Giá lợn hơi đang rơi tự do, có nơi bán từ 33.000 - 35.000 đồng/kg - mức giá thấp nhất kể từ cuối năm 2019 khi dịch tả lợn Châu Phi lần đầu xuất hiện tại Việt Nam.
Giá lợn hơi "chạm đáy"
Bà Nguyễn Thị Lập (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cho biết, giữa năm 2018, khi đàn lợn của gia đình xuất chuồng thì giá rớt còn khoảng 30.000 đồng/kg. Bán cả đàn hàng trăm con lợn, bà phải chịu lỗ gần 400 triệu đồng. Đến đầu năm 2019, bà vay mượn khoảng 240 triệu đồng để vào đàn 300 con giống.
Nhưng đến tháng 4.2019, đàn lợn đã được 3 tháng, ngốn thêm khoảng 900 triệu đồng thì lăn ra chết la liệt do dịch tả.
“Dù địa phương hỗ trợ, nhưng tôi vẫn phải chịu lỗ thêm khoảng 500 triệu đồng” - bà Lập nói và cho biết, mới quay lại tái đàn sau hơn một năm bỏ chuồng thì lại gặp phải "cơn lốc" tăng giá thức ăn chăn nuôi, trong khi giá lợn hơi giảm mạnh. Tính ra, hiện mỗi con lợn xuất chuồng, bà chịu lỗ nửa triệu đồng.
Ông Trần Văn Ngũ (Bắc Ninh) - chủ trang trại chăn nuôi lợn với quy mô khoảng 500 con lợn thịt cho biết, giá thức ăn chăn nuôi tăng lần thứ 9 trong năm qua khiến ông thua lỗ, nên đến thời điểm hiện tại, mặc dù gần cuối năm nhưng gia đình ông chưa có kế hoạch nuôi lại.
"Chi phí nuôi một con lợn từ khi vào giống đến khi xuất chuồng mất khoảng 3-3,5 triệu đồng tiền cám, nhưng hiện nay chi phí này đã lên mức 5-5,5 triệu đồng. Với mức giá hiện tại, phần lớn người dân đều bán sớm, chấp nhận bỏ chuồng đợi giá thức ăn xuống mới tính tiếp", ông Ngũ nói.
Giá lợn hơi giảm - nguyên nhân do đâu?
Nói về giá lợn giảm sâu, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết, thời gian này ngành chăn nuôi đang chịu áp lực lớn do chuỗi cung ứng bị đứt gãy vì dịch COVID-19.
Chưa kể, khâu lưu thông, vận chuyển vẫn gặp khó khăn dẫn đến chi phí phát sinh nhiều nên có sự chênh lệch rất lớn giữa giá lợn hơi tại chuồng và giá thịt lợn tại chợ.
"Việc các địa phương giãn cách xã hội, khiến nhu cầu ở các thành phố lớn giảm hết - khi các nhà hàng, quán ăn, trường học, bếp ăn tập thể... phải đóng cửa.
Bên cạnh đó, khi giãn cách, người dân không có việc làm, không có thu nhập, điều này đồng nghĩa với việc tiêu dùng cũng sụt giảm nghiêm trọng" - ông Trọng nói.
Theo ông Trọng, tiêu dùng giảm, khiến ngành chăn nuôi bị ứ đọng khoảng 30% về mặt số lượng. Chưa kể, hiện nay giá lợn hơi rất thấp, trung bình từ 40.000-50.000 đồng/kg, cá biệt có những nơi chỉ khoảng 33.000-35.000 đồng/kg lợn hơi.
"Việc chăn nuôi ứ đọng sẽ rất khó để bà con nông dân tái đàn, phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm" - ông Trọng nói.
Ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng, để khắc phục tình trạng trên và để đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm, bộ ngành và các địa phương cần thực hiện tốt Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ để gỡ khó cho ngành chăn nuôi. Từ đó, mới có thể đảm bảo được nguồn thực phẩm.
Còn Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên tìm cách kiểm soát khung giá bán, tỉ lệ chiết khấu cho đại lý nhằm hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất và người chăn nuôi.
Xem thêm: odl.271269-ol-auht-nad-gnon-gkgnod-00053-00033-noc-ihc-od-ut-ior-ioh-nol-aig/et-hnik/nv.gnodoal