Tối 2.1, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thông tin về việc chùa Ba Vàng (TP.Uông Bí) tổ chức rước và chiêm bái vật thể được cho là "xá lợi tóc Đức Phật" gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Theo tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian qua, một số hoạt động của chùa Ba Vàng như: lễ thỉnh vong, giải oan gia trái chủ, xin chuyển sang hệ phái Nam tông kinh, phát ngôn gây mất đoàn kết liên quan đến tín ngưỡng thờ mẫu, rước và trưng bày vật thể được cho là "xá lợi tóc Đức Phật" từ Myanmar… gây phức tạp dư luận, tiềm ẩn mất an ninh trật tự trên địa bàn.
UBND tỉnh Quảng Ninh thông tin vụ chùa Ba Vàng tổ chức chiêm bái 'xá lợi tóc'
Đặc biệt, từ ngày 23 - 27.12 (tức ngày 11 - 15.11, năm Quý Mão), chùa Ba Vàng tổ chức rước, trưng bày, chiêm bái vật thể được cho là "xá lợi tóc Đức Phật", cùng một số hoạt động khác, là chưa đúng quy định của luật về chủ thể cũng như thời gian đăng ký theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30.12.2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Đáng chú ý, UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc tổ chức cho Phật tử chiêm bái cái gọi là "xá lợi tóc Đức Phật" chính là hoạt động triển lãm. Vì vậy, đã vi phạm quy định tại Nghị định số 23/2019/NĐ-CP ngày 26.2.2019 của Chính phủ về hoạt động triển lãm.
Sau khi được các cơ quan thông tấn báo chí phản ánh và dư luận lên tiếng, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao Ban Tôn giáo tỉnh phối hợp với UBND TP.Uông Bí tiếp tục kiểm tra, làm rõ, củng cố hồ sơ, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý các chủ thể có liên quan để xảy ra vi phạm theo quy định.
Chùa Ba Vàng gỡ thông tin, hình ảnh về 'xá lợi tóc Đức Phật'
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu chùa Ba Vàng không biên soạn, sản xuất các video, hình ảnh, tài liệu… và gỡ bỏ toàn bộ các thông tin giới thiệu về vật thể được cho là "xá lợi tóc Đức Phật" đã đưa trên các trang thông tin của chùa và của đại đức Thích Trúc Thái Minh cũng như các trang mạng xã hội có liên quan đến sự việc trên, gây dư luận phức tạp, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng bình thường trên địa bàn.