Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị tại đầu cầu Văn phòng Chủ tịch nước - Ảnh: THẢO LÊ
Sáng 9-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri ngành y tế TP.HCM. Tham dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
Từng bước mở cửa nhưng phải kiểm soát chặt chẽ
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của cử tri ngành y tế, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết theo kế hoạch của Bộ Y tế, trong năm nay, Việt Nam sẽ có lượng vắc xin cần thiết để bao phủ cho 70% dân số trên 18 tuổi. Ông Phúc đồng tình với việc điều chỉnh chiến lược phòng, chống dịch từ "zero COVID" sang thích ứng an toàn với dịch khi được bao phủ vắc xin.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cho rằng theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam sẽ dễ lây lan dịch bệnh trong mùa đông. Vì vậy, các đơn vị cần cảnh giác cao độ, từng bước mở cửa nhưng phải có sự kiểm soát an toàn và chặt chẽ.
Về công tác phòng chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế của TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP ổn định và nâng cao hơn nữa độ phủ vắc xin và năng lực điều trị.
Bên cạnh đó, TP.HCM cần kiểm soát các nguy cơ rủi ro ở quy mô rộng hơn. Khi TP mở cửa thì các điểm đến, nơi ở đều có khả năng trở thành nơi lây nhiễm. Lúc này, cần phát huy vai trò của y tế dự phòng, y tế cơ sở; có hướng dẫn để bình tĩnh thích ứng với dịch bệnh trong giai đoạn bình thường mới.
Ngoài ra, trong đợt dịch vừa qua, TP.HCM đã được tăng cường lực lượng chi viện. Thời gian tới, khi các lực lượng rút về thì TP phải nêu cao vai trò và trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch để không xảy ra những bất trắc.
Theo Chủ tịch nước, thời gian tới, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bùng dịch, nhiều khả năng sẽ gây sức ép lớn về y tế cho cả vùng. TP.HCM cần phải có sự chuẩn bị các tình huống khi lực lượng chi viện rút đi và có trách nhiệm hỗ trợ cho các địa phương này.
Chủ tịch nước đánh giá cao mô hình chăm sóc F0 tại nhà của TP.HCM và đề nghị tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng tình hình mới, chia sẻ kinh nghiệm cho các địa phương khác.
Một vấn đề nữa là huy động nguồn lực xã hội, ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần có cơ chế, chính sách để cơ sở y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch. Bên cạnh đó, vấn đề nguồn nhân lực ngành y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng cần phải được nghiên cứu.
Chủ tịch nước đề nghị TP.HCM tổng kết đánh giá, đề xuất những mô hình y tế để chuẩn bị công tác phòng, chống dịch trong tương lai. Đồng thời, cần có những chế độ đặc thù để phát huy được trí tuệ của đội ngũ ngành y tế; có chế độ đãi ngộ thỏa đáng lực lượng phòng, chống dịch.
Cam kết không lơ là, chủ quan
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết qua các ý kiến phát biểu, TP sẽ tiếp thu và khẩn trương hoàn thiện kế hoạch tổng thể phòng chống dịch và phục hồi kinh tế trong thời gian tới.
Ông Mãi cam kết với Chủ tịch nước là TP sẽ không lơ là, chủ quan trước những kết quả bước đầu của phòng chống dịch và sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, cảnh báo dịch.
Trong kế hoạch sắp tới, TP đặt trụ cột đầu tiên là củng cố hệ thống y tế với y tế cộng đồng, y tế điều trị và y tế phục hồi. Phát huy hiệu quả mô hình điều trị 3 tầng, củng cố hệ thống y tế cơ sở.
"Việc tổ chức bộ máy biên chế, chính sách cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, các mảng y tế cộng đồng thời gian qua chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Khi dịch diễn ra ở mức độ cao thì những bất cập này đã bộc lộ rõ", ông Mãi nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị - Ảnh: THẢO LÊ
Trụ cột thứ 2 là an sinh xã hội, theo ông Mãi, sau vấn đề y tế thì câu chuyện chăm lo đời sống cho người dân được TP quan tâm. Bên cạnh vấn đề đưa và đón người lao động trở lại TP, có các gói an sinh, TP đang tập trung chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội.
"Qua dịch vừa rồi ta thấy bên cạnh TP phát triển năng động thì còn góc khuất về dân cư, nhà ở cần được khắc phục. Có như vậy thì sự phát triển mới bền vững", ông Mãi nói.
Bên cạnh đó, TP cũng sẽ tập trung chăm lo cho các đối tượng bị tác động bởi dịch COVID-19 như người già neo đơn và trẻ mồ côi do dịch...
Liên quan đến cơ chế chính sách, ông Mãi cho biết trong khi chờ đợi các cơ chế chính sách chung, TP xin phép thí điểm các cơ chế chính sách để tháo gỡ các điểm nghẽn, huy động được các nguồn lực xã hội.
TTO - Trước kiến nghị khẩn thiết đê nghị tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em của nhiều cử tri ngành y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết bộ này đang xây dựng hướng dẫn, dự kiến tháng 10 bắt đầu tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi.