TP Thủ Đức đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh. Đến nay, TP. Thủ Đức đã tiêm vaccine cho 99,6% đối tượng theo quy định của Bộ Y tế, trong đó người trên 50 tuổi đạt 83%. Trong thời gian tới, TP. Thủ Đức sẽ tập trung tiêm vaccine mũi 2 nhanh nhất để đạt mức độ bao phủ 65% đến 70% người từ 18 tuổi trở lên.
Tuy vậy, địa phương cũng linh hoạt thay đổi chính sách để nhanh chóng mở rộng thêm số vùng an toàn, từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội. Theo công văn số 385/KH-UBND mới nhất, với hoạt động chống dịch, thành phố chia ra hai hoạt động chính: Y tế và Ứng dụng khoa học công nghệ.
Đối với y tế, TP. Thủ Đức phải tăng cường hiệu lực giám sát y tế cộng đồng, bao gồm xét nghiệm tầm soát đánh giá dịch tễ, phát hiện đối tượng nguy cơ, chuẩn bị thuốc men, oxy, giường bệnh, khu cách ly… nhất là nắm sát tình hình sức khoẻ, nguy cơ tới từng hộ dân, từng phòng trọ.
Bên cạnh đó, mạng lưới giám sát y tế cộng đồng cần huy động y tế tư nhân, kể cả những y, bác sĩ đã nghỉ hưu, nhằm phát hiện thật nhanh ca nhiễm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị tích cực ngay từ ban đầu.
Cuối cùng, tiến hành đánh giá cấp độ dịch và quyết định những biện pháp theo hướng dẫn "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có quả với dịch Covid-19" của ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19.
Liên quan đến việc ứng dụng khoa học công nghệ, thành phố yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch Covid -19 và góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Đặc biệt, trong bối cảnh thành phố dần phục hồi kinh tế, công văn cũng đưa ra các hướng dẫn cụ thể hướng dẫn hoạt động với các ngành nghề. Một số lĩnh vực chính được đề cập bao gồm: chợ đầu mối, chợ truyền thống, siêu thị mini, cửa hàng bình ổn tiện lợi, cửa hàng tạp hoá, cơ sở kinh doanh ăn uống, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp lữ hành, điểm tham quan du lịch ngoài trời, cơ sở hoạt động thể dục, thể thao, cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ khác.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 8228/BYT-MT ngày 30/9/2021 về việc hướng dẫn xét nghiệm Covid-19 đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh: cần thực hiện xét nghiệm sàng lọc đối với tất cả các trường người lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như ho, sốt, khó thở… hoặc có các yếu tố dịch tễ liên quan; Thực hiện xét nghiệm định kỳ 2 tuần/ lần cho ban quản lý chợ, thương nhân, người phụ việc; Kỹ thuật xét nghiệm bằng phương pháp RT - PCR hoặc nhanh test kháng nguyên; Tạo tài khoản, đăng ký xét nghiệm và tiến hành khai báo đầy đủ thông tin xét nghiệm của đơn vị trên hệ thống Việt Nam Khoẻ Mạnh, tại địa chỉ: https://vnkm.yte.gov.vn/xetnghiem/tochuc .
Trường hợp nếu tự xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên thì phải được hướng dẫn của trạm y tế phường. Đơn vị quản lý chợ tự chịu trách nhiệm về chất lượng test kháng nguyên, quy trình và kết quả xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm phải được báo cáo về UBND phường, phòng Kinh tế TP Thủ Đức (trong khoảng 2 giờ sau khi kết thúc ngày xét nghiệm và báo cáo ngay sau khi có trường hợp F0).
Với các nhóm ngành nghề khác, cần có phương án xử lý khi xuất hiện F0. Các đơn vị cũng cần tài khoản, đăng ký xét nghiệm và tiến hành khai báo đầy đủ thông tin xét nghiệm tại địa chỉ: https://vnkm.yte.gov.vn/xetnghiem/tochuc.
Ứng dụng Việt Nam Khoẻ Mạnh giúp người dân tiển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp về y tế như tự khai báo y tế, đăng ký xét nghiệm, lưu xét nghiệm và kết quả tiêm vaccine trên thiết bị di động thông qua website vnkm.yte.gov.vn đảm bảo người dân được tiếp cận các loại hình y tế công - tư, từ sớm, từ xa, từ cơ sở và nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, linh hoạt, động viên người thân cùng gia đình biết tự bảo vệ mình, sống khoẻ và sống an toàn.
PV
Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.79252804121011202-et-hnik-ioh-cuhp-coub-gnut-hcid-taos-meik-gnod-uhc-cud-uht-pt/nv.zibefac