
Liên quan
Mọi mục tiêu đều cần phải liên quan đến những gì bạn muốn. Bạn không nên làm chúng theo nguyện vọng của bố mẹ, chồng/vợ hoặc bạn bè. Chúng chỉ nên tập trung vào những kết quả mà bạn thực sự mong mỏi mà thôi.
Bạn sẽ cần phải trở thành người thích hành động. Khi các mục tiêu xuất phát từ đam mê cá nhân thì hoàn thành chúng hàng ngày sẽ dễ hơn nhiều.
Giới hạn thời gian
Hãy ép những mục tiêu của bạn vào một khung thời gian cụ thể. Bạn có thể đặt ra hai mục tiêu: Một mục tiêu ngắn hạn cho tháng tới và một mục tiêu dài hạn cho ba tháng. Việc đặt ra mục tiêu sẽ giúp chúng luôn được xếp vị trí hàng đầu trong tâm trí bạn và tăng khả năng thành công của chúng.
Một mục tiêu không phải là, “Tôi sẽ thuyết trình.” Thay vào đó, nó phải giống như: “Vào ngày 16 tháng 5, tôi sẽ thuyết trình một bài ấn tượng dài khoảng 15 phút cho sếp của tôi.”
Không phải chỉ nên đặt ra mục tiêu trong công việc. Trên thực tế, nó nên là một phần trong mọi quyết định mà bạn đưa ra trong cuộc sống. Hãy nhớ, bạn đang cố gắng vượt qua sự trì hoãn, vì vậy, bạn cần phải nhìn vào mỗi nhiệm vụ và xem liệu nó có phù hợp với những kế hoạch dài hạn của bạn hay không. Điều này có nghĩa là bạn nên thiết lập những mục tiêu cho từng điều sau đây: Học tập, Kinh doanh, Sức khỏe, Sở thích và giải trí, Những mối quan hệ, Tài chính,...
Bạn không cần phải tập trung vào tất cả những điều trên cùng một lúc. Thay vào đó, sẽ tốt hơn nếu bạn tạo ra những mục tiêu cho từng lĩnh vực trong cuộc sống mà hiện tại có một ý nghĩa mang tính cá nhân.
Cuối cùng, bạn nên hiểu sự khác nhau giữa hai dạng mục tiêu và cách chúng tác động đến khả năng hoàn thành mọi việc của bạn.
Dạng mục tiêu đầu tiên là mục tiêu thành tích, trong đó bạn tập trung vào sự cố gắng, chứ không phải kết quả. Mặc dù bạn muốn đạt được một cột mốc cụ thể nào đó, bạn cũng không coi là thất bại nếu không đạt đến được nó. Ví dụ, một mục tiêu hiệu suất sẽ kiểu như sau: “Vào ngày 1 tháng 6, tôi sẽ có một cuốn sách hoàn chỉnh gồm 15.000 từ được xuất bản trên nền tảng Kindle của Amazon.”
Dạng thứ hai là mục tiêu kết quả, trong đó bạn muốn đạt được một kết quả cụ thể, có thể đo lường được. Mặc dù thành tích cũng rất quan trọng, nhưng mối quan tâm chính của bạn sẽ là đạt được con số đó. Nếu bạn không đạt được, thì mục tiêu của bạn coi như thất bại. Lấy một ví dụ, bạn có thể điều chỉnh ví dụ trên như sau: “Vào ngày 1 tháng 6, tôi sẽ có một cuốn sách trên Amazon Kindle với doanh số trung bình 10 cuốn một ngày.”
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị