ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NHÂN VIỆT NAM
Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Người Đưa Tin đăng tải loạt bài viết "Phục hồi kinh tế hậu Covid-19" với mong muốn lan toả những nỗ lực, giải pháp của doanh nhân, doanh nghiệp để vượt qua những khó khăn vì dịch bệnh; kiến nghị những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư; tạo môi trường kinh doanh ổn định, an toàn, thúc đẩy kinh tế tư nhân phục hồi sau đại dịch.
Từ thúc đẩy đầu tư đến tạo công ăn việc làm và tăng trưởng, khu vực tư nhân đã góp phần đưa Việt Nam gia nhập hàng ngũ các nền kinh tế có thu nhập trung bình chỉ sau một thế hệ, đây là nhận định trong Báo cáo Nghiên cứu Đánh giá Khu vực Kinh tế Tư nhân Việt Nam (CPSD), do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện gần đây.
Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang phát triển năng động với hàng loạt các tên tuổi lớn nổi lên như Vingroup, Vietjet Air, Masan... hoạt động trên khắp khu vực Đông Á.
Sự vươn lên mạnh mẽ của khối kinh tế tư nhân
Luật Doanh nghiệp, ra đời năm 1999 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2000, là cơ sở pháp lý quan trọng để tạo đà phát triển mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tư nhân.
Trong 20 năm, từ số lượng 42.300 doanh nghiệp đăng ký hoạt động năm 2000 đã nhảy vọt lên con số 758.610 năm 2019. Số lượng này chịu nhiều biến động trong các năm 2020-2021 do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Sự phát triển về mặt số lượng của khối doanh nghiệp tư nhân dẫn đến chuyển dịch cơ cấu trong thị trường lao động khi khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh giải quyết đến 60,6% nhu cầu việc làm. Trong khi đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 31,8%; và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ chiếm 7,6%.
Hoạt động của các doanh nghiệp cũng có những thay đổi đáng kể do chịu tác động từ nhiều yếu tố như bối cảnh kinh tế - thị trường, dịch bệnh...
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), 9 tháng đầu năm 2021, cả nước có 85,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.195,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 648,8 nghìn lao động. Nếu tính cả 1.677,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 32 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm nay là 2.873 nghìn tỷ đồng, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân mỗi tháng có 13.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, song song với đó là khoảng 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Báo cáo về khu vực tư nhân Việt Nam của IFC đánh giá, số lượng doanh nghiệp tư nhân trong nước tăng mạnh trong giai đoạn 2000-2016 nhưng còn nhiều hạn chế về mặt công nghệ, đổi mới sáng tạo, quy mô nhỏ, hoạt động chưa thực sự chuyên nghiệp và kém hiệu quả hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chưa tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hầu hết là các loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, số lượng nhân viên ít hơn 50 người, hoạt động chủ yếu trong các ngành nghề có năng suất tương đối thấp (các cửa hàng bán lẻ và cửa hàng ăn nhỏ…), mô hình sản xuất đơn giản, tập trung vào thị trường nội địa thay vì xuất khẩu.
Ngoài ra, Việt Nam vẫn còn cách xa mức năng suất toàn cầu, đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu & phát triển (R&D) và sáng chế chưa được quan tâm đúng mức. Năng suất giữa các công ty hàng đầu và các công ty phía sau, giữa các ngành, và trong nội bộ từng ngành còn tồn tại khoảng cách, đáng lo ngại là khoảng cách này ngày một nới rộng.
Tháng 6/2021, Tạp chí Forbes công bố doanh thu của 50 công ty dẫn đầu trong các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng (53,2 tỷ USD), tăng 8,7% so với tổng doanh thu của các công ty trong danh sách xếp hạng năm 2020. Lợi nhuận sau thuế của nhóm dẫn đầu cũng tăng 26%, đạt hơn 172 nghìn tỷ đồng (7,6 tỷ USD).
Trong lĩnh vực tiêu dùng, Vinamilk tiếp tục khẳng định vị thế khi lọt top 10 lần thứ 9 trong danh sách của Forbes.
Ở các vị trí dẫn đầu về doanh thu là các tên tuổi quen thuộc như Vingroup, Thế Giới Di Động và Thép Hòa Phát.
Đánh giá về kết quả trên, bà Kim-See Lim, Giám đốc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của IFC cho biết “Trong làn sóng Covid-19 hiện nay, khi các nguồn lực công trở nên khan hiếm, Việt Nam nhất thiết phải thúc đẩy một khu vực tư nhân năng động, đa dạng và tăng cường đổi mới sáng tạo cho giai đoạn phục hồi hậu Covid-19”.
Cải thiện và nâng cao giá trị gia tăng trong các lĩnh vực hiện có, dịch chuyển lên nấc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa dạng hóa các ngành kinh tế cũng như các thị trường mới, đảm bảo sự phát triển bền vững và số hóa nền kinh tế là những điều kiện tiên quyết trên lộ trình trở thành quốc gia có thu nhập cao, báo cáo của IFC đưa ra đóng góp.
Phục hồi và duy trì tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19
Việt Nam đang chuẩn bị cho bước tiếp theo trong quá trình chuyển đổi kinh tế thì cuộc khủng hoảng Covid-19 xảy ra. Đại dịch đã giáng một đòn mạnh vào hoạt động kinh doanh và việc làm, phản ánh áp lực đối với tốc độ tăng trưởng chung.
