Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, việc đạt đến ngưỡng hay còn gọi là trạng thái “kỳ lân” không chỉ là mong ước mà còn là mục tiêu hàng đầu.
Không dễ để trở thành “kỳ lân”
Đạt đến ngưỡng “kỳ lân” cũng đồng nghĩa là startup đã phát triển đến một quy mô và giá trị lớn, thu hút được nhiều vốn đầu tư và đã khẳng định được vị thế, thương hiệu của mình trên thị trường (trong nước và quốc tế).
Tuy nhiên, trên thực tế để đến được trạng thái “kỳ lân” (giá trị doanh nghiệp đạt từ 1 tỉ USD trở lên) không dễ và càng khó để trở thành “siêu kỳ lân” (giá trị doanh nghiệp từ 10 tỉ USD trở lên).
Trên thế giới, hai quốc gia có nhiều “siêu kỳ lân” nhất là Mỹ và Trung Quốc. Ở Đông Nam Á, quốc gia có nhiều “siêu kỳ lân” nhất là Indonesia.
Việt Nam mới chỉ góp mặt ở bảng “kỳ lân”, với cái tên đầu tiên chính là Công ty Cổ phần VNG, sau đó tới cái tên thứ hai là VNLife - doanh nghiệp sở hữu ứng dụng thanh toán trực tuyến có giá trị tỉ đô VNPay.
Một số người cũng xếp trường hợp FPT vào cùng chiếu “kỳ lân” với hai doanh nghiệp trên. Tuy nhiên, thời FPT mới khởi nghiệp, khái niệm startup chưa phổ biến. Sau khi khái niệm này phổ biến, FPT cũng đã qua khỏi trạng thái startup.
Tuy nhiên, Việt Nam đã nhanh chóng có “kỳ lân” thứ ba chính là Công ty Sky Mavis - doanh nghiệp đang sở hữu game tỉ đô Axie Infinity, là thể loại game NFT “chơi kiếm tiền” (play to earn) phát triển trên nền tảng công nghệ chuỗi khối blockchain.
Cách đây vài ngày, Sky Mavis công bố đã hoàn tất vòng gọi vốn series B với hơn 150 triệu USD và doanh nghiệp này được định giá là 3 tỉ USD.
Sở dĩ để trở thành “kỳ lân” quá khó vì có đến trên 90% các startup thất bại, số còn có thể tồn tại độc lập hoặc sáp nhập, nhưng nhiều khi không thể đạt đến được trạng thái “kỳ lân”.
Minh chứng là từ năm 2004 đến nay, Việt Nam mới chỉ có 3 “kỳ lân” công nghệ trong khi số startup công nghệ hoặc kinh doanh trên các nền tảng, giải pháp công nghệ lên đến hàng ngàn.
Rút ngắn thời gian đến ngưỡng tỉ USD
Công ty VNG được thành lập năm 2004 tiền thân tên là VinaGame. Đến năm 2014, đúng 10 tuổi, VNG đã được trạng thái “kỳ lân” với giá trị doanh nghiệp được xác định cán ngưỡng tỉ đô.
Từ năm 2014 đến nay, giá trị vốn hóa của VNG không ngừng tăng lên nhưng đến nay cũng chỉ được xác định khoảng hơn 2 tỉ USD.
Trong khi đó, VNLife được thành lập năm 2007, đến năm 2019 doanh nghiệp này được xác định đạt ngưỡng giá trị doanh nghiệp tỉ đô sau thương vụ nhận khoản vốn đầu tư 300 triệu USD từ một số quỹ đầu tư nước ngoài. Như vậy, hành trình này mất khoảng 12 năm.
Với Sky Mavis, hành trình đạt đến ngưỡng tỉ đô là một sự đột phá lớn. Công ty này được thành lập năm 2018 có trụ sở đặt tại TPHCM. Đến năm 2020, với sự tăng trưởng mạnh mẽ lượng người chơi, giá trị giao dịch trong game cũng như đồng tiền số tiện ích AXS của game này, giá trị của Sky Mavis đã nhanh chóng đạt đến trạng thái “kỳ lân” chỉ trong vòng khoảng 2 năm, rút ngắn từ 80-90% thời gian để trở thành “kỳ lân” của doanh nghiệp startup Việt.
Chưa hết, với giá trị doanh nghiệp được xác định 3 tỉ USD trong vòng gọi vốn vừa hoàn tất, Sky Mavis đã vượt qua cả 2 “đàn anh” là VNG và VNLife về giá trị vốn hóa. Hiện mỗi tháng, giá trị giao dịch trong game Axie Infinity đạt đến hàng trăm triệu USD, trong đó doanh nghiệp này thu được khoảng 17% giá trị giao dịch cũng lên tới hàng chục triệu USD.
Và cũng hơn hẳn 2 “đàn anh”, Sky Mavis là game Việt đầu tiên đứng đầu bảng loại game NFT trên thế giới, đồng thời cũng ghi kỷ lục là game NFT đầu tiên có giá trị giao dịch vượt ngưỡng 1 tỉ USD.
Xem thêm: odl.945169-oas-ar-dsu-it-nal-yk-gnougn-ned-hcac-gnaohk-nagn-tur-teiv-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.gnodoal