Bưu điện Sài Gòn, chứng nhân bao thời cuộc thăng trầm - Ảnh: PHÚC TIẾN
Nhớ lắm, nhớ da diết những con phố ắp đầy ký ức. Nhớ ngã tư, ngã năm, ngã sáu, ngã bảy - những giao lộ tấp nập mà người Sài Gòn xưa thường gọi là bùng binh và công trường như chứng nhân của bao thời cuộc thăng trầm.
Để rồi khi thành phố nới lỏng giãn cách, tôi trở lại những nơi ấy mà lòng bỗng xôn xao tiếng vọng thời gian. Trong mắt tôi, những vòng xoay đường phố cũng là những vòng quay của nhiều khúc phim hồi tưởng thời gian xa và gần trước đại dịch, đan xen nhiều điều thương nhớ.
Trái tim hồng của phố
Tôi gọi khu vực Nhà thờ Đức Bà là "góc Paris" của Sài Gòn không chỉ vì cái tên Công trường Công Xã Paris. Không gian chốn này từ kiến trúc đến cây xanh, công viên và những con đường nhỏ rất elégant - dịu dàng và duyên dáng, đúng chất Pháp cổ điển. Đó còn là không gian thư thái hiếm có giữa đô thị đông đúc và ồn ào.
Với tôi, trong những sắc màu và hình ảnh khắc khoải của nỗi nhớ Sài Gòn luôn có màu gạch son và dáng vẻ quý phái của nhà thờ Đức Bà. Qua hơn 140 năm, nhiều đời dân thành phố và du khách đã quen thuộc ngôi thánh đường và bùng binh bao quanh. Vốn dĩ nhà thờ được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn của những Vương cung thánh đường ở Pháp và Ý. Lạ thay, nó nằm giữa giao lộ lớn và không cần hàng rào bao quanh.
Hằng ngày, trên sân công viên, nơi đặt tượng Nữ Vương Hòa Bình, thường có đàn chim bồ câu xà xuống, tíu tít nhận thức ăn của khách. Những chú bồ câu màu xám bạc như màu tháp chuông, hồn nhiên bay lượn đây đó. Có lúc đàn bồ câu ngây thơ đậu trên tượng Đức Mẹ càng làm khung cảnh bùng binh trở nên thanh bình, hiền hòa.
Những ngày cuối tuần, rất đông người đi lễ, ăn mặc trang nhã và lịch sự. Trong đó, có nhiều người nước ngoài đủ các quốc tịch, điểm xuyết thêm nét quốc tế cho "góc Paris" giữa Sài Gòn.
Chung quanh nhà thờ, nhiều bạn trẻ tíu tít "check-in" chụp ảnh. Nhiều đôi cô dâu chú rể đến đây để chụp những bức ảnh mang dáng dấp châu Âu cổ kính. Những lần đi dạo quanh nhà thờ, tôi lại thấy trào dâng cái cảm giác nhân ái lạ thường. Đặc biệt, vào đêm Giáng sinh, nhìn từ xa nhà thờ Đức Bà trông giống như một "cây thông lớn, rực rỡ ánh đèn trang trí".
Trong tiếng chuông, tiếng nhạc ngân nga, một biển người đổ về bùng binh hân hoan vui vầy. Nhà thờ Đức Bà và công viên phía trước trở thành một "báu vật" Sài Gòn sống động yêu thương không chỉ cho những niềm tin tôn giáo.
Nơi ký thác thương yêu
Báu vật thứ hai trong "Góc Paris" là Nhà bưu điện tráng lệ ra đời năm 1891. Tòa nhà đường bệ trải dài suốt một cạnh của công trường. Nó mang kiểu dáng phương Tây lộng lẫy rất hài hòa với thiết kế của nhà thờ Đức Bà. Nhưng trên nóc các tầng lầu, ta có thể ngạc nhiên trông thấy nhiều hoa văn trang trí theo kiểu Chàm và Khmer. Đó chính là ý định của các kiến trúc sư khi muốn văn hóa Pháp dung hòa phần nào với văn hóa bản địa.
Thời điểm ấy, Liên bang Đông Dương mới khai sinh và Sài Gòn được chọn là thủ đô trong một thời gian ngắn (1887-1901). Qua hơn một thế kỷ, Nhà Bưu điện Sài Gòn vẫn là Nhà bưu điện lớn nhất, đẹp nhất và còn tồn tại lâu nhất ở Việt Nam. Không những thế, kiến trúc tòa nhà còn vượt khỏi khuôn khổ của một cơ sở bưu chính viễn thông.
Nhìn xem, trên các khung cửa sổ lớn bên ngoài đều có bảng tên vinh danh các nhà phát minh tiên phong thời đại như Volta, Arago, Olm, Faraday và Franklin. Trong khi ấy, bên trong tòa nhà là một đại sảnh, rộng thênh thang. Nó có mái vòm cong kỳ vĩ, trông như thiết kế của một cung triển lãm hay nhà ga Âu - Mỹ cuối thế kỷ 19. Trong đại sảnh còn lưu giữ hai bức bích họa vô giá là bản đồ Sài Gòn và Nam Bộ xưa.
Du khách trong và ngoài nước thường đến Nhà Bưu điện Sài Gòn để ngoạn cảnh. Và càng thêm hoài cảm nếu được gặp bác Dương Văn Ngộ - người viết thư thuê cuối cùng! Những năm gần đây, sinh viên nhiều trường đại học trong lễ phục tốt nghiệp đã tề tựu trước Nhà bưu điện để chụp ảnh lưu niệm. Đó là một ý tưởng mới cho thấy tòa nhà bưu điện không chỉ làm chức năng bưu chính. Theo tôi, cả bên trong và bên ngoài, tòa lâu đài tuyệt mỹ này có thể mở thêm chức năng là địa điểm diễn ra các triển lãm và lễ hội khoa học - văn hóa - giáo dục trọng thể.
Không gian bình yên ở khu vực nhà thờ Đức Bà nay - Ảnh: TỰ TRUNG
Cà phê và Đường sách tao nhã
"Góc Paris" còn có "báu vật" mới là các quán cà phê và Đường sách. Trước nhất là quán cà phê bưu điện nằm ngay trong khuôn viên của tòa nhà, phía giáp đường Nguyễn Du. Quán này mở hai ba năm gần đây, vừa là cà phê terrace, vừa có phòng lạnh bên trong. Khách vào quán sẽ có góc nhìn rất đẹp hướng đến toàn cảnh mặt trước nhà thờ. Trong khi ấy, ở phía đối diện, nhà hàng Runam d’Or, là ngôi biệt thự cổ rất phong lưu. Từ đây, mọi người có thể "nhấm nháp" cận cảnh tháp chuông và dãy tường gạch son của ngôi thánh đường in dấu bao kỷ niệm riêng chung.
Và nếu muốn ngắm cả công trường tĩnh lặng vào những buổi sớm mai hay buổi hoàng hôn buông xuống, chúng ta hãy ngồi ở những quán cà phê dưới chân cao ốc Metropolitan, hoặc bên cạnh tòa nhà Sở Văn hóa. Vào những ngày cuối tuần, một cách "bình dân" và thoải mái, khách còn có thể chọn "cà phê Bệt" trên vỉa hè trước cửa Trường tiểu học Hòa Bình. Kể ra, đẳng cấp của các quán tuy có khác nhau nhưng ai nấy đều có niềm vui tận hưởng "ốc đảo" bình yên giữa một Sài Gòn nhộn nhịp.
Cùng lúc đó, Đường sách Nguyễn Văn Bình nằm bên hông Nhà Bưu điện, ra đời cách đây 5 năm, là một "tao đàn" đúng nghĩa. Thật diệu kỳ, con đường vắng vẻ năm xưa, nơi chỉ dành cho những chuyến xe thư, đã mau chóng "hóa thân" thành một tụ điểm tao nhã.
Người dân và du khách tìm đến Đường sách không chỉ để mua sách mà còn "nghe sách", "chơi sách", gặp gỡ các "mặc khách" và bạn bè. Những buổi ra mắt sách và giao lưu văn nghệ ở Đường sách trở thành một sinh hoạt tri thức và thanh lịch cuốn hút. Tôi còn nhớ mấy năm trước buổi gặp gỡ nhạc sĩ Vũ Thành An diễn ra dưới cơn mưa tối mà người nghe vẫn đắm mình trong mưa say sưa nghe tiếng nhạc và tiếng lòng.
Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện, các quán cà phê và Đường sách tại đây có cái gì đó rất tương đồng với khung cảnh thanh bình và phiêu lãng của bờ sông Seine và khu phố Latin của Paris mà tôi may mắn từng đến. Lâu lắm rồi, từ "Kinh thành ánh sáng", cà phê, tiệm sách, công viên và nhiều phong cách sống của thị dân hiện đại đã hòa nhập vào Sài Gòn.
Chao ơi, từng góc phố, từng vòng xoay của Sài Gòn đều có những dấu ấn hay, đẹp không thể phai mờ. Càng nhớ, càng yêu Sài Gòn thì chúng ta càng mong và càng tin không thể để cho cơn hồng thủy đại dịch có thể tàn phá thành phố mỹ lệ của mình!
Ngày 6-8 vừa rồi, tôi bước vào Nhà bưu điện để gửi thư đi nước ngoài. Lòng tôi không khỏi se sắt khi nhìn thấy đại sảnh bưu điện trống vắng. Nhưng rồi nhìn những quầy viết thư hiu quạnh, tôi chợt nghĩ tại sao lúc này không gửi bưu ảnh cho người thân, bè bạn và chính mình? Đúng rồi, phải gửi để ghi dấu và báo tin niềm vui sống còn trong mùa đại dịch!
Thật vui, nhân viên bưu điện tìm được cho tôi những chiếc bưu ảnh vốn dĩ hiếm hoi trong thời đại Internet. Càng cảm động hơn nữa, những con tem tôi dán lên bưu ảnh hôm ấy đều có hình vẻ và dòng chữ "Chung tay phòng chống dịch COVID-19". Ôi, đáng yêu làm sao, Nhà Bưu điện ở "Góc Paris" của tôi!
**********
Bùng binh Sài Gòn hay ngã tư Bồn Kèn là địa danh đã được cụ Vương Hồng Sển khắc ghi trong sách Sài Gòn năm xưa. Cụ Vương kể những năm 1920 cụ thấy tận mắt vào chiều thứ bảy, lính kèn chơi nhạc trên bục cao hình bát giác.
>> Kỳ tới: Bùng binh Sài Gòn và đại lộ phồn hoa
TTO - Những ngày Sài Gòn dần kiểm soát được dịch, dần mở cửa cuộc sống "bình thường mới", hàng chục ngàn y bác sĩ, nhân viên y tế trở về sau thời gian tăng cường chống dịch, trở về với công việc quen thuộc, với gia đình, người thân.
Xem thêm: mth.26763229001011202-iaht-uht-iort-gnuhk-av-sirap-cog-1-yk-cu-yk-yaox-gnov-gnuhn-nog-ias/nv.ertiout