Báo cáo thị trường căn hộ chung cư ở TP.HCM của Công ty tư vấn Bất động sản Jones Lang LaSalle (JLL) cho thấy, nguồn cung mới thấp kỷ lục. Trong quý 3/2021, nguồn cung căn hộ mới chỉ đạt 1.610 căn đủ điều kiện được bán, sụt giảm mạnh tới 73,4% theo quý và giảm 67,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá của JLL, đây là lượng mở bán thấp kỷ lục kể từ năm 2014 do một loạt sự kiện mở bán mới bị trì hoãn theo quy định giãn cách xã hội trong suốt quý 3.
Nguồn cung giảm, nhu cầu giảm nhưng thị trường sơ cấp ở Tp HCM vẫn tăng giá... |
Trong khi hạn chế nguồn cung mới thì nhu cầu vẫn duy trì mạnh mẽ giúp đẩy mạnh giao dịch hàng tồn ở các dự án hiện hữu khiến tỷ lệ bán của toàn bộ thị trường tăng từ 93% trong quý 2 lên mức đạt 94,1% trong quý 3/2021.
Số liệu từ JLL cũng cho thấy, giá bán sơ cấp trung bình đạt 2.683 USD/m2, tăng 4,4% theo quý và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bán tăng mạnh trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và các dự án mới gia nhập thị trường phần lớn đều ở phân khúc trung cấp trở lên. Riêng ở phân khúc cao, giá bán sơ cấp đạt 5.099 USD/m2, tăng 3,9% theo quý và 11,4% theo năm chủ yếu do các dự án chào bán mới với mức giá cao hơn mức trung bình.
Đáng chú ý, giá bán có xu hướng tăng đều khắp các quận, huyện nội thành, thậm chí xu hướng tăng giá còn lan rộng ra các quận huyện vùng ven với nhiều dự án mới chào bán với mức giá cao kỷ lục so với mặt bằng chung của khu vực.
Giá chào bán tăng cũng đi kèm với việc nâng cấp chất lượng công trình và chính sách bán hàng ưu đãi. Nhằm hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch, nhiều chủ đầu tư triển khai các chính sách bán hàng mới như giãn tiến độ thanh toán hoặc chiết khấu trực tiếp trên giá bán.
Nhiều đánh giá cho rằng chung cư tại TP.HCM vẫn là điểm sáng trên thị trường, khi tỷ lệ hấp thụ đạt cao nhất trong các phân khúc nhà ở.
Thị trường căn hộ chung cư TP.HCM do ảnh hưởng lớn của dịch bệnh khiến nguồn cung giảm, nhu cầu giảm nhưng thị trường sơ cấp vẫn tăng giá. Đây là diễn biến khá ‘lạ’ của thị trường.
Lý giải về hiện tượng loại hình chung cư lội ngược dòng tăng giá trong bối cảnh dịch bệnh, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là do các ‘ông lớn’ dẫn dắt cuộc chơi về giá. Khi nguồn cung ra ngoài thị trường khan hiếm, các quỹ đất ở vị trí tốt và đắc địa nằm trong tay một số chủ đầu tư lớn, họ bắt đầu thiết lập các mức giá cao hơn hẳn so với mặt bằng giá đã xác lập trước đây.
Ông Tuấn đơn cử, ở khu vực trung tâm, 2 năm trước, mức giá của căn hộ cao nhất là 200 triệu đồng/m2 thì tới năm 2021 đã lên tới mức 450-500 triệu đồng/m2.
Tại khu vực quận 9 thiết lập mức giá mới 55-60 triệu đồng/m2 so với mức giá cũ tầm 25-30 triệu đồng/m2.
Hay tại trung tâm TP Thủ Đức, một dự án mới đã tung ra thị trường với mức giá 75-80 triệu đồng/m2, cao hơn gấp 2 lần so với mức giá thiết lập ở các khu vực lân cận.
Nguyên nhân khác là do chi phí tiền sử dụng đất và chi phí phát triển dự án tăng nhanh hàng năm, đây là các chi phí chủ chốt làm cho giá chung cư luôn thiết lập mặt bằng mới.
Cùng với đó, chi phí giá nguyên vật liệu xây dựng cho một dự án như sắt, thép, xi măng, cát đang leo thang mạnh và dự báo chưa có điểm dừng. Điều này góp phần vào việc tăng giá bán bất động sản, đặc biệt là các dự án có thời gian và tiến độ xây dựng qua 2-3 năm.
Theo ông Tuấn, mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng nặng tại thị trường TP.HCM trong thời gian vừa qua, tuy nhiên nhu cầu nhà ở vẫn rất cấp thiết đối với thành phố có hơn 10 triệu dân và tỷ lệ nhập cư cao nhất cả nước.
“Một xu hướng cũng được ghi nhận trong giai đoạn dịch là có sự dịch chuyển về các khu vực có mật độ dân cư thấp, hạ tầng có sự quy hoạch đồng bộ, có đầy đủ tiện ích và các khu vực có không khí sạch thoáng, phù hợp với nhu cầu làm việc tại nhà. Thị trường chung cư thời gian tới sẽ tiếp tục khan hiếm các dự án sơ cấp và tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp. Dự báo khi dịch được kiểm soát, giá bất động sản sẽ tiếp tục xu hướng tăng”, ông Tuấn nhận định.
Minh Thư
Infonet