Trung Quốc đang khởi động một cuộc thanh tra trên diện rộng nhằm vào các cơ quan giám sát hệ thống tài chính, các ngân hàng quốc doanh, các công ty bảo hiểm và các công ty quản lý nợ xấu lớn nhất. Là cuộc thanh tra lớn nhất trong 6 năm trở lại đây, chiến dịch cho thấy rõ nét quyết tâm chống tham nhũng trong hệ thống tài chính quy mô 54.000 tỷ USD của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo thông báo được công bố chiều tối hôm qua (11/10), 1 nhóm do Ủy ban kiểm tra trung ương đảng (CCDI) phụ trách sẽ bắt đầu đợt thanh tra chống tham nhũng kéo tháng 2 tháng tại Ủy ban giám sát ngân hàng và bảo hiểm (CBIRC). Hạn chót để tiếp nhận đơn từ khiếu nại là ngày 15/12.
Chủ tịch CBIRC Guo Shuqing nhận định động thái này cho thấy đảng Cộng sản Trung Quốc đang rất quyết tâm siết chặt kỷ cương trong ngành tài chính. Ông chỉ đạo các nhân viên coi việc hợp tác với thanh tra là ưu tiên hàng đầu tại thời điểm hiện tại.
CBIRC là một trong số 25 tổ chức bị thanh tra trong đợt này. Trong các đợt trước, đối tượng chủ yếu là các cơ quan chính phủ (cả cấp trung ương và địa phương) và các doanh nghiệp nhà nước. Lần này trọng tâm là NHTW Trung Quốc, Ủy ban chứng khoán, 2 sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến, nhóm các ngân hàng quốc doanh lớn nhất và các công ty quản lý nợ xấu như China Huarong Asset Management.
Theo 1 bài viết đăng trên tờ Nhân dân nhật báo tháng trước, dẫn lời người đứng đầu CCDI là ông Zhao Leji, trọng tâm của chiến dịch thanh tra là nhận thức chính trị của các lãnh đạo đảng tại những tổ chức này và những vấn đề đang cản trở quá trình phát triển của ngành tài chính.
Còn tờ Wall Street Journal nhận định thực chất mục tiêu mà ông Tập Cận Bình hướng đến với chiến dịch thanh tra lần này là xem xét kỹ mối quan hệ giữa các định chế tài chính với các tập đoàn tư nhân lớn nhất. Theo nguồn tin thân cận, trọng tâm là câu hỏi liệu có phải các ngân hàng quốc doanh, quỹ đầu tư và cả cơ quan quản lý hệ thống tài chính đã trở nên quá thân mật với các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là những tập đoàn như Evergrande, Didi Global và Ant Group.
Nguồn tin này cho biết các ngân hàng quốc doanh là chủ nợ của Evergrande đều nằm trong danh sách thanh tra. Một trong số đó là Citic Group - đế chế tài chính được thành lập cuối những năm 1970 và là ví dụ nổi tiếng nhất cho quá trình "thử nghiệm chủ nghĩa tư bản" của Trung Quốc. Citic được coi là định chế tài chính có nhiều điểm tương đồng với văn hóa phố Wall nhất ở Trung Quốc.
Khi Evergrande cần tiền phát triển dự án năm 2015, Citic đã cam kết cho vay khoảng 3 tỷ USD. Sau đó Citic đóng gói khoản vay này thành các sản phẩm đầu tư lợi suất cao để bán lại cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Có nguồn tin cho rằng những năm gần đây Citic đã cung cấp cho Evergrande hơn 10 tỷ USD bất chấp Bắc Kinh liên tục cảnh báo về những rủi ro trong lĩnh vực cho vay bất động sản.
Một định chế khác bị thanh tra đợt này là quỹ đầu tư quốc gia CIC. Quỹ này đã đầu tư vào Ant Group và Didi Global - 2 tập đoàn công nghệ gần đây liên tiếp bị điều tra.
Sau nhiều năm thực hiện chiến lược chống tham nhũng, tổng cộng Trung Quốc đã trừng phạt hơn 1,5 triệu quan chức. Gần đây nhất, Lai Xiaomin, cựu chủ tịch của Huarong đã phải nhận án tử hình. Hu Huaibang, cựu Chủ tịch ngân hàng chính sách lớn nhất Trung Quốc, bị phạt tù chung thân.
Để hạn chế rủi ro tài chính, Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch trấn áp một loạt doanh nghiệp trên khắp các lĩnh vực từ fintech đến bất động sản. Tuy nhiên điều đó gây ra nhiều xáo trộn và khiến các nhà đầu tư lo lắng, ban đầu đã kích hoạt lên làn sóng bán tháo các tài sản Trung Quốc.
Tham khảo Bloomberg