Sáng 11-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 4, cho ý kiến về báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.
Mong cá nhân có trách nhiệm phải nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật
Trình bày dự thảo báo cáo, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho hay cử tri và Nhân dân cảm nhận sâu sắc sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự ủng hộ và sáng kiến pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Ảnh: Quochoi.vn
Cử tri và Nhân dân cũng đánh giá cao Đảng và Nhà nước đã kịp thời củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng làm Trưởng ban; quyết định chi viện lực lượng tuyến đầu cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch.
Cử tri cũng đánh giá cao các cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng tuyến đầu, các nhà hảo tâm, tình nguyện viên… nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở ngày đêm bám địa bàn, bám dân, không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng hy sinh quên mình để phòng, chống dịch, chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, nguồn lực của đất nước còn hạn chế, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Delta cực kỳ nguy hiểm đã gây tổn thất nặng nề về người và kinh tế, xã hội.
“Kinh tế bị bào mòn, sức khỏe cộng đồng bị bào mòn, sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân bị bào mòn, chỉ có lòng nhân ái, tình dân, nghĩa Đảng, lòng yêu nước, thương nòi được nhân lên gấp bội”- ông Chiến nói.
Theo ông Đỗ Văn Chiến, đến nay, đợt dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 đã cơ bản được kiểm soát, kết quả đó rất đáng trân trọng, nhiều quyết sách có tính lịch sử thể hiện tính ưu việt của chế độ, được cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
“Cử tri và Nhân dân mong muốn các cấp, các ngành, các tập thể, cá nhân có trách nhiệm phải nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với một số nội dung chỉ đạo chưa sát với thực tiễn, thiếu thống nhất, những việc còn lúng túng, chậm trễ, bị động… để chuẩn bị các điều kiện cần thiết, ứng phó với mọi tình huống xấu hơn có thể xảy ra, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với các biến thể mới của COVID-19”- Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết.
Nhiều đối tượng chưa được nhận các gói hỗ trợ an sinh xã hội
Cũng theo ông Đỗ Văn Chiến, dịch bệnh COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, GDP chín tháng đầu năm 2021 không đạt kế hoạch; công tác giải ngân vốn đầu tư công chậm…
Cử tri và Nhân dân lo lắng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 không đạt, dẫn đến khó đạt được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2021 - 2026.
Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các địa phương tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, vận chuyển vật tư, thiết bị để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời có các chính sách hỗ trợ về thuế, giãn, khoanh nợ ngân hàng, cho vay mới; giảm lãi suất ngân hàng, giảm các khoản phí, lệ phí, tiền thuê đất; có chính sách hỗ trợ duy trì lực lượng lao động… để doanh nghiệp có thể vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số lượng lớn người lao động, nhất là trong các khu công nghiệp bị thiếu hoặc mất việc làm, thu nhập bấp bênh; một bộ phận người lao động nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết nhu cầu tài chính trước mắt sẽ có hệ lụy về lâu dài…
Cử tri và Nhân dân phản ánh còn nhiều đối tượng chưa được nhận các gói hỗ trợ an sinh xã hội; thủ tục hỗ trợ cho doanh nghiệp còn bất cập, rườm rà, tiến độ giải ngân chậm. Cạnh đó, việc quy định hỗ trợ đối với một số đối tượng chưa cụ thể nên các địa phương áp dụng chưa thống nhất; một bộ phận nông dân gặp khó khăn nhưng chưa được đưa vào diện hỗ trợ.
Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng lợi dụng việc thực hiện chính sách phòng, chống dịch để trục lợi, gây bức xúc trong Nhân dân…
Ông Đỗ Văn Chiến cũng cho biết cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tăng cường giám sát, kiểm tra để tránh xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Phải xem xét, đánh giá lại quá trình chống dịch Phát biểu sau đó, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá tình hình dịch bệnh COVID -19 tác động rất mạnh mẽ, người dân có nhiều tâm trạng khác nhau. Dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo “không tô hồng, không bôi đen”, ông Cường đề nghị báo cáo này cần bổ sung. Theo Tổng thư ký Quốc hội, sau đợt bùng phát thứ 4 của dịch bệnh, một số chỉ đạo, thực hiện của các địa phương đã gây ra một tâm trạng bất an cho bộ phận nhân dân. Ông Cường nêu lại việc vào tận nhà cưỡng chế người dân xét nghiệm, câu chuyện “bánh mì không phải là thực phẩm thiết yếu”, hay cuộc di dân mà ông nhận định là “chưa từng thấy từ năm 1975 trở lại đây”… Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị “phải xem xét để đánh giá” toàn bộ những việc này để thấy tâm trạng của người dân… |