Thông tin được đưa ra tại hội thảo trực tuyến “Kỷ niệm ngày Sức khỏe tâm thần thế giới” hưởng ứng ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (10-10). Chủ đề của năm nay là chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn dân: Hãy biến điều đó thành hiện thực, nhằm kêu gọi tất cả các nước và mọi người dân cùng chung tay để hiện thực hóa các sáng kiến, các ý tưởng, các kế hoạch thành hành động cụ thể, thiết thực nhằm đảm bảo mọi người có nhu cầu được chăm sóc sức khỏe tâm thần một cách chất lượng, hiệu quả và toàn diện.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay sức khỏe tâm thần là một trong ba cấu phần không thể tách rời và có mối quan hệ mật thiết với thể chất và xã hội, sức khỏe tâm thần ngày càng có tầm quan trọng và một lần nữa Tổ chức Y tế Thế giới đã nhấn mạnh thông điệp “không có sức khỏe tâm thần là không có sức khỏe”.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin theo Tổ chức Y tế Thế giới, tính trên toàn cầu, cứ bốn người thì có một người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, không có gia đình nào không liên quan đến sức khỏe và có 10 nguyên nhân chủ yếu gây mất khả năng lao động là do các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Có thể nói thế kỷ 21 là thế kỷ của sức khỏe tâm thần.
“Đặc biệt, ngày Sức khỏe tâm thần thế giới năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, làm gia tăng một cách đáng kể các rối loạn tâm thần, làm trầm trọng thêm hố ngăn cách bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội kèm theo các hậu quả nặng nề của nó” - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, việc mọi người trải qua nỗi sợ hãi, lo lắng và căng thẳng trong bối cảnh của đại dịch COVID-19 là điều bình thường và dễ hiểu.
Cùng với nỗi sợ nhiễm virus trong đại dịch COVID-19, những thay đổi đáng kể trong cuộc sống hằng ngày như bị hạn chế đi lại, giãn cách xã hội cùng với thực tế mới của làm việc tại nhà, thất nghiệp tạm thời, con cái phải học online, thiếu tiếp xúc với anh/chị/em họ hàng, bạn bè… đã làm gia tăng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của mọi người.