Để có chiếc bánh tráng "chuẩn vị xứ Quảng", tất cả công đoạn đều phải được làm bằng đôi tay khéo léo và dày dặn sự tập trung
Sau cuộc phẫu thuật thứ 3, sức khỏe mẹ tôi giảm sút rất nhiều. Gia đình tôi là gia đình thuần nông, những công việc hằng ngày của ba mẹ khá nặng nhọc. Những khi vụ mùa thất bát, ba mẹ phải đi phụ hồ, theo đoàn khai thác cây kiếm cơm qua ngày.
Nhưng những công việc ấy không còn dành cho người đã trải qua 3 lần sinh tử trên bàn mổ như mẹ! Kinh tế gia đình vì thế phụ thuộc hoàn toàn vào ba.
Vào một đêm hè tháng 5, lúc này mẹ tôi đã khỏe hơn nhiều, nhưng vẫn chỉ có thể làm vài việc lặt vặt trong nhà. Mẹ ngủ và chiêm bao có người mách nước, kêu hãy học nghề bánh tráng. Khi tỉnh dậy, mẹ bàng hoàng nhớ lại giấc mơ.
Bà nghĩ lại: trong họ hàng xa cũng có một người đang làm nghề bánh tráng. Nhà người này cách nhà tôi tầm 10km. Qua hôm sau, bà khăn gói đến nhà người họ hàng xa, xin học làm bánh tráng.
Nhìn những chiếc bánh đầu tiên của mẹ, chúng tôi không thể nhịn được cười: méo mó, chỗ dày, chỗ mỏng, mặn, nhạt, bể, gãy có đủ. Có hôm mẹ tôi mang về một mớ "thành quả" và chị em chúng tôi có dịp được chén no say: bánh tráng cuốn rau muống chấm mắm.
Lại có hôm mẹ tôi về nhà rất muộn, những bữa trưa từ lâu đã trở nên trật trờ. Mẹ vẫn không bỏ cuộc. Người thầy của bà hết lòng truyền dạy và không quên cảnh báo: Nghề làm bánh tráng tuy không nặng nhọc nhưng phải chịu vất vả hơn rất nhiều. Tuyệt nhiên, mẹ chưa lần nào có ý định buông xuôi.
3 tháng sau, mẹ tôi dần có những chiếc bánh tròn trĩnh hơn, đẹp mắt hơn. Những chiếc bánh lấm tấm mè và tỏi thơm lừng chính là thành quả đền đáp xứng đáng cho một học viên chăm chỉ, kiên trì.
Mẹ nói với ba xây giúp bà chiếc lò tráng bánh. Ba là thợ hồ, nên vài ngày sau lò bánh tráng của mẹ tôi đã "khánh thành".
Nghề thợ hồ của ba và lò bánh tráng của mẹ lần lượt nuôi chị em tôi khôn lớn. Để có chiếc bánh tráng "chuẩn vị xứ Quảng", từ công đoạn chuẩn bị gạo, xay bột, gia vị, đến công đoạn đổ bánh, trở bánh, phơi bánh, đợi bánh khô, quay sang nướng bánh đều phải được làm đôi tay khéo léo và dày dặn sự tập trung. Nếu không chiếc bánh sẽ không được tròn, không đủ thơm, quá nhạt hay quá mặn. Nếu phơi quá khô sẽ dễ bị bể, nếu nướng quá lửa sẽ bị cháy...
Với tôi, bánh tráng là hương vị của quê hương. Mỗi khi đưa bánh tráng lên miệng và cắn một miếng, sau đó nhai sột soạt, tôi cảm nhận trong đấy có tất thảy sự bình yên: những hạt gạo trắng sữa sau mùa gặt, những gia vị thân thuộc trong gác bếp, hơn hết là những nỗi vất vả của người tạo ra chiếc bánh cũng chính là mẹ tôi!
Tôi từng nói với mẹ chuyện bỏ nghề, hoặc nếu không hãy nâng giá bánh lên một chút để xứng đáng với cái công làm (bởi nghề cực quá, lại không lời bao nhiêu). Nhưng mẹ bảo: nghề bánh tráng đã đến với mẹ vào những ngày cả gia đình khốn đốn nên dù cho kinh tế đang có phần khấm khá hơn thì cũng khó lòng rời bỏ.
Hóa ra, người ta yêu một cái nghề nào đấy không đơn thuần để kiếm tiền, mà còn vì nó mang một ý nghĩa hoặc đánh dấu bước ngoặt, biến cố của cuộc đời!
Một điều rất đặc biệt là chị em chúng tôi không ngán ăn bánh tráng dù từ ngày mẹ khởi nghiệp, ngày nào chúng tôi cũng chóp chép bánh tráng. Khi lên đại học, sống xa nhà, tôi vẫn luôn được mẹ gửi đồ ăn. Mỗi lần như vậy, mẹ gửi thêm ít chục bánh tráng. Cầm chiếc bánh tráng phả đầy mè, tôi thường đưa vào mũi hít hà một đỗi lâu. Mùi hương ấy gợi nhớ những ngày phải dậy từ lúc tờ mờ sáng để lột tỏi, hay phải ngồi đến mỏi nhừ lưng nướng bánh tráng.
Nhưng hơn hết, mùi hương trên chiếc bánh tráng cũng chính là mùi xương máu của mẹ tôi!
Văn hóa ăn tết của người xứ Quảng không chỉ có bánh chưng, bánh tét, củ kiệu. Trên mỗi mâm cơm cúng dù cao sang hay bình dị, vẫn không thể thiếu chiếc bánh tráng đặt lên trên cùng. Đấy chính là hiện thân của mong ước về sự tròn đầy, sum tụ.
TTO - Họ cùng con bám trụ lại ở thành phố đã mấy tháng nay. Kể từ đợt dịch thứ 4 bùng phát, vừa phải cùng con chiến đấu với bệnh tật, vừa chống chọi với dịch bệnh, cuộc sống của họ càng khó khăn hơn bao giờ hết.
Xem thêm: mth.42754410101011202-em-auc-om-cou-ohc-gnart-hnab-ol/nv.ertiout