Ông Alexander Gintsburg, giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật học Gamaleya của LB Nga
Theo đó, khả năng chống biến thể Delta của Sputnik V dao động trong khoảng cao từ 83% tới rất cao là 94%. Biến chủng Delta đang hoành hành và là nỗi kinh hoàng của nhiều nước trên thế giới.
Cũng theo ông Gintsburg, các loại vắc xin COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA như của các vắc xin đã tiêm trước đây có hiệu quả thấp hơn đáng kể so với Sputnik V khi đối mặt với biến thể Delta. "Điều này được rút ra từ số liệu tiêm chủng của bộ y tế các nước đã tiêm những loại vắc xin này", ông nói.
Trước đó vào tháng 8, Bộ trưởng Bộ Y tế Liên bang Nga Mikhail Murashko từng khẳng định "Sputnik V là vắc xin phòng ngừa hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống lại biến chủng Delta" không chỉ tại Nga mà còn trên toàn thế giới.
Hiệu quả của các loại vắc xin COVID-19 trước biến thể Delta
Delta (hay B.1.617) là một biến thể của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19. Nó được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 10 năm 2020 tại Ấn Độ. Với các đột biến trên nhiều vùng gen thuộc protein gai S, thứ virus SARS-CoV-2 dùng để lây nhiễm vào tế bào người, biến thể Delta đã phát triển khả năng lây nhiễm cao gấp 225% so với virus SARS-CoV-2 ban đầu.
Điều này đặt ra thách thức đối với các loại vắc xin từng được phát triển để nhắm vào protein gai S của virus SARS-CoV-2. Các nghiên cứu được thực hiện trong thời gian gần đây đã cho thấy hiệu quả của các loại vắc xin COVID-19 đã bị suy giảm trước biến thể Delta như thế nào.
Cụ thể, một nghiên cứu đăng trên nền tảng công bố bài báo trước xuất bản Medrxiv vào tháng 8 cho thấy biến thể Delta đã làm suy giảm hiệu quả của một số vắc xin COVID-19 đã sử dụng từ 86% xuống còn 76%, thậm chí còn mạnh hơn, từ 76% xuống còn 42%.
Các con số được ghi nhận trên nhóm thuần tập 25.000 người Mỹ tại Minnesota đã được tiêm hoặc chưa được tiêm các loại vắc xin này. Vào tháng 2 năm 2021, khi tỷ lệ mắc biến thể Delta tại Minnesota mới chỉ là 0,7%, hiệu quả thực thế của vắc xin được ghi nhận lần lượt là 86% và 76%.
Nhưng tới tháng 7, khi biến thể Delta tấn công Minnesota làm tỷ lệ nhiễm bệnh tăng lên tới 70%, hiệu quả của vắc xin chống lại Delta đã giảm xuống chỉ còn 76% và 42%.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất chứng kiến làn sóng gia tăng số ca mắc biến thể Delta. Trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8 năm nay, cơ quan y tế nhà nước LB Nga cho biết 95% các ca nhiễm COVID-19 tại nước này là từ biến thể Delta.
Các nhà khoa học đại học European, thành phố St.Petersburg đã theo dõi 14.000 người được tiêm vắc xin Sputnik V tại thành phố này. Họ ghi nhận 2 mũi Sputnik V có hiệu quả lên tới 81%.
Vắc xin Sputnik V được đánh giá mang lại hiệu quả khá cao.
Trước đó, tiến sĩ Denis Logunov, người đứng đầu chương trình nghiên cứu vắc xin Sputnik V tại Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật học Gamaleya cho biết: "Hiệu quả của vắc xin Sputnik V đối với biến thể Delta là trên 90%. Sputnik V cho thấy sự suy giảm hiệu quả đối với biến thể Delta thấp hơn bất kỳ loại vắc xin nào khác đã công bố kết quả nghiên cứu tính hiệu quả của chúng với biến thể Delta".
"Theo nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, hiệu quả của vắc xin Sputnik V trước biến chủng Delta ngày nay dao động trong khoảng 83% tới 94%, có nhiều loại vắc xin hoàn toàn không có khả năng chống lại chủng Delta", ông Alexander Gintsburg, giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật học Gamaleya tổng kết lại trong tuyên bố mới hồi cuối tháng 9.
Vắc xin Sputnik V mang lại hiệu quả ra sao
Giải thích tại sao Sputnik V có hiệu quả trong cuộc chiến với biến thể Delta, ông Gintsburg cho biết: "Vắc xin Sputnik V tốt vì nó tạo ra phản ứng với protein gai S của virus corona ở nhiều trạng thái cấu trúc.
Vắc xin Sputnik V tạo ra phản ứng đồng đều đối với một số lượng rất lớn biến thể kháng nguyên. Đây là một trong những ưu điểm chính của loại vắc xin giúp Sputnik chống lại chủng Delta, Beta… và khả năng các biến thể khác trong thời gian tới".
Những ưu điểm nổi trội của vắc xin Sputnik V mang lại cho người sử dụng
Các nhà khoa học LB Nga từng tiết lộ điểm ưu việt nổi trội nhất trong vắc xin của họ, đó là Sputnik V thực chất là một vắc xin kép, với thành phần 1 (component I) hay mũi tiêm thứ nhất sử dụng một vector virus khác với thành phần 2 (component II) hay mũi tiêm thứ hai.
Khả năng bảo vệ người tiêm vắc xin Sputnik V trước biến chủng Delta
Họ gọi đây là một sự kết hợp độc đáo, với các mũi tiêm có thể được coi là 2 loại vắc xin khác nhau tăng cường hiệu quả cho nhau. Xu hướng tiêm trộn hay kết hợp các loại vắc xin này sau đó từng được chứng minh giúp tăng hiệu quả phòng ngừa COVID-19 đối với vắc xin của AstraZeneca khi tiêm cùng vắc xin Pfizer.
Trước đó, một thử nghiệm tương tự đã được tiến hành tại Argentina với việc tiêm kết hợp vắc xin AstraZeneca với Sputnik V. "Vắc xin Sputnik V có thể được kết hợp với bất kỳ loại vắc xin COVID-19 này đang được sử dụng rộng rãi ở thời điểm này, từ Moderna, Pfizer cho tới AstraZeneca", ông Gintsburg nói.
Các nhà khoa học Nga tự tin rằng với khả năng chống biến thể Delta ưu việt của Sputnik V, loại vắc xin này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thế giới thoát khỏi đại dịch. Năm 2021, 2022 sẽ là kỷ nguyên của hợp tác vắc xin hơn là cạnh tranh vắc xin, mục đích cuối cùng là giúp những người đã tiêm chủng có được hiệu quả cao nhất chống lại COVID-19 và các biến thể liên tục, ngày càng nguy hiểm hơn của nó.
Xem thêm: mth.53260009001011202-oac-el-it-atled-gnuhc-neib-gnohc-nix-cav-al-v-kintups-agn/nv.ertiout