Những ngày gần đây, Li Dong đang bận rộn trang trí nhà hàng thịt nướng mới của mình tại khu vực phía bắc Đồng bằng sông Châu Giang. Nơi này đang dần nhộn nhịp trở lại sau 2 năm Samsung đóng cửa nhà máy sản xuất smartphone vốn hoạt động gần 3 thập kỷ.
Quyết định của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc về việc chuyển khu phức hợp sang Việt Nam vào tháng 10/2019 đã ảnh hưởng lớn đến khu Jinxinda ở thành phố Huệ Châu (Quảng Đông). Đây cũng là nhà máy sản xuất smartphone cuối cùng của Samsung ở Trung Quốc.
Ở thời điểm đó, các hộ kinh doanh gần nhà máy Samsung - từ nhà hàng cho đến các cửa hàng, đều đóng cửa. Giá bất động sản khu vực này cũng lao dốc. Khi không có bất kỳ một nhà sản xuất mới tiềm năng nào xuất hiện để "lấp đầy chỗ trống", thì ít nhất 60% các hộ kinh doanh gần đó gần như đã đóng cửa.
Li chia sẻ: "Khi đó, 8 trong số 10 phòng trọ đều trống trơn. Tất cả chúng tôi đều than vãn rằng người dân địa phương sẽ không thể kiếm sống nếu không có nhà máy của Samsung. Nhưng bây giờ, hàng chục nhà hàng nhỏ và vừa đang mở cửa."
Một loạt cửa hàng ở Huệ Châu đỡ mở cửa trở lại.
Ông nói, các chủ nhà ở khu vực này không còn lo ngại về tình trạng "ế" nhà, khi chuẩn bị cho sự xuất hiện của hàng nghìn công nhân khác.
Nhà máy rộng 120.000 m2 từng là địa điểm hoạt động của Samsung vẫn ở đó. Tuy nhiên, logo màu xanh của công ty đã được thay thế bằng biểu tượng của TCL Tonly - nhà cung cấp dịch vụ sản xuất của Trung Quốc trong ngành thiết bị nghe nhìn. Đây là công ty con của tập đoàn điện tử tiêu dùng TCL với hơn 75.000 nhân sự trên toàn cầu.
Sau gần 4 tháng đi vào sản xuất từ ngày 5/7, bộ phận tuyển dụng của TCL vẫn làm việc chăm chỉ như những chú ong thợ. Một nhân viên tuyển dụng chia sẻ: "Miễn là bạn khỏe mạnh, bạn có thể làm việc ngay ngày mai. Nhà máy đã có 2.000 công nhân làm việc và chúng tôi cần nhiều vị trí hơn nữa."
Tốc độ thuê nhân sự tại nhà máy này đang đặt ra câu hỏi về quyết định di dời của Samsung. Việc Samsung chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam diễn ra vào thời điểm thương chiến Mỹ - Trung đang căng thẳng. Do đó, họ tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Nhà máy Samsung ở Huệ Châu vào tháng 6/2019.
TCL "tiếp quản" nhà máy của Samsung.
2 năm trôi qua, thuế quan thương mại mà cựu Tổng thống Donald Trump áp dụng cùng tác động của dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề cho ngành sản xuất của Trung Quốc. Song, tốc độ dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc vẫn chậm hơn đáng kể so với dự kiến. Dù việc "tách rời" của Mỹ và Trung Quốc mang lại lợi ích cho bên nào, thì rõ ràng rằng những bên tham gia vào chuỗi cung ứng vẫn rất thận trọng và do dự trong việc di dời sản xuất.
Theo Liu Kaiming - chủ tịch Institute of Contemporary Observation, xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc sẽ diễn ra nhưng với tốc độ và động lực chậm hơn nhiều. Ngoài ra, trong bối cảnh xu hướng tự động hóa đang bùng nổ, thì chi phí lao động chỉ chiếm chưa đến 10% tổng chi phí trong hầu hết các ngành ở Trung Quốc và tâm lý lo ngại về thuế quan cũng đã giảm đáng kể.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và khó có thể dễ dàng bị thay thế bởi các quốc gia Đông Nam Á. Tháng trước, Foxconn đã gấp rút tuyển dụng thêm 200.000 công nhân tại cơ sở ở Trịnh Châu để tăng cường sản xuất iPhone.
Gao Zhendong - nhà đầu tư và nhà tư vấn giúp các nhà sản xuất Trung Quốc tìm hiểu các khu công nghiệp ở Việt Nam trong những năm gần đây, cho biết: "Theo tôi nhận thấy, các nhà cung cấp vừa và nhỏ vẫn chưa thực hiện kế hoạch di dời hoặc một số còn hủy bỏ. Nguyên nhân là do những doanh nghiệp đã chuyển phần lớn năng lực sản xuất sang Đông Nam Á lại chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch."
Một số công ty như Strategic Sports đã thay đổi hoàn toàn kế hoạch di dời. Cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm của họ ở Đông Quan (Quảng Đông) vẫn đang hoạt động rất sôi nổi. Họ cũng có kế hoạch mở rộng hoạt động sang nhà máy tự động mới ở Huệ Châu - địa điểm của nhà máy cũ của Samsung.
Tham khảo SCMP