Ngày 8/10, Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra dự án Luật Cảnh sát cơ động tại phiên họp toàn thể lần thứ 2.
Báo cáo về Dự án Luật, Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động nói, sau bảy năm thi hành "đã đến lúc nâng cấp Pháp lệnh Cảnh sát cơ động lên Luật Cảnh sát cơ động".
Dự thảo Luật gồm 5 chương, 31 điều, xây dựng 4 chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua. Dự thảo nêu quy định 7 quyền hạn của Cảnh sát cơ động, trong đó bổ sung hai quyền mới.
Thứ nhất, cảnh sát cơ động được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm có sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và sử dụng tàu bay riêng do cấp có thẩm quyền huy động để kịp thời cơ động giải quyết vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.
Thứ hai, cảnh sát cơ động được ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc tin đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của cảnh sát cơ động.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát cơ động với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Việc nâng cấp Pháp lệnh Cảnh sát cơ động lên thành Luật cũng sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập sau 7 năm thực hiện. Điều này tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, góp phần xây dựng cảnh sát cơ động tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.
Theo thiếu tướng Đức, tờ trình của Chính phủ đã thể hiện rõ đặc thù của cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang chiến đấu tập trung, sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu; được trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật đặc chủng, hiện đại; phương án tác chiến đặc biệt. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ những quy định mới của dự thảo luật so với pháp luật hiện hành để tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật và bảo đảm thuận lợi trong tổ chức thực hiện khi luật được ban hành.
Đa số các đại biểu tán thành với dự thảo Luật, tuy nhiên, nhiều người đề nghị Ban soạn thảo tục chỉnh lý về kỹ thuật để phân định rõ hơn vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành; quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các trường hợp được "ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái"...
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang, Điều 16 của Luật Công an nhân dân quy định lực lượng Công an nhân dân có nhiệm vụ và quyền hạn áp dụng 7 biện pháp (trong đó có biện pháp vũ trang) để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội... Như vậy, việc sử dụng biện pháp vũ trang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được quy định đối với tất cả lực lượng trong Công an nhân dân chứ không chỉ cảnh sát cơ động. Do đó, dự thảo sử dụng cụm từ "chuyên trách thực hiện biện pháp vũ trang" trong việc xác định vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động là chưa chính xác và gây nhiều tranh luận không cần thiết.
Về hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động, dự thảo nêu hai phương án để xin ý kiến của Quốc hội. Phương án 1, quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động gồm Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và cảnh sát cơ động Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Phương án 2, ngoài quy định về hệ thống tổ chức như tại phương án 1 thì còn quy định về cơ cấu lực lượng của cảnh sát cơ động với 6 lực lượng cụ thể là lực lượng đặc nhiệm, tác chiến đặc biệt, bảo vệ mục tiêu, lực lượng sử dụng tàu bay, tàu thủy, lực lượng huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ và lực lượng cảnh sát cơ động dự bị chiến đấu.
Theo ông Giang, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với phương án 1 vì thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân, đồng thời, quy định này cũng tương tự với quy định về hệ thống tổ chức của một số lực lượng khác như lực lượng cảnh vệ, lực lượng cảnh sát biển, lực lượng bộ đội Biên phòng.
Đối với Phương án 2, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự thảo Luật cần bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18 của Trung ương Đảng khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. "Cần tránh làm "phình" tổ chức, bộ máy của cảnh sát cơ động.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đồng tình với việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động vì sẽ tạo cơ sở hành lang pháp lý cho hoạt động của Cảnh sát cơ động, qua đó nâng cao hiệu quả và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác này. Tướng Phương yêu cầu, việc nâng Pháp lệnh Cảnh sát cơ động thành Luật Cảnh sát cơ động cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, bám vào Điều 14 của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân. Cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật tiếp thu ý kiến của để tổng hợp lại trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 khai mạc 20/10.
Pháp lệnh Cảnh sát cơ động được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23/12/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cảnh sát cơ động phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang xử lý kịp thời, có hiệu quả các hoạt động gây phương hại đến an ninh, trật tự, biểu tình, bạo loạn; trấn áp các đối tượng phạm tội nguy hiểm, đấu tranh triệt phá các chuyên án, các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, hội nghị, sự kiện chính trị quan trọng...
Xem thêm: lmth.8829634-gnod-oc-tas-hnac-ohc-meihn-hcart-gnat-taux-ed/ten.sserpxenv