Thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu cho phép các nước đánh thuế những công ty đa quốc gia, nhất là các hãng công nghệ, có hoạt động kinh doanh trong nước - Ảnh: Reuters
Ngày 8-10, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nhóm dẫn đầu các cuộc đàm phán thuế giữa các nước, cho biết đã đạt được đột phá vào cuối tuần này với việc một loạt quốc gia như Ấn Độ, Ireland, Estonia, Hungary gật đầu đồng ý sau khi các nền kinh tế như Trung Quốc, Brazil đã chịu tham gia thỏa thuận.
"Thỏa thuận hôm nay sẽ khiến các thỏa thuận thuế quốc tế của chúng ta công bằng và hiệu quả hơn. Đây là chiến thắng lớn của chủ nghĩa đa phương cân bằng và hiệu quả.
Tổng thư ký OECD, ông Mathias Cormann, nhấn mạnh.
Không biên giới
Thỏa thuận về cải tổ thuế được cho là lớn nhất trong một thế kỷ này sẽ được trình lên Hội nghị bộ trưởng tài chính các nước nhóm G20 vào tuần sau, trước khi được thông qua cuối cùng tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 10-2021.
Các nước tham gia dự kiến ký thỏa thuận trong năm sau và chính thức triển khai từ 2023. Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì sự công bằng thuế và chống nghèo đói cho rằng đây là thỏa thuận "khó nhai" với nước nghèo và chỉ khiến các khoản thu chảy thêm vào túi nước giàu.
Theo OECD, ước tính thỏa thuận này sẽ bao trùm 90% kinh tế toàn cầu và được kỳ vọng đem lại thêm 150 tỉ USD thu nhập từ thuế mỗi năm - một khoản không nhỏ khi các nước đang nỗ lực hồi phục sau đại dịch COVID-19.
Thỏa thuận nhắm vào hai tiến trình đã làm thay đổi nền kinh tế thế giới là toàn cầu hóa và số hóa. Thỏa thuận có hai trụ cột chính: áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% với các công ty có thu nhập từ 870 triệu USD trở lên và tái phân bổ hơn 125 tỉ USD lợi nhuận từ khoảng 100 công ty đa quốc gia lớn nhất và thu lời nhiều nhất trên khắp thế giới, buộc các công ty này đóng thuế công bằng dù họ hoạt động và phát sinh lợi nhuận ở đâu.
Nói cách khác, thỏa thuận sẽ chấm dứt cuộc cạnh tranh thuế để thu hút doanh nghiệp giữa các nước, trong khi các tập đoàn đa quốc gia phải khai báo lợi nhuận và đóng thuế thêm ở những nước họ có làm ăn.
Các nước có thể đánh thuế các hoạt động sinh lời như quảng cáo, bán hàng trực tuyến của các công ty ngay cả khi công ty đó không có trụ sở tại nước họ.
Thỏa thuận cũng đi kèm các quy định buộc các công ty thường né thuế tại nước ngoài phải đóng thuế ở quê nhà. Như vậy, miễn là các quốc gia mà những công ty này đặt trụ sở tham gia áp thuế tối thiểu thì thỏa thuận sẽ có hiệu quả.
Các hãng công nghệ như Google, Amazon ủng hộ thỏa thuận vì nó bao gồm điều khoản ngăn các nước áp thuế công nghệ mới trong hai năm và họ không phải đối mặt với quy định thuế khác nhau ở mỗi nước.
Nhiều nước đã ca ngợi thỏa thuận. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng nó sẽ mở ra sân chơi công bằng cho các lao động, người đóng thuế của Mỹ cũng như cho thế giới. Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz nhận định "đây là bước đi lớn nữa hướng đến củng cố hệ thống thuế công bằng".
Không ăn thua?
Tuy nhiên, nhiều nước đang phát triển vẫn lo ngại về thỏa thuận; các nước như Kenya, Nigeria, Pakistan và Sri Lanka nhiều khả năng sẽ không tham gia thỏa thuận.
Các nước đang phát triển muốn nâng mức sàn thuế bởi vì mức 15% thấp hơn mức 21% được kỳ vọng và thuế doanh nghiệp trung bình ở các nước công nghiệp hiện khoảng 23,5%.
Một số nước cảm thấy lợi ích của họ bị "bỏ quên" trong thỏa thuận mà chỉ giúp các nước giàu chia nhau "chiến lợi phẩm" từ đầu tư nước ngoài. Bộ trưởng Kinh tế Martin Guzman của Argentina nói thỏa thuận buộc các nước đang phát triển phải lựa chọn giữa "một điều tệ và một điều còn tệ hơn".
Tổ chức Oxfam cho rằng thỏa thuận sẽ không giúp dẹp bỏ các thiên đường thuế. "Các trò gian manh thuế nằm ở các chi tiết, bao gồm một mạng lưới miễn trừ phức tạp" - Hãng tin Reuters dẫn lời bà Susana Ruiz, người đứng đầu chính sách thuế của Oxfam, nói.
Theo tổ chức này, thời hạn áp dụng thuế tối thiểu đến 10 năm cùng với vô số lỗ hổng sẽ khiến nó trở thành "vô hại" với các công ty trốn thuế. Đó là chưa kể thời gian triển khai thỏa thuận, dự kiến từ 2023, được đánh giá là quá tham vọng ngay cả với một nước lớn như Mỹ.
Đảng Cộng hòa của Mỹ đã cảnh báo sẽ không ủng hộ thỏa thuận. Lựa chọn khác với Mỹ là cải tổ luôn luật thuế nhưng có thể phải chờ đến năm 2025.
"Giống như Thỏa thuận Paris về khí hậu, việc kết luận các cuộc đàm phán kỹ thuật với sự ủng hộ chính trị là phần dễ dàng, việc thực thi thỏa thuận sẽ là thách thức lớn hơn rất nhiều" - Đài CNN dẫn quan điểm của giới phân tích tại Tổ chức tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group nhận định.
Lộ trình triển khai thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu
* 13-10: Trình dự thảo thỏa thuận lên Hội nghị bộ trưởng tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
* 31-10: Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome (Ý) phê chuẩn lần cuối.
* 2022: Các nước ký thỏa thuận và cập nhật, điều chỉnh hệ thống luật.
* 2023: Thỏa thuận có hiệu lực.
TTO - Tại London (Anh) ngày 5-6, bộ trưởng tài chính nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Ý và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận lịch sử về mức thu thuế tối thiểu đối với các doanh nghiệp toàn cầu.
Xem thêm: mth.2654718001011202-euht-gnoud-neiht-ob-aox-ot-iac-couc/nv.ertiout