Không dừng lại ở mảng sản xuất công nghiệp (với đơn vị chủ lực Vicostone), những năm trở lại đây, CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) đang tham gia sâu vào lĩnh vực công nghệ, cho thấy tham vọng phát triển một hệ sinh thái đang dạng. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Xuân Năng (còn được biết đến với biệt danh Năng "Do Thái"), Phenikaa đang hướng đến hệ sinh thái với 3 trụ cột chính: doanh nghiệp – nghiên cứu khoa học – giáo dục.
Chỉ sau 2 năm, tập đoàn này đã cho thấy những bước đi mạnh mẽ bằng việc đầu tư vào các công ty công nghệ (spin-off), hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, chuyển đổi số trong giáo dục, triển khai một loạt sản phẩm, giải pháp công nghệ "made by Vietnam".
Làm chủ công nghệ tự hành
Cuối tháng 3, Phenikaa gây chú ý khi ra mắt mẫu xe tự hành cấp độ 4 đầu tiên tại Việt Nam. Xe là sản phẩm tự hành đầu tiên được nghiên cứu và phát triển bởi các kỹ sư và nhà khoa học làm việc tại Phenikaa. Sự kiện này đã đánh dấu bước đột phá trong quá trình nghiên cứu, làm chủ công nghệ tự hành.
Theo thông tin từ tập đoàn, thiết bị thỏa mãn cấp độ 4 trên thang đo 5 tiêu chuẩn tự lái của Hiệp hội Kỹ sư Xe hơi (SAE), thân thiện với môi trường dựa trên những công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, bản đồ số hóa 2D/3D, cảm biến Lidar, SLAM, học máy, học sâu... cùng gần 40 tính năng thông minh, tiện ích cho người dùng.
Bên cạnh đó, các mẫu robot thông minh như robot vận chuyển, robot khử khuẩn, robot lễ tân... cũng được đơn vị này lần lượt giới thiệu.
Đại diện Phenikaa kỳ vọng, các thành tựu trong việc làm chủ công nghệ tự hành sẽ góp phần tạo tiền đề cho sự phát triển của ngành công nghệ tự hành tại Việt Nam trong tương lai, truyền cảm hứng cho doanh nghiệp Việt phát triển, tự tin sử dụng sản phẩm công nghệ nội địa.
Đầu tư vào startup sở hữu công nghệ bản đồ
Một sự kiện khác cũng khiến giới startup đặc biệt quan tâm, đó là việc Phenikaa đầu tư vào BusMap – đơn vị sở hữu công nghệ lõi về bản đồ. Sau khi đầu tư, BusMap đã đổi tên thành công ty CP công nghệ Phenikaa MaaS, chính thức trở thành thành viên của hệ sinh thái tập đoàn.
Nhà sáng lập BusMap – Lê Yên Thanh là một người Việt trẻ tiêu biểu. Từ bỏ công việc mới mức lương nghìn đô tại Google, Lê Yên Thanh trở về Việt Nam để phát triển BusMap - ứng dụng mà anh vốn đã "thai nghén" từ thời sinh viên. Ứng dụng này đã chạm mốc 2 triệu người dùng.
Cộng hưởng sức mạnh từ hệ sinh thái tập đoàn, Phenikaa MaaS thực hiện tái cấu trúc, phát triển theo hướng trở thành một doanh nghiệp cung cấp các giải pháp, sản phẩm và dịch vụ số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực giao thông thông minh, đô thị thông minh tại Việt Nam.
Trong giai đoạn dịch Covid, BusMap là đơn vị hỗ trợ đắc lực cho hơn 20 tỉnh, thành trên cả nước như Đà Nẵng, Hải Dương…, giúp xây dựng bản đồ Covid, hỗ trợ người dân tra cứu thông tin, các điểm đến có nguy cơ cao…
Việc đầu tư vào startup tiếp tục thể hiện cam kết ươm mầm và phát triển thế hệ trẻ Việt Nam tài năng của Phenikaa, qua đó góp phần thúc đẩy giải pháp, sản phẩm công nghệ có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ cao vì sự phát triển bền vững chung của đất nước, hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Chuyển đổi số trong giáo dục
Lĩnh vực giáo dục luôn được Tập đoàn Phenikaa chú trọng đầu tư, theo cả hình thức trực tiếp và gián tiếp. Nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi số và ứng dụng các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực giáo dục, Phenikaa đã nghiên cứu, phát triển và giới thiệu gói PHX Smart School dành cho trường học thông minh.
Robot khử khuẩn của Phenikaa
Gói giải pháp này sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ bản đồ số, tích hợp các tính năng như nhận diện khuôn mặt, giám sát hành trình thông qua các thiết bị IoT nhằm triển khai các hoạt động giảng dạy và quản lý trên một nền tảng chung cho bốn đối tượng trọng tâm gồm học sinh, phụ huynh, giáo viên, nhà quản lý. Sản phẩm hỗ trợ hoạt động giáo dục trực tuyến, tăng cường liên kết giữa nhà trường và phụ huynh trong quản lý, giám sát theo thời gian thực nhanh chóng, chính xác.
Ứng dụng công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19
Ngoài hỗ trợ của BusMap, hồi tháng 6, Phenikaa còn gửi robot khử khuẩn thông minh đến bệnh viện dã chiến Bắc Giang nhằm hỗ trợ lực lượng y tế, cán bộ địa phương chống dịch. Robot sử dụng tia UVC và hoá chất giúp loại bỏ vi khuẩn, giảm bớt việc lây lan. Ngoài ra, sản phẩm còn tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), bản đồ số hóa... có khả năng di chuyển linh hoạt, tự động tránh vật cản, vận chuyển các nhu yếu phẩm, giám sát người bệnh và người được cách ly thông qua các camera theo dõi, nhận diện, nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang, đo thân nhiệt...
Ngoài bệnh viện dã chiến Bắc Giang, robot khử khuẩn thông minh đang được sử dụng tại các cơ sở giáo dục và y tế tại Hà Nội nhằm đảm bảo môi trường an toàn cho các hoạt động giảng dạy của học sinh, sinh viên và chữa trị cán bộ y tế.
Ngọc Diệp
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị