Bùi Ý Nhi, 20 tuổi (trái), đến từ Hà Nội, được bà Ann Måwe trao quyền đảm nhiệm vị trí đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam trong 1 ngày - Ảnh: Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam
Hoạt động được khởi xướng vào năm 2012 nhằm tạo cơ hội giúp các em gái được trải nghiệm vai trò lãnh đạo trong các lĩnh vực đời sống. Năm nay, với thông điệp kêu gọi thúc đẩy tăng cường kiến thức kỹ thuật số cho mọi trẻ em, chiến dịch hướng tới xây dựng một môi trường không gian số an toàn và không có sự phân biệt.
Bà Ann Måwe, đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, cho biết: "Chưa có quốc gia nào trên thế giới đạt được bình đẳng giới. Phân biệt đối xử và tình trạng phụ thuộc vẫn là vấn đề lớn mà phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt".
Tuy nhiên, bà cho rằng không vì thế mà phụ nữ và trẻ em gái chấp nhận đầu hàng số phận, trẻ em gái nỗ lực hằng ngày để thay đổi các định kiến giới, những quan điểm cổ hủ lỗi thời tồn tại qua nhiều thế hệ. Thụy Điển muốn hỗ trợ trẻ em gái để tiếng nói của các em được lan tỏa và có trọng lượng hơn.
Năm nay, Bùi Ý Nhi, 20 tuổi, đến từ Hà Nội, được bà Ann Måwe trao quyền đảm nhiệm vị trí đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam trong 1 ngày. Sau khi quan sát các cán bộ sứ quán làm việc tại văn phòng, Bùi Ý Nhi cùng với đại sứ Måwe và bạn Dương Phương Anh, người được trao quyền làm đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam trong 1 ngày hai năm trước, đã thảo luận về những thách thức mà đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến trẻ em nói chung và trẻ em gái nói riêng.
COVID-19 làm gián đoạn việc học, đặt trẻ em trước những thách thức lớn về kinh tế, nguy cơ bị bóc lột, lao động trẻ em và bạo lực trên cơ sở giới, cũng như hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Khi hầu hết các hoạt động phải chuyển sang hình thức trực tuyến, việc đảm bảo một thế giới số an toàn và không có sự phân biệt ngày càng quan trọng hơn. Tuy nhiên, trẻ em và trẻ em gái vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro trực tuyến.
Kết thúc buổi làm việc, đại sứ Måwe cùng hai em gái Ý Nhi và Phương Anh cùng ký vào thư ngỏ lên tiếng chống lại việc lan truyền thông tin sai sự thật trên mạng.
Thụy Điển là quốc gia đầu tiên khởi động chính sách đối ngoại nữ quyền vào năm 2014 nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, đảm bảo họ được hưởng đầy đủ quyền của mình.
TTO - Doanh số bán sách ở Thụy Điển đạt mức cao nhất mọi thời đại trong nửa đầu năm 2021 khi người dân đi du lịch ít hơn và giải trí tại nhà nhiều hơn do đại dịch COVID-19.