Cú sốc Covid-19 lan truyền tới doanh nghiệp thông qua nhiều kênh và trở lên nguy cấp hơn khi có tác động củng cố lẫn nhau - bao gồm giảm cầu, giảm và gián đoạn nguồn cung đầu vào, thắt chặt điều kiện tín dụng và suy giảm thanh khoản, cũng như gia tăng bất ổn.
Báo cáo của IFC cũng chỉ ra, thành công ban đầu trong ngăn chặn đại dịch Covid-19 ở Việt Nam đã cho thấy dấu hiệu hồi phục trở lại khi tổng tỉ lệ doanh nghiệp mở cửa tăng lên 94% vào tháng 10/2020.
Tuy nhiên, tình trạng phục hồi chưa đồng đều, nhiều doanh nghiệp vẫn đang hoạt động ở mức thấp hơn so với trước khủng hoảng.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nhận xét “Khu vực tư nhân mới nổi và năng động đã chứng tỏ được khả năng chống chịu trong đại dịch Covid-19, giúp Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia đạt được tăng trưởng dương trong năm 2020”. Nhưng đó chỉ là thành công bước đầu, “Việt Nam cần tiếp tục cải cách cơ cấu và pháp luật mạnh mẽ hơn nữa để tạo nền tảng vững chắc hơn cho cạnh tranh và đổi mới trong nền kinh tế, từ đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân trong lộ trình chuyển dịch sang một mô trình tăng trưởng kinh tế carbon thấp do khu vực kinh tế tư nhân dẫn dắt để đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045”, vị Giám đốc này cho biết thêm.
Trong tương lai, Việt Nam cần có một khu vực tư nhân phát triển năng động, đa dạng và đổi mới sáng tạo. Việc này sẽ càng trở nên cấp thiết hơn trong giai đoạn phục hồi sau Covid-19, khi các nguồn lực công trở nên khan hiếm, báo cáo khuyến nghị.
Năng suất lao động thúc đẩy một khu vực tư nhân hiệu quả
Để đạt được những mục tiêu tăng trưởng, đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, mệnh đề đầu tiên Việt Nam cần phải giải quyết đó là tăng trưởng năng suất kết hợp với quá trình tích lũy vốn liên tục. Con người luôn là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự thành bại trong bất kể lĩnh vực nào.
Tăng năng suất đồng nghĩa phải khai thác triệt để tiềm năng của khu vực tư nhân, giảm bớt các rào cản về gia nhập và dỡ bỏ các nhân tố kìm hãm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nâng cấp vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa dạng hóa sang các thị trường mới, số hóa sâu hơn nền kinh tế.
Tăng trưởng GDP nhanh chóng trong thời gian qua dựa rất nhiều vào tăng lực lượng lao động và vốn đầu tư, trong khi tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) chậm hơn hầu hết các nền kinh tế Đông Á đang phát triển nhanh khác, báo cáo của IFC nêu rõ.
Năng suất lao động của Việt Nam năm 2020, theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore.
Báo cáo 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cũng cho thấy, năng suất lao động Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm. Điều đáng lo ngại là khoảng cách này đang có xu hướng ngày càng nới rộng.
Trước đây, chúng ta thường coi nhân lực giá rẻ là một lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài. Thị trường xuất khẩu lao động Việt Nam cũng chỉ dừng ở mức lao động đơn giản, tay nghề và trình độ chưa cao khiến cho người lao động không đạt được mục tiêu kinh tế sau một thời gian làm việc tại nước ngoài.
Đã đến lúc, cần thay đổi tư duy, tập trung hướng tới cải thiện năng suất và chất lượng lao động.
NSLĐ là thước đo được tổng hòa bởi nhiều yếu tố: Ở cấp độ vĩ mô như quy mô nền kinh tế, thể chế, cơ chế chính sách,… hay yếu tố vi mô như quy mô, nội lực của doanh nghiệp, khả năng ứng dụng những thành tựu, sáng tạo mới của khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh; chất lượng, kỹ năng nguồn nhân lực, khả năng điều tiết và sử dụng nhân lực hiệu quả của các doanh nghiệp…
Năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn ở gần mức đáy trong số các nước ASEAN, theo ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam. Nếu giữ nguyên tốc độ tăng NSLĐ gần đây, Việt Nam sẽ chỉ đuổi kịp Philippines vào năm 2038, Thái Lan vào năm 2069, và mất nhiều thời gian hơn nữa để bắt kịp với nhiều nước khác.
Nhìn chung, tăng trưởng dựa vào năng suất đóng vai trò thiết yếu là cách duy nhất giúp Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao trước khi phải đối mặt với những vấn đề về già hóa dân số vào năm 2045.
Thúc đẩy tăng năng suất đòi hỏi phải khai thác triệt để tiềm năng của khu vực tư nhân thông qua các cải cách chính sách nhằm giảm thiểu những yếu tố làm hạn chế hiệu quả và cản trở năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp tư nhân, đi đôi với đảm bảo phát triển bao trùm và bền vững.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận xét, kết quả tăng trưởng năng suất của Việt Nam trong quá khứ là tốt nhưng chưa mang tính chất bứt phá ngoạn mục. Tốc độ đuổi kịp với các nền kinh tế thu nhập cao đang bị chậm lại. Cần khẩn trương khắc phục tình trạng này.
Việc số hóa, được đẩy mạnh do đại dịch Covid-19 và đang khiến động lực tăng trưởng dịch chuyển từ công nghiệp sang dịch vụ, cũng sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc cách mạng cải thiện năng suất tại Việt Nam.
Minh Đức – Lê Tuấn