Chiến lược tiêm vaccine trong thực trạng Việt Nam hiện nay
Việc áp dụng chiến lược tiêm vaccine cho người dân được xem là một trong những biện pháp phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả nhất hiện nay đang được tiến hành tại Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới. Lợi ích của vaccine là giảm nguy cơ nhập viện và giảm nguy cơ tử vong nếu bị nhiễm virus SARS-CoV-2, đồng thời cũng có hiệu quả giảm nguy cơ bị nhiễm virus, nhưng không thể ngăn ngừa nhiễm virus từ người sang người.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng vaccine không phải là "viên đạn bạc" chống COVID-19; luôn phải có kế hoạch B phòng khi có biến chủng mới mà các vaccine hiện tại hoàn toàn mất tác dụng. Do đó tất cả các chiến lược và biện pháp phải luôn luôn được huấn luyện và thực thi hiệu quả nhất khi được áp dụng.
Khi nào chúng ta có thể trở lại cuộc sống bình thường trong nước như trước dịch?
Theo nghiên cứu của chúng tôi vừa được công bố ( https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/34612165/ ), COVID-19 lây lan thuộc loại mạnh nhất trong các loại bệnh nhiễm như bệnh sởi và quai bị. Với tốc độ lây mạnh như thế, cần hơn 90% dân số có miễn dịch với virus.
Vì một số người có đáp ứng miễn dịch kém, cho nên không phải tất cả người được tiêm vaccine hay đã từng bị nhiễm đều có miễn dịch. Do đó, chúng tôi tin rằng tiêm ngừa COVID-19 cần được đưa vào tiêm chủng quốc gia mở rộng và bắt buộc toàn dân. Chỉ khi nào gần như toàn dân được tiêm chủng vaccine thì chúng ta mới hy vọng trở lại cuộc sống bình thường trước khi có COVID.
Hiện tại, các nghiên cứu về hiệu quả và an toàn của vaccine đang được tiến hành cho trẻ em, đặc biệt cho trẻ em dưới 12 tuổi. Vì vậy chúng ta vẫn phải chờ để quyết định tiêm chủng cho nhóm tuổi thấp hơn.
Vaccine mặc dù hiếm nhưng cũng không phải là "viên đạn bạc". Ảnh minh họa
Đề xuất biện pháp đẩy nhanh tiêm chủng
Tình hình Việt Nam hiện nay đang gặp các trở ngại:
- Số lượng vaccine không đủ cho 96 triệu dân: Tính đến nay, Việt Nam đã và đang có 161 triệu liều vaccine bao gồm 50 triệu liều Pfizer, 30 triệu liều AstraZeneca, 20 triệu liều Sinopharm (hay Vero Cell), 10 triệu liều Abdata và 50 triệu các loại vaccine khác.
- Không đủ vaccine cùng loại kịp thời để tiêm mũi 2 trong thời gian tối ưu khuyến cáo sau mũi 1 (tùy từng loại vaccine): Tác dụng chống nhiễm của 1 liều rất thấp (<35%) so với 2 liều (80%) mặc dù tác dụng chống nhập viện của 1 liều tương đối tốt ( ~70%). Tuy nhiên, không có số liệu cho người lớn tuổi và thời gian sau liều 1 là bao lâu. Ngoài ra, sự chờ đợi liều 2 cũng có thể ảnh hưởng đến tinh thần của người chờ tiêm.
- Bằng chứng khoa học về tính hiệu quả và an toàn của vaccine Sinopharm hiện vẫn không rõ ràng, làm dấy lên sự hoang mang và từ chối tiêm vaccine Sinopharm từ phía người dân, điều này làm việc phòng, chống dịch COVID-19 càng trở nên khó khăn.
Trước tình hình thực tế Việt Nam không có nhiều lựa chọn như vậy, nhóm nghiên cứu chúng tôi đề xuất:
Thứ nhất, tận dụng tối đa các cơ hội, các nguồn vaccine ở các nước trên thế giới để đầy nhanh, đẩy mạnh việc mua, tiếp nhận vaccine hơn nữa (chúng ta có thể tìm kiếm nguồn vaccine từ các nước hiện đang có vaccine tồn kho, sắp hết hạn, hoặc các nước như Úc, Nhật mà họ từ chối dùng AstraZeneca).
Đồng thời đại sứ quán Việt Nam tại các nước nên triển khai quyết liệt các hoạt động ngoại giao vaccine (như gần đây, Chính phủ Hungary đã tặng Việt Nam 100 nghìn liều vaccine, Chính phủ Slovakia tặng Việt Nam 150 nghìn liều và đang đàm phán để có thể nhượng cho Việt Nam từ 2-3 triệu liều vaccine, ….đây là những kết quả tích cực, chúng ta nên đẩy mạnh hơn nữa).
Thứ hai, không nên làm chậm trễ tiêm liều 2 cho người già và có bệnh nền, đặc biệt là những nơi đang bị quá tải y tế và tử vong cao. Ở những người trẻ khỏe, có thể chọn thời gian tiêm xa hơn thời gian quy định, nhưng vẫn nằm trong khoảng thời gian cho phép của từng loại vaccine. Điều này giúp số lượng tiêm vaccine của người dân sẽ thưa hơn.
Thứ ba, vì chưa đủ dữ liệu về tính hiệu quả và an toàn của vaccine Sinopharm, đặc biệt ở những người có bệnh nền, vì vậy không tiêm loại vaccine này cho những người có nguy cơ cao.
Thứ tư, tiến hành tiêm trộn vaccine trong trường hợp không có đủ vaccine. Khái niệm này có nghĩa là liều 1 và liều 2 được chích 2 loại vaccine khác nhau. BS Wuyn Tran đã có một bài viết chỉ ra những loại vaccine có thể tiêm trộn với nhau dựa trên những nghiên cứu, bằng chứng khoa học hiện có.
Các quốc gia như Singapore và Thái Lan, UAE đã tiêm trộn liều 2 bằng các vaccine của Anh và Mỹ cho những người tiêm liều một bởi Vero Cell. Làm như vậy sẽ giúp người dân sẵn lòng tiêm vaccine liều một với Vero Cell hơn. GS. Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales, Australia cũng ủng hộ phương án này.
Thứ năm, tăng cường tiêm chủng vắc xin Covid-19 tại nhà cho người khuyết tật.
Người khuyết tật được xem là một trong những nhóm được ưu tiên tiêm chủng bởi họ là những đối tượng gặp khó khăn trong việc di chuyển, đi lại và có nguy cơ bệnh nặng rất cao. Hiện nay, đã có biện pháp để người khuyết tật có thể tiếp cận được vaccine, cụ thể là việc tổ chức các đội tiêm vaccine lưu động tại nhà từng người dân. Đây là việc làm thuận tiện, linh hoạt và hạn chế được việc tiếp xúc đông người.
Tuy nhiên, việc này vẫn còn khá nhiều bất cập, dẫn đến tỷ lệ người khuyết tật được tiêm chủng vẫn còn quá hạn chế. Một trong những bất cập là thiếu hụt nguồn nhân lực và vật lực, đồng thời, việc di chuyển từ nhà này sang nhà khác dễ làm lây lan tình trạng lây nhiễm COVID-19. Một dấu hỏi lớn được đặt ra là làm sao để bảo quản vaccine trong quá trình di chuyển sao cho đảm bảo, vẫn giữ được nguyên tác dụng. Bên cạnh đó, việc tiếp cận với đăng ký tiêm chủng vẫn còn nhiều khó khăn cho người khuyết tật cũng như số lượng vaccine phân bổ quá ít, người dân không biết loại vaccine mà mình sẽ được tiêm.
Tài liệu tham khảo:
1. https://www.who.int/vietnam/news/commentaries/detail/covid-19-vaccines-offer-hope-but-are-not-a-silver-bullet
2. https://nguyenvantuan.info/2021/06/08/vaccine-khong-phai-la-vien-dan-bac-chong-covid-19/
3. https://www.facebook.com/nguyentien.huy.319/posts/2963721517176589
4. https://tuoitre.vn/chinh-phu-phe-duyet-mua-20-trieu-lieu-vac-xin-vero-cell-cua-sinopharm-trung-quoc-20210922192228461.htm
5. https://baodautu.vn/day-nhanh-day-manh-viec-mua-tiep-nhan-vaccine-phong-covid-19-d150881.html
7. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/34612165/
Nhóm nghiên cứu chống dịch Covid toàn cầu
Tổ Quốc