Quá nửa lực lượng lao động của các khu công nghiệp, chế xuất ở các tỉnh, thành phía Nam chưa thể trở lại nhà máy. Trong khi đa số các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang mở rộng sản xuất, kịp hoàn thành đơn hàng cho những tháng cuối năm.
Những ngày qua các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi tỉnh đã đón hàng chục nghìn người dân từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... trở về.
Nhiều người không khỏi xót xa với những hình ảnh 1 chiếc xe máy đi hàng trăm, hàng nghìn km chở gia đình về quê. Hình ảnh từng đoàn người rời các tỉnh, thành phía Nam về quê được xem như là tình thế "tiến thoái lưỡng nan" khi họ không còn lựa chọn khác.
Người dân tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận về quê bằng xe cá nhân. (Ảnh: TTXVN)
Người dân rời quê cũng chỉ vì sinh kế, nhưng nay sinh kế đã mất, buộc họ phải trở về. Họ đang để lại khoảng trống rất lớn trong khu xưởng, nhà máy, khu công nghiệp, trong khi nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp phục hồi trở lại.
Nhu cầu lao động tăng cao
Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động đang tăng trở lại. Tại TP Hồ Chí Minh, chỉ trong 3 ngày đầu tháng 10, số doanh nghiệp hoạt động là hơn 5.200 doanh nghiệp. Đến ngày 6/10, con số doanh nghiệp hoạt động đã lên 9.200 doanh nghiệp.
Trong tuần qua, số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt mức gần 60%, với các khu công nghiệp là trên 70%.
Đối với tỉnh Bình Dương, khoảng 85% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp đã hoạt động trở lại.
Tại tỉnh Đồng Nai, gần 10 ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 100 doanh nghiệp đăng ký mới, bổ sung lao động để từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh. Dự kiến trong tháng 10, chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất khẩu sẽ tăng.
Nhiều rào cản để phục hồi lại lực lượng sản xuất
Dịch bệnh và giãn cách xã hội đã khiến nhiều lao động rời các khu công nghiệp về quê, thay đổi công việc. Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), dự kiến sẽ chỉ có khoảng 60 - 70% số lao động về quê quay trở lại làm việc. Điều này sẽ tạo nên một nghịch lý lớn về cung cầu lao động. Đó là các thành phố lớn tập trung nhiều khu công nghiệp, chế xuất sẽ thiếu hụt lao động để phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong khi đó, một số địa phương lại dư thừa nhân lực. Do vậy, thách thức là rất lớn để phục hồi lại được lực lượng sản xuất cho nhà máy.
Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, lượng công nhân thiếu hụt là hơn 40%. Trong lúc đó, nhiều người lao động ngoại tỉnh vẫn có nhu cầu được về quê.
"Phát huy được vai trò của an sinh tốt thì việc người lao động rời thành phố sẽ giảm. Quận 7 có khoảng 30 trường hợp, sau khi chúng tôi động viên, vận động thì họ đồng tình ở lại thành phố, cùng với thành phố tiếp tục vượt qua", ông Võ Khắc Thái, Bí thư Quận ủy quận 7, TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, lượng công nhân thiếu hụt là hơn 40%. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 3 ở mức 3,72%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2020. Dù tỷ lệ lao động mất việc tăng cao, nhưng các doanh nghiệp lại đang thiếu lao động để phục hồi sản xuất.
Còn với ngành xây dựng, việc công nhân quay lại làm việc cũng gặp nhiều rào cản, khi ngành sử dụng đến 70 - 80% lao động là lao động tự do.
"Lao động ngành xây dựng có đặc thù là hộ khẩu không ở địa phương mà có công trình, ngoài ra, công ty làm nhà thầu thì cũng không có địa chỉ đăng ký ở địa phương nơi có dự án. Vì vậy, trong quá trình xem xét tiêm vaccine, lực lượng xây dựng lại không trong diện được quan tâm", Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho hay.
"Khả năng cung không đủ cầu là chắc chắn, vì dịch bệnh vẫn còn, chưa chấm dứt, tâm lý của lao động vẫn còn e ngại. Mặt khác nếu doanh nghiệp hoạt động trở lại thì số lao động cũ quay lại sẽ không đủ, doanh nghiệp bắt buộc phải tuyển mới. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động sau khi doanh nghiệp hoạt động trở lại", Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bình Dương Huỳnh Văn Lộc nhận định.
Theo khảo sát mới đây của đơn vị tư vấn tuyển dụng Manpower Group, tỷ lệ doanh nghiệp gia tăng tuyển dụng, hoặc tối thiểu là duy trì lực lượng sản xuất của mình trong vòng 3 - 6 tháng tới là 64%.
Giải pháp tránh mất cân bằng cung cầu lao động
Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Tổ tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, đa số người rời bỏ các khu công nghiệp thành phố rơi vào nhóm lao động thời vụ, làm ăn xa, một số ngành đặc thù thâm dụng lao động nữ cao như: may mặc, da giày, những nhóm có người thân bị mất do dịch, có con nhỏ... Gần một nửa số lượng người lao động ở nhóm mất việc có nguồn tiền tích lũy chỉ đủ để đảm bảo cho cuộc sống dưới 1 tháng. Hơn 37% có tích lũy chỉ đủ đảm bảo cho cuộc sống dưới 3 tháng. Việc họ rời đi cũng là bất đắc dĩ. Do vậy, câu chuyện hiện nay là ổn định tâm lý cho người lao động và đảm bảo an tâm ở nơi sản xuất, sẵn sàng đón lao động trở lại.
Tại tỉnh Bình Dương, 70% trong số hơn 1,9 triệu lao động trên địa bàn là lao động nhập cư, nhiều người đã về lại các địa phương do những biến động công việc thời kỳ dịch bệnh. Tâm lý lao động còn lo ngại dịch, chưa sẵn sàng trở lại nhà máy làm việc. Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh này cho rằng cần quan tâm đến người lao động, đảm bảo cuộc sống và các phúc lợi để lao động yên tâm quay trở lại làm việc.
"UBND tỉnh và phía doanh nghiệp phải có chính sách đón lao động từ quê trở lại làm việc, như có xe đưa đón người lao động, cần ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động. Cách thức đón lao động phải có sự thống nhất giữa các địa phương. Doanh nghiệp cần có chính sách phúc lợi khác như: nhà trẻ, phụ cấp nuôi con nhỏ, tiền tàu xe", ông Huỳnh Văn Lộc, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bình Dương, cho biết.
Còn tại Bắc Ninh, từ nay đến cuối năm, với mục tiêu mở rộng kinh doanh, các doanh nghiệp vẫn cần thêm khoảng 30% lao động. UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các tỉnh thuộc "vùng xanh", liên kết các trung tâm dịch vụ việc làm để lấy nguồn lao động, thực hiện việc tổ chức các phiên giao dịch lao động hàng ngày.
"Tỉnh cùng với doanh nghiệp sẽ hỗ trợ tối đa cho lao động, tập trung cho lao động lành nghề, công nhân có tay nghề cao, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số, ứng dụng công nghệ robot vào sản xuất", Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho hay.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc tạo cơ hội có việc làm cho người lao động lựa chọn làm việc tại chính địa phương của họ cũng là một trong những mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.
"Chúng ta phải có hệ thống đào tạo linh hoạt. Việc tạo cơ hội việc làm cho người lao động tại địa phương là mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Việc này cần sự tham gia của chính quyền để hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm cũng như đảm bảo điều kiện lao động, đảm bảo quyền lợi cho người lao động", ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách, Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhận định.
Dù tỷ lệ lao động mất việc tăng cao, nhưng các doanh nghiệp lại đang thiếu lao động để phục hồi sản xuất. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Còn với lực lượng lao động nhập cư, thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền cho người lao động quay trở lại làm việc, tham gia lao động sản xuất trong tình hình mới.
Không việc làm, không nơi ăn chốn ở, không đủ khả năng chi trả sinh hoạt hàng ngày, do đó người lao động buộc phải lựa chọn về quê, nơi mái nhà và mảnh vườn cũng có thể giúp họ duy trì cuộc sống, dù không dễ dàng. Dịch COVID-19 đã cho chúng ta nhìn nhận sâu sắc về chăm lo đời sống của người lao động, không chỉ là quan hệ giữa lao động với doanh nghiệp, mà còn là giữa chính quyền với người lao động, người nhập cư, chăm lo đời sống, đảm bảo sự an toàn của người lao động. Đây cũng là bài học để ứng phó trước mọi tác động tương tự như đại dịch COVID-19.
Rõ ràng khó khăn hiện nay là tìm kiếm nguồn lao động trở lại để đáp ứng phục hồi sản xuất, đặc biệt là các khu chế xuất, công nghiệp. Hiện nay, lực lượng lao động đang bị phân tán ra sao? Việc phục hồi lại sẽ gặp thách thức gì? Những lĩnh vực nào đang có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao?
Đại dịch COVID-19 cũng đã cho thấy việc bố trí không gian công nghiệp còn chưa hợp lý, không đảm bảo cân đối giữa các vùng kinh tế dẫn tới việc di chuyển một lực lượng lớn lao động từ khu vực này sang khu vực khác. Về lâu dài, doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc bài toán mất cân bằng cung cầu lao động như thế nào?
Những người lao động nhập cư chính là sinh lực của của các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất… Cần có những giải pháp cụ thể nào để người lao động có thể yên tâm ở lại thành phố, tránh tình trạng người lao động ùn ùn về quê?
Câu trả lời sẽ được giải đáp trong chương trình Sự kiện và Bình luận (9/10), với sự tham gia cuar ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội TP Hồ Chí Minh; ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh; và bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam. Mời quý vị theo dõi qua video trên!
VTV.vn - Người lao động làm việc trong khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng về thu nhập nặng nhất do dịch với mức thu nhập bình quân đạt 6,2 triệu đồng/tháng, giảm 13,5% so với quý trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!