Việc dạy - học trực tuyến, với sinh viên và cả giảng viên, cơ bản thuận lợi do đã tương đối quen thuộc từ năm học trước. Tuy nhiên, môi trường trực tuyến đòi hỏi trường đại học phải chủ động tạo ra không gian giao lưu, phát triển kỹ năng cho sinh viên để khơi gợi hứng thú học tập.
Tại Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), bên cạnh những bài học được đầu tư kỹ càng hay nguồn học liệu đa dạng từ ứng dụng thư viện điện tử, sinh viên còn có dịp tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa trực tuyến thú vị, sẵn sàng kỹ năng cho cả việc học tập online lẫn môi trường “offline” sắp trở lại.
Khi tinh thần học tập không tránh khỏi bị ảnh hưởng do giãn cách và học trực tuyến kéo dài, tân sinh viên cần có những phương pháp học tập phù hợp để kịp thời thích nghi với môi trường mới. Trước yêu cầu đó, các chương trình gặp gỡ tân sinh viên HUTECH đều có các chuyên gia tâm lý đồng hành bên cạnh giảng viên, đại diện doanh nghiệp,... TS. Tô Nhi A chia sẻ: “Trong quá trình học, người gắn bó nhất với các bạn là các giảng viên, nên các bạn cần chủ động nắm chắc yêu cầu của giảng viên cho từng học phần, từng buổi lên lớp. Sinh viên nên tích cực tương tác với giảng viên trong quá trình học, mạnh dạn nêu thắc mắc, trao đổi bài để chống lại sức ì của bản thân cũng như tích lũy kiến thức hiệu quả hơn”.
Đồng hành cùng tân sinh viên của Trường còn có các chuyên gia tâm lý quen thuộc như TS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, ThS. Chế Dạ Thảo,... Tân sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Quý (ngành Quản trị kinh doanh) cho biết: “Việc bước vào một môi trường mới đã là một thử thách, và hình thức học trực tuyến cũng là một khó khăn nữa. Nhưng qua các buổi gặp gỡ đầu tiên, em cảm nhận được thầy cô rất thân thiện, còn các anh chị khóa trên rất là nhiệt tình luôn. Tụi em còn được giao lưu với cô Tô Nhi A, biết các phương pháp hữu ích để học đại học một cách hiệu quả”. HUTECH cũng là một trong số rất ít các trường đại học hướng đến chăm sóc sức khỏe tinh thần một cách toàn diện cho sinh viên, thông qua các webinar định kỳ với chủ đề thiết thực như quản lý thời gian, quản lý sự thay đổi, chuyển hóa cảm xúc, “sống chậm”, làm việc tại nhà,... có chuyên gia tâm lý đồng hành.
Bên cạnh việc trang bị hành trang tinh thần và phương pháp học tập, những sân chơi ngoại khóa năng khiếu hay kỹ năng thích nghi trong thời đại công nghệ tại Trường cũng là điểm nhấn thu hút sinh viên, tạo cơ hội giải trí lành mạnh và tương tác, kết nối thường xuyên với bạn bè trong thời gian giãn cách.
Với mô hình đào tạo hiện đại, trường khuyến khích sinh viên theo đuổi sở thích nghệ thuật, thể thao như một cách xây dựng sự tự tin, khơi gợi tinh thần phát triển toàn diện. Trong thời điểm các CLB năng khiếu như Thanh nhạc, Vũ đạo, MC, Model, Guitar, Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng rổ hay các sân chơi tài năng chuyên nghiệp HUTECH's Talent, Miss HUTECH,... chưa thể tổ chức trực tiếp, các sự kiện giao lưu âm nhạc và thử thách thể thao trực tuyến chính là phương tiện thay thế kịp thời. Đây cũng là cách để sinh viên kết nối với môi trường và bạn bè đại học, thư giãn và duy trì năng lượng tích cực.
Đặc biệt, các chủ đề ngoại khóa không còn gói gọn ở kỹ năng học tập hay thuyết trình, tìm việc, mà còn mở rộng đến tình bạn, tình yêu, xây dựng thương hiệu,... - những vấn đề luôn khiến sinh viên quan tâm nhưng ít khi được trao đổi thoải mái trong trường đại học.
Như trong buổi giao lưu "Tình yêu thời 4.0" với ThS. Đào Lê Tâm An, những vấn đề như chọn đúng người, sự thân mật, ai là người bắt chuyện/nhắn tin trước?,... đã được sinh viên nhiệt tình tương tác, bởi đây gần như là lần đầu tiên các bạn có thể thoải mái trò chuyện về tình yêu. Một chủ đề khác cũng được quan tâm là xây dựng thương hiệu cá nhân. Trong một thế giới bùng nổ các mạng xã hội, việc khẳng định thương hiệu cá nhân giúp các bạn dễ dàng "được thấy", "được công nhận" và "được chọn", không chỉ bởi nhà tuyển dụng, mà còn bởi cộng đồng nói chung trong hành trình đi đến ước mơ của mình.
Với các trường đại học định hướng đào tạo thực tiễn như HUTECH, hoạt động trải nghiệm doanh nghiệp gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh gây ra không ít khó khăn. Giải pháp bổ sung kịp thời tại trường là các hoạt động giao lưu thường xuyên với đại diện doanh nghiệp - những nhà tuyển dụng tương lai.
Trong tuần đầu tiên của năm học, sinh viên trường đã có dịp tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, các tập đoàn đa quốc gia,... Trường cũng tổ chức định kỳ các chương trình tập huấn ứng tuyển và tuyển dụng trực tuyến hàng tháng. Dự tập huấn với chuyên gia nhân sự Tập đoàn CBRE, Nhược Thủy (sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh) chia sẻ: “Em từng nghĩ phỏng vấn trực tuyến chắc áp lực lắm, nhưng thông qua chia sẻ của diễn giả, em thấy tự tin hơn khi nắm được các phương pháp cần thiết, sẵn sàng để ứng tuyển”. Cũng với hình thức trực tuyến, nhiều sinh viên hệ ĐH chuẩn Nhật Bản đã hoàn thành khóa học phát triển tư duy sáng tạo Innovation do giảng viên ĐH Công nghệ Kanazawa (K.I.T - Nhật Bản) và các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu SRI International (Hoa Kỳ) giảng dạy.
TS. Nguyễn Quốc Anh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường - cho biết: "Kỹ năng học tập, làm việc trực tuyến không chỉ thiết yếu ở hiện tại mà cho thấy khả năng vận dụng công nghệ và thích nghi với biến động - những khả năng cần thiết ở bất kỳ thời điểm nào. Việc trang bị kỹ năng làm việc trực tuyến cũng tạo lợi thế cho sinh viên sau này, khi "trực tuyến hóa" trở thành xu thế của thị trường lao động sau COVID-19. Và kể cả khi hoạt động trực tuyến, Nhà trường vẫn đảm bảo các chương trình kết nối doanh nghiệp để sinh viên luôn có thể trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm".
Trong những biến động, tinh thần tích cực luôn là chìa khóa cần thiết. Sinh viên HUTECH đang chủ động phát triển tư duy và tinh thần tích cực mỗi ngày bằng những hoạt động sôi nổi, hiệu quả như thế.
Tương lai luôn rộng mở với những người trẻ bản lĩnh sẵn sàng thích nghi và giàu trải nghiệm.