Nhân Ngày sức khỏe tâm thần thế giới 10-10, Tuổi Trẻ giới thiệu đến độc giả vài quyển sách có công năng chữa lành những tổn thương tâm lý từ tuổi ấu thơ.
* Thiền sư và em bé 5 tuổi
Mở đầu bằng phần giới thiệu về "Em bé bên trong", thiền sư Thích Nhất Hạnh nhắc đến việc hình thành nên những tổn thương tâm lý mà ai cũng có.
"Trong lòng chúng ta ai cũng có một em bé đang đau khổ. Ai cũng có một thời gian khó khăn khi còn thơ ấu và nhiều người đã trải qua những chấn động tâm lý, những tổn thương lớn mà vết thương còn lưu lại cho đến bây giờ... Cho dù chúng ta bỏ mặc em bé nhưng không có nghĩa là em bé không có ở đó. Nó thật sự cần chúng ta quay trở về để chăm sóc...".
Bước sang phần 2, tác giả chia phương pháp trị liệu thành 8 phần nhỏ, đi từ năng lượng chánh niệm là chìa khóa giúp ta nhận thức sự có mặt của em bé bên trong. Qua những ví dụ dễ hiểu và gần gũi, người đọc như bắt gặp câu chuyện của chính mình, nỗi đau của chính mình và nhờ vậy biết được con đường để tự chữa lành.
* Trong mỗi chúng ta đều có một đứa trẻ cần vỗ về
Cuốn sách nói về những ảnh hưởng của "đứa trẻ bên trong" đến những trải nghiệm của mỗi người khi trưởng thành và nguyên lý mà những tổn thương ấy hoạt động.
Bằng cách liệt kê 8 đặc điểm cơ bản nhất của những người có "đứa trẻ bên trong" bị tổn thương bao gồm cả những dạng phức cảm, biểu hiện vô thức như trốn chạy, làm hài lòng người khác, nổi nóng bất thường...; bác sĩ/tiến sĩ tâm lý học Choi Kwanghyun giúp người đọc lý giải được nhiều thắc mắc về nguồn cơn của những đau khổ trong thực tại.
Cuốn sách cũng đề cập đến hiện tượng tâm lý đặc biệt mà dễ thấy: "Đứa trẻ bị tổn thương thu hút đứa trẻ bị tổn thương", đồng thời đưa ra 6 cách trị liệu để chữa lành từ góc nhìn của một bác sĩ trị liệu.
* Chữa lành đứa trẻ bên trong bạn
Cũng đề cập tới "đứa trẻ bên trong", nhưng nếu hai cuốn sách trên đưa ra cái nhìn toàn cảnh về những lý do hình thành nên những tổn thương trong tiềm thức hay nguyên lý mà những nỗi đau hoạt động thì "Chữa lành đứa trẻ bên trong bạn" lại là thấu kính bắt cận cảnh một trong những nguyên do ấy: gia đình.
"Tất cả chúng ta đều là những người mang thương tích. Ai đả thương ta? Đó là những người ta thương và những người thương ta".
Bằng góc nhìn của một bác sĩ và một nhà trị liệu tâm lý, tác giả vạch ra những điểm khác biệt giữa một gia đình lành mạnh và không lành mạnh, nhấn mạnh những điểm khác biệt này ảnh hưởng tới sự hình thành nhân cách của một đứa trẻ như thế nào. Cuốn sách cũng tỏa ra thứ năng lượng ấm áp để người đọc có thể kiên nhẫn với quá trình chữa lành của mình, dù nó có kéo dài bao lâu.
Độc giả cũng có thể tham khảo cuốn Hai mặt của gia đình (Choi Kwanghyun) hay Cha mẹ độc hại để có những hiểu biết về tính lành mạnh nên có của những ông bố bà mẹ, để có thể vừa trở thành cặp phụ huynh tuyệt vời cho những đứa con vừa biết cách an ủi chính mình.
Khởi nguồn từ nhà tâm lý học Carl Jung và được phát triển bởi hai nhà tâm lý trị liệu Alice Miller và Donald Winnicott, "đứa trẻ bên trong" được xem là phần linh hồn, phần năng lượng nguyên bản nhất của chúng ta. Tìm về đứa trẻ bên trong là chữa lành những tổn thương tâm lý ở tuổi thơ hoặc quá trình lớn lên. Những tổn thương này đeo đuổi, ảnh hưởng tới cách mà con người cảm nhận mọi thứ về thế giới, và nặng nề hơn là sức khỏe tâm thần của mỗi người.
TTO - 12-2-1968 - Ký ức kinh hoàng về cuộc thảm sát Phong Nhất, Phong Nhị - cuốn sách của tác giả Koh Kyoung Tae nói về trận thảm sát Phong Nhất, Phong Nhị (Điện Bàn, Quảng Nam) do binh lính Hàn Quốc tiến hành vừa được ra mắt độc giả Việt Nam.
Xem thêm: mth.83365739001011202-nab-gnort-neb-ert-aud-hnal-auhc-hcas-nouc-3/nv.ertiout