Khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư ở TP.HCM, Nguyễn Duy (sinh viên năm ba, trường ĐH Nội vụ Hà Nội, phân hiệu tại TP.HCM) xông xáo tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại phường 5, quận Tân Bình.
Tại đây, Nguyễn Duy hỗ trợ nhiều công tác phòng chống dịch, trong đó có nhiệm vụ trực trạm cấp cứu lưu động, chăm sóc cho F0 tại nhà.
Nam sinh viên Nguyễn Duy tham gia làm tình nguyện viên trên địa bàn phường 5, quận Tân Bình. Ảnh nhân vật cung cấp
Cuối tháng 7-2021, nam sinh viên nhận được điện thoại nhờ hỗ trợ của cô giáo cũ đang sinh sống ở phường 5. Theo đó, cả nhà cô này bị nhiễm COVID-19, phải đi cách ly. Các thành viên trong gia đình đều đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cách ly điều trị nhưng họ vẫn băn khoăn, lo lắng cho Moon-si – con chó cưng của gia đình – không ai chăm sóc.
Nguyễn Duy nhớ lại: “Biết tôi hoạt động tình nguyện trên địa bàn, cô giáo đã điện thoại nhờ giúp đỡ. Cô nhờ tôi tìm một trung tâm hoặc nơi nào đó có thể chăm sóc Moon-si trong thời gian cả nhà đi cách ly. Tuy nhiên, tôi và cả nhà cô liên lạc khắp nơi cũng không chỗ nào chịu nhận chăm hộ”.
Moon-si cũng dễ gần, đáng yêu nên anh Duy cũng không ngại việc chăm sóc. Ảnh nhân vật cung cấp
Không thể làm gì khác, cô giáo cũ của Duy quyết định cột Moon-si ở trước cửa nhà kèm tấm bảng “Xin thương Moon-si. Xin cho nó ăn hoặc nuôi giùm khi nhà đi vắng. Gia đình xin cảm ơn”. Không nỡ để chó cưng của gia đình cô giáo bơ vơ, nam sinh viên liền ngỏ lời nhận nuôi nó trong lúc cả nhà đi vắng.
Gia đình cô giáo rất vui mừng và còn tin tưởng giao luôn chìa khóa nhà để Nguyễn Duy có thể ra vào chăm sóc cho Moon-si. Thế là, mỗi ngày, sau thời gian trực ở trạm cấp cứu lưu động hoặc đi tiêm vaccine cho người dân, Duy thường ghé sang nhà của cô giáo để thăm Moon-si.
Trước khi đi cách ly, cô giáo của anh Duy viết một tấm bảng nhờ hàng xóm, người quen cho Moon-si ăn uống. Ảnh nhân vật cung cấp
“Mấy ngày đầu tham gia lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, tôi bị chó của người dân cắn, cũng may chỉ bị rách quần. Cho nên, tôi cũng không mấy thiện cảm, hơi bất an khi lại gần Moon-si. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, tôi và Moon-si đã thân thiết và bắt đầu mến nhau” – Nguyễn Duy chia sẻ.
Cũng theo Nguyễn Duy, anh đã tham khảo ý kiến của nhân viên y tế phường trước khi nhận nuôi chó giúp F0. Các anh chị dặn chỉ cần đảm bảo 5K như khẩu trang, kính giọt bắn, găng tay… thì cứ chăm chó thoải mái.
Vậy là, mỗi ngày, Duy và các bạn trong nhóm tình nguyện viên đều mang đồ ăn đến đặt trước cửa, rồi gọi Moon-si ra ăn. Những hôm gọi mãi nhưng không thấy chú chó đâu, Duy liền tận dụng đồ bảo hộ đang mặc để vào nhà tìm.
Hiện tại, anh Duy vẫn đang trực tại trạm cấp cứu lưu động và chăm sóc F0 tại nhà. Ảnh nhân vật cung cấp.
Duy nói: “Việc chăm sóc cho Moon-si không ảnh hưởng đến công việc cũng như sức khỏe của tôi. Chú chó còn trở thành niềm vui của tôi sau một ngày làm việc căng thẳng. Cả nhà cô giáo cũng an tâm đi cách ly khi chó cưng có người tận tình lo chuyện ăn uống. Mỗi lần gọi điện hỏi thăm Moon-si, cô giáo đều cảm ơn tôi rối rít”.
Hiện tại, chủ nhân của Moon-si đã khỏe mạnh và trở về nhà đoàn tụ với chó cưng. Anh Nguyễn Duy cũng an tâm trở lại công việc chính. Thế nhưng, anh vẫn cảm thấy có phần thiếu vắng khi mỗi ngày không được gặp Moon-si. Vì vậy, mỗi khi có dịp chạy ngang nhà cô giáo cũ, anh vẫn ghé vào hỏi thăm Moon-si.
Biết được câu chuyện này, nhiều cư dân mạng đã cảm ơn Duy, chia vui với Moonsi và chủ nhân của chú chó vì họ trọn vẹn may mắn gặp lại nhau sau khi chủ đi cách ly trở về. Cộng đồng mạng cũng không quên gửi lời chia buồn, xót thương 15 chú chó ở Cà Mau chỉ may mắn được một nửa hành trình theo chủ về quê, sau đó đã phải bị chia lìa vĩnh viễn bằng một quyết định hành chính của chính quyền khi chủ phải đi cách ly